Người dân xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh thu hoạch lúa sớm để giảm thiểu thiệt hại cơn bão số 10 gây ra (Ảnh: dangcongsan.vn)
Mưa lũ đã gây thiệt hại rất lớn tới sản xuất nông nghiệp, nhiều diện tích hoa màu, cây trồng lâu năm bị ngập úng và thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến thu hoạch lúa mùa và sản xuất cây vụ đông tại các tỉnh phía Bắc. Tổng thiệt hại sơ bộ của đợt mưa bão trong tháng 10 vừa qua ước tính khoảng 12.383 tỷ đồng (tương đương 545 triệu USD). Tính chung 10 tháng, thiên tai làm thiệt hại khoảng trên 36.513 tỷ đồng (tương đương trên 1,6 tỷ USD).
Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục thiệt hại, sớm khôi phục sản xuất. Hiện nay, Bộ đang tổng hợp các đề xuất của các địa phương và cùng các bộ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ các địa phương. Bộ đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin cấp hạt giống lúa, ngô, rau để nhanh chóng khôi phục sản xuất vụ Đông ở các tỉnh phía Bắc.
Trên các lĩnh vực sản xuất khác, về công tác trồng rừng, do thời tiết thuận lợi nên diện tích rừng trồng mới tập trung tính đến 20/10 đạt 175,9 nghìn ha, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, sản lượng khai thác rừng trồng đến thời điểm hiện nay đạt 15 triệu m3 và năm 2017 ước đạt 19 triệu m3. Năm nay giá trị xuất khẩu gỗ ước đạt 7,8 tỷ USD và tốc độ tăng giá trị của ngành lâm nghiệp đạt 6,6%. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, đến hết tháng 10/2017 cả nước đã thu được 1.590 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, tăng 142% so với năm 2016 và dự kiến năm 2017 đạt 1.700 tỷ đồng. Hiện Tổng cục Lâm nghiệp đang tập trung chỉ đạo việc khắc phục hậu quả hơn 152.000ha rừng bị thiệt hại do bão số 10 gây ra; đồng thời triển khai công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng.
Trong tháng, thủy sản vẫn nổi lên là lĩnh vực có sự tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu rất khả quan, nhất là với mặt hàng tôm. Tính chung, tổng sản lượng thủy sản 10 tháng đạt 5.891 nghìn tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản năm nay có thể cán mốc 8,2-8,3 tỷ USD (năm 2016 đạt 7,1 tỷ USD).
Về nhiệm vụ trong tháng 11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám yêu cầu Tổng cục Thủy sản sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định 67 để trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/11. Thứ trưởng cũng giao Tổng cục Thủy sản cùng các đơn vị và VASEP khẩn trương có kế hoạch hành động để thoát ra khỏi tình trạng thẻ vàng do Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo vào ngày 23/10/2017.
Liên quan đến việc sửa chữa 18 tàu bị hư hỏng ở Bình Định, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu lãnh đạo Tổng cục Thủy sản trực tiếp vào kiểm tra, giám sát tiến độ sửa chữa để đảm bảo hoàn thành việc sửa chữa và đưa các tàu này vào hoạt động trước ngày 15/11/2017.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, trong tháng, Bộ tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ và phòng, chống dịch bệnh động vật. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp vắc xin và hóa chất hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch bệnh động vật, khắc phục thiệt hại do bão, lũ. Về lĩnh vực này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Cục Chăn nuôi tập trung thống nhất xây dựng Luật Chăn nuôi; chuẩn bị nội dung tổng kết 10 năm triển khai chiến lược phát triển chăn nuôi; chuẩn bị làm việc với 8 doanh nghiệp xuất khẩu lợn sữa và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu.
Trong tháng 11, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các đơn vị thuộc Bộ cần triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng ngành, các lĩnh vực, phấn đấu đạt mục tiêu của năm 2017. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục xây dựng các dự thảo luật, đặc biệt nhanh chóng tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), Luật Thủy sản (sửa đổi). Cùng với việc ban hành chương trình hành động, cắt giảm đối với nhóm thủ tục còn chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân.../.
BT