Lý giải về hiện tượng này, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đã có cuộc trao đổi với phóng viên.
Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia.
(Ảnh: BL)
Phóng viên (PV): Ông đánh giá gì về đợt mưa lớn tại các tỉnh miền Trung?
TS Hoàng Phúc Lâm: Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp nhiễu động gió đông, nên từ ngày 8-10/12/2018, khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa đã có mưa to đến rất to. Từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế lượng mưa từ 100-200 mm; Quảng Ngãi đến Bình Định lượng mưa từ 250-300 mm; Khánh Hòa và Phú Yên từ 50-80 mm. Mưa lớn nhất tập trung ở khu vực Quảng Nam-Đà Nẵng với tổng lượng mưa phổ biến từ 350-402 mm.
Một số nơi có lượng mưa lớn hơn so với các điểm khác trong khu vực như: Vinh 394 mm; Đông Hà (Quảng Trị) 599 mm, Quảng Trị 544 mm; Phong Điền 569 mm, Bạch Mã 515 mm (Thừa Thiên Huế); Đà Nẵng 853 mm, Cẩm Lệ 814 mm, Bà Nà 809mm (Đà Nẵng); Thăng Bình 930 mm, Bình Phú 819 mm, Câu Lâu 808 mm (Quảng Nam); Thanh An 510 mm, Ba Tơ 501 mm, (Quảng Ngãi); An Hòa 634 mm, Hoài Nhơn 475 mm (Bình Định).
Theo số liệu quan trắc đến thời điểm này cho thấy, đợt mưa ở Miền Trung đã có những số liệu vượt kỷ lục theo thống kê về lượng mưa ở một số địa điểm vào giai đoạn cuối của mùa mưa. Một số nơi còn vượt kỷ lục của mùa mưa chính vụ. Đặc biệt, đợt mưa này lại xảy ra sau ngày 23 tháng 10 âm lịch. Theo kinh nghiệm của bà con thì ngày này cũng giống như sau rằm tháng 7 âm lịch ở miền Bắc sẽ không còn mưa. Có thể nói là đợt mưa này chưa từng xảy ra trước đây. Bước đầu có thể thấy rằng đây là những biểu hiện rõ ràng của biến đổi khí hậu, tức là các quy luật về mưa không còn như trước nữa.
PV: Theo quy luật hàng năm, mùa mưa ở miền Trung gần như đã kết thúc, nhưng thực tế đã diễn ra đợt mưa lũ lớn, nhiều khu vực đạt mức lịch sử. So với quy luật hàng năm, đợt mưa lũ ở miền Trung những ngày qua có bất thường không, thưa ông?
TS Hoàng Phúc Lâm: Từ đêm 8 - 10/12/2018, các tỉnh phía nam của Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Bình Định đã có mưa to đến rất to, một số nơi có lượng mưa đặc biệt lớn, trên 800 mm do ảnh hưởng kết hợp của 3 nhân tố gây mưa, đó là: Thứ nhất, gió đông bắc tầng thấp sau khi tĩnh lại lâu ở Bắc Bộ trong ngày 07/12 đã tràn rất nhanh xuống miền Trung; thứ hai, địa hình chắn gió của khu vực Trung bộ với dãy Trường Sơn ở phía Tây và thứ ba là gió đông đến đông nam trên cao bổ sung thêm hơi ẩm.
Tháng 12 vẫn là thời gian cuối của mùa mưa ở Trung Bộ do đặc điểm về địa hình chắn gió đối với gió mùa đông bắc. Khi có gió mùa đông bắc, miền Trung sẽ xảy ra mưa lớn kéo dài, đặc biệt khi kết hợp với các nhân tố gây mưa khác như: Xoáy thuận nhiệt đới, hoạt động của đới gió đông trên cao… thì tại đây sẽ có mưa to đến rất to. Trong tháng 12 các năm gần đây vẫn thường xảy ra 1-2 đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh Trung Bộ. Đặc biệt trong tháng 12/2016 đã liên tiếp xảy ra 02 đợt mưa lớn (đợt 1: từ 29/11 đến 08/12/2016 và đợt 2 từ 12 đến 17/12/2016) và gây ra lũ tương đương lịch sử ở khu vực Bình Định.
PV: Dự báo đợt mưa này kéo dài bao giờ, mức độ mưa lũ thế nào?
TS Hoàng Phúc Lâm: Trong ngày 11/12, mưa to đến rất to sẽ giảm nhanh ở khu vực ven biển Trung Bộ do gió đông bắc suy yếu. Tuy nhiên, từ chiều tối và đêm 11/12, một đợt không khí lạnh mới với cường độ mạnh sẽ tăng cường xuống nước ta. Từ khoảng ngày 12/12, các tỉnh ven biển Trung Bộ sẽ có mưa to trở lại. Khu vực trọng tâm mưa trong những ngày giữa tuần sẽ là các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên và đến cuối tuần có thể ảnh hưởng xuống cả khu vực Khánh Hòa.
Từ ngày 12/12, không khí lạnh lại tràn xuống ảnh hưởng tới khu vực ven biển Trung và Nam Trung Bộ và nhiều khả năng mưa to đến rất to trên diện rộng lại lặp lại trong các ngày giữa tháng 12/2018.Người dân cần đề phòng trong những ngày tới, trên các sông thuộc các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-6 m, hạ lưu từ 1-3 m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi và ngập úng cục bộ vùng trũng thấp tại các tỉnh trên.
PV: Từ nay đến cuối năm, mưa lũ ở miền Trung được dự báo thế nào?
TS Hoàng Phúc Lâm: Trong tháng 12 tại các tỉnh Trung Bộ đã và vẫn sẽ xảy ra nhiều đợt mưa trên diện rộng nữa. Đa số nguyên nhân gây mưa trong tháng 12 là không khí lạnh và nhiễu động trong đới gió đông hoặc bão và áp thấp nhiệt đới. Ví dụ từ 12-18/12/2016 từ Quảng Trị đến Ninh Thuận đã có mưa to, trọng tâm mưa từ Quảng Nam đến Phú Yên với lượng mưa phổ biến 400-600m đã gây ra lũ rất cao ở Bình Định. Chúng tôi dự báo không khí lạnh năm nay sẽ hoạt động mạnh, nên mưa và lũ ở Trung Bộ trong tháng 12 năm nay sẽ còn xảy ra 1-2 đợt mưa lớn diện rộng và trong tháng cũng có khả năng xuất hiện lũ trên các sông ở trung và nam Trung Bộ.
PV: Năm nay biển Đông chỉ có 7 cơn bão, miền Trung cụ thể là Đà Nẵng thiếu nước giữa mùa mưa. Những thay đổi bất thường này có nguyên nhân sâu xa là gì thưa ông?
TS Hoàng Phúc Lâm: Mùa bão năm nay tính đến hiện tại có 09 cơn bão và 04 áp thấp nhiệt đới, tương đương với trung bình nhiều năm (12-13 cơn bão và ATNĐ). Khu vực miền Trung thiếu nước trong mùa mưa có thể một phần do biến đổi khí hậu, phần nữa có thể là do hoạt động của các tác nhân gây mưa cho trung bộ trong mùa mưa là không mạnh do cuối năm, ENSO đã chuyển từ pha trung tính sang pha El Nino.
PV: El Nino đã thực sự tác động đến Việt Nam chưa? Nếu có thì trong thời gian tới, thời tiết ba miền sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?
TS Hoàng Phúc Lâm: Tính đến thời điểm hiện tại thì các biểu hiện của thời tiết, khí hậu của Việt Nam của El Nino là chưa rõ ràng do El Nino là hiện tượng trong đại dương, cần thời gian để tác động và làm thay đổi các đặc điểm hoàn lưu trong khí quyển.
Hiện chúng tôi vẫn đang cảnh báo khả năng thiếu hụt mưa trong những tháng đầu năm 2019 cho các khu vực Trung Bộ và Nam Bộ.
PV: Xin cảm ơn ông!
Bích Liên