|
Quảng Bình sẵn sàng sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm bởi mưa lũ
|
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, do mưa lớn trong ngày 6 và 7/10, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh bị ách tắc vì nước lũ dâng cao.
Đến chiều 7/10, các tuyến đường như Ngầm Bùng, Km 562+200, Quốc lộ 15 ngập sâu 2 m. Tại ngầm tràn Km41+980 và ngầm tràn Km43+800 Quốc lộ 9B nước ngập 50 cm, nhiều điểm nước dâng cao, các phương tiện không qua lại được. Còn tại cầu tràn Km46+909 thuộc đường tỉnh 559B, nước ngập 1,5 m. Tuyến đường nối từ Quốc lộ 12A vào Đồn Biên phòng Ra Mai, bản Lòm, bản Ra Mai… nước ngập từ 1-1,5 m. Ngầm tràn xã Minh Hóa và các ngầm tràn ở xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) ngập sâu trong nước 1 m.
Đến chiều 7/10, mưa lớn đã làm nhiều nơi ở thị trấn Quy Đạt và xã Yên Hóa (huyện Minh Hóa) ngập cục bộ, xã Minh Hóa bị cô lập toàn bộ. Ngoài ra, tuyến đường vào các bản vùng trong của xã Thượng Hóa và bản vùng Lòm của xã Trọng Hóa đã bị chia cắt nhiều đoạn. Các thôn ở xã Tân Hóa cũng bị chia cắt. Từ chiều 7/10, huyện Minh Hóa đã cho học sinh nghỉ học.
Trước tình trạng trên, kiểm tra tại những điểm xung yếu ở huyện Minh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Phong yêu cầu các địa phương chủ động, khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó với tình hình mưa lũ. Tập trung rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn. Sẵn sàng sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương tuyên truyền, vận động người dân không được chủ quan; nghiêm cấm việc ra khe, suối bắt cá, vớt củi khi còn mưa, lũ; vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn vùng hạ du, triển khai biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước.
|
Các tuyến đường tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) bị ngập sâu. Ảnh: Báo Quảng Nam
|
Mưa lớn kéo dài suốt ngày 7/10 khiến nhiều tuyến đường của TP. Tam Kỳ và huyện Phú Ninh (Quảng Nam) bị ngập sâu từ 0,2-0,4 m khiến việc lưu thông của các phương tiện gặp nhiều khó khăn. Sinh hoạt của người dân cũng xáo trộn bởi đợt mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay.
Trận lốc xoáy xuất hiện vào đầu giờ chiều ngày 7/10 khiến một phần mái chợ Tam Thanh (TP. Tam Kỳ) cùng 3 nhà dân bị tốc mái, trong đó 1 nhà dân bị tốc mái hoàn toàn. Ngay khi trận lốc xoáy đi qua, chính quyền xã đã phối hợp bộ đội biên phòng, dân quân địa phương khẩn trương thu dọn, sửa chữa, gia cố lại mái nhà cho người dân.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, trong 24 giờ qua, tổng lượng mưa tại vùng núi và trung du của Quảng Nam phổ biến 50-110 mm, vùng đồng bằng ven biển phổ biến 90-150 mm, có nơi cao hơn 150 mm. Trong 24-48 giờ tới, Quảng Nam tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa đến hết ngày 10/10 phổ biến 300-500 mm, có nơi hơn 600 mm.
Nhằm ứng phó với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, chiều 7/10, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã làm việc với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, do thực hiện cấp nước phục vụ sản xuất vụ Hè-Thu năm 2020, hiện tất cả các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều nằm ở mực nước chết. Các hồ chứa thủy điện có mực nước thấp hơn so với mực nước dâng bình thường. Trong 2-3 ngày tới, nếu lượng mưa lớn như hiện tại, mực nước ở 4 hồ chứa thủy điện sẽ nằm ở mức đón lũ.
Tỉnh Quảng Nam tiếp tục nghiêm túc thực hiện công điện số 12, thực hiện cấm biển, hướng dẫn ngư dân chằng níu tàu thuyền để tránh va đập, phòng chống cháy nổ; giữ liên lạc thường xuyên với tàu thuyền của ngư dân còn đang hoạt động trên biển; sẵn sàng sơ tán dân khi cần thiết.
Trong chiều 7/10, Đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tại tại Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2, huyện miền núi Bắc Trà My - nơi được mệnh dạnh là “rốn” mưa lũ.
Để phòng chống rủi ro do mưa lũ gây ra, vừa qua, Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 đã tổ chức đồng bộ nhiều phương án phòng, chống như phân công lịch trực đến các phòng/phân xưởng, đội xung kích; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ lưu. Nhà máy tổ chức đi kiểm tra, đánh giá công tác chuẩn bị ứng phó với vùng áp thấp như hệ thống còi cảnh báo xả nước, hệ thống thông tin liên lạc, chiếu sáng, hệ thống camera giám sát hồ chứa phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hệ thống trạm cảnh báo lũ từ xa. Bên cạnh đó, Nhà máy đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để kịp thời xử lý những tình huống xảy ra, đặc biệt là sự cố mất an toàn...
|
Nhiều tuyến đường thuộc huyện Đakrông bị sạt lở. Ảnh: Báo Quảng Trị |
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với không khí lạnh nên ở tỉnh Quảng Trị đã có mưa to đến rất to, đặc biệt là khu vực miền núi. Dự báo, trong những ngày tới, Quảng Trị tiếp tục xuất hiện mưa vừa, mưa to, tập trung chính từ ngày 13-17/10. Tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250 mm, có nơi trên 300 mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng; ngập úng cục bộ vùng thấp trũng, ven sông suối.
Mưa lớn ở Quảng Trị trong những giờ qua khiến mực nước ở các sông Thạch Hãn, Hiếu, Bến Hải đang dâng cao. Tại hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, một số cầu tràn đã bị ngập nước.
Chiều 7/10, lực lượng chức năng huyện Hướng Hóa vẫn đang tổ chức tìm kiếm hai người mất tích do đò bị lật. Trước đó, vào khoảng 11h cùng ngày, trong lúc trời mưa lớn, anh Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1985) và anh Lê Quang Hùng (sinh năm 1992, cùng trú tại thôn Tân Linh, xã Hướng Tân) chèo đò qua con suối gần hồ thủy điện Rào Quán. Do mưa lớn, đò bị lật khiến anh Nam và anh Hùng rơi xuống suối, mất tích.
Trước tình hình trên, ngày 7/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ban hành công điện về việc tăng cường chỉ đạo ứng phó với mưa lớn trên diện rộng, trong đó yêu cầu lực lượng chức năng phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, sắp xếp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại nơi neo đậu.
Các địa phương khẩn trương di chuyển, gia cố lồng bè nuôi thủy sản trên sông, ao hồ, đầm phá ven biển, ven sông đảm bảo an toàn; tuyệt đối không để người dân ở trên lồng bè nuôi thủy sản khi mưa lũ xảy ra; triển khai sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, ven sông suối và khu vực thấp trũng ngập úng.
Cơ quan chức năng chuẩn bị lực lượng, phương tiện thường trực để sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ sơ tán dân khi có lệnh điều động; triển khai lực lượng hướng dẫn giao thông chốt chặn, nghiêm cấm người qua lại ở các khu vực nguy hiểm.
Chủ công trình các hồ chứa tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến mưa lũ, thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Chi Mai-Lưu Hương