|
Lực lượng chức năng huyện Bắc Trà My , tỉnh Quảng Nam kiểm soát người và phương tiện qua lại tại ngầm Suối Gôn, xã Trà Ka (Nguồn ảnh: baoquangnam.vn) |
Cập nhật đến 18h ngày 10/10 về tình hình mưa lũ của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết: Từ 19h ngày 9/10 đến 18h ngày 10/10, khu vực Trung Bộ có mưa to đến rất to. Cụ thể, tại Huế (Bạch Mã 589mm, Khe Tre 555mm, Thượng Nhật 467mm); Quảng Nam (Tam Lãnh 611mm, Tam Trà 590mm; Đại Hiệp 498mm), Đà Nẵng (Hòa Phước 345mm, hồ Đồng Nghệ 367mm); Quảng Ngãi (Trà Hiệp 549mm, đập Hà Thanh 401mm).
Dự báo chiều tối ngày 10/10 đến đêm 11/10, khu vực Huế - Bình Định có mưa 100-200mm; có nơi trên 250mm. Khu vực Nam Trung Bộ 50-100mm, có nơi trên 120mm.
Tính đến 17h ngày 10/10, ảnh hưởng của mưa lũ đã làm 1 người mất tích (tại Quảng Nam) do bị nước lũ cuốn trôi; 858 nhà bị ngập (Bình Thuận 46; Quảng Ngãi 98; Đà Nẵng 714). Bên cạnh đó, thiệt hại 392ha cây ăn quả (Bình Thuận), 310 con gia cầm (Bình Thuận); 50 điểm đường bị ngập (Quảng Bình 25; Quảng Trị 3; Huế 1; Đà Nẵng 10; Quảng Nam 11).
Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã có chỉ đạo căn cứ tình hình ngập lụt để quyết định việc cho học sinh nghỉ học
Cũng theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, lúc 16h ngày 10/10, mực nước các sông từ Huế đến Quảng Ngãi đang lên ở mức báo động 1 – báo động 2 (chưa ảnh hưởng lớn đến khu vực dân cư ven sông).
Triển khai công tác ứng phó với mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đã ban hành công điện số 31/CĐ-QG ngày 10/10/2022 gửi các tỉnh từ Quảng Bình – Phú Yên chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Các địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo, cử các đoàn kiểm tra để ứng phó với mưa lũ, đặc biệt là chỉ đạo bố trí lực lượng chốt chặn ở các vị trí ngầm tràn nguy hiểm./.
BT