Hơn 10 sinh viên thuộc các trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Văn hóa, Học viện Phụ nữ…. cùng thiết kế và triển khai dự án Bút Xanh 2017 tại xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, từ tháng 5 đến tháng 7/2017. Nội dung chính của Bút Xanh 2017 là các tình nguyện viên hướng dẫn trẻ em từ 10 – 15 tuổi các kiến thức cơ bản về ô nhiễm nước, ô nhiễm rác, các giải pháp tái chế rác thải sinh hoạt, và viết về các quan sát của mình đối với các chủ đề trên dưới dạng tin và phỏng vấn báo chí.
“Chúng tôi đã dành gần hai tháng để hoàn thiện bài giảng cũng như khảo sát địa điểm tổ chức dự án,” bạn Nguyễn Thị Phương Thảo - Trưởng ban Nội dung của Dự án Bút Xanh 2017 chia sẻ. Theo Phương Thảo thì các bạn “đã làm những việc mình chưa từng làm như thiết kế nội dung dạy, trực tiếp đứng lớp và tổ chức đi thực địa ở biển Cửa Việt cho 20 em học sinh.”
Tuy nội dung chuẩn bị mất gần 2 tháng nhưng chỉ diễn ra trong 8 ngày (13 – 20/7) tại xã Triệu Tài, với 5 buổi học, 1 buổi giao lưu, 1 buổi thực địa và 1 buổi tổng kết. Các buổi học được đan xen giữa các hoạt động theo nhóm, học kiến thức và chơi trò chơi...
Qua đó, các tình nguyện viên của CLB Nhà báo xanh còn có nhiều trải nghiệm về những lần đầu tiên trong đời. “Đây là lần đầu tiên tôi đi tình nguyện, lần đầu tiên đứng lớp truyền đạt kiến thức cho học sinh”, bạn Đặng Mỹ Linh, điều phối viên Dự án Bút Xanh Quảng Trị 2017 nhớ lại. “Chúng tôi hồi hộp nhận ý kiến đóng góp của các em, sau mỗi buổi học, và hạnh phúc vì em nào cũng tỏ ra thích thú và vui vẻ”. Hạnh phúc đó là động lực để các tình nguyện viên hào hứng khi giảng bày và say sưa thảo luận nhóm về bài giảng ngày mai đến 11-12h tối.
Dù thời gian ngắn nhưng các tình nguyện viên đến từ Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc …. đều ấn tượng mạnh với con người và văn hóa của vùng đất miền Trung lần đầu họ đặt chân. Lê Thi Thúy, tình nguyện viên CLB Nhà báo xanh cho biết: “Tôi yêu mến, trân trọng khâm phục các em hơn bởi tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập. Hai em Nguyễn Hữu Anh Kiệt và Nguyễn Hữu Trung Quân mồ côi cha, sống cùng mẹ và ông bà già yếu. Dù gia đình vất vả nhưng hai em là học sinh giỏi nhiều năm. Bên cạnh đó, thời tiết miền Trung thất thường, nhiều buổi học mưa to nhưng học viên không những không vắng mặt mà số lượng học sinh tăng lên, từ 10 em lên tới 20 em”.
Những trải nghiệm mới đó khiến các tình nguyện viên trưởng thành và tự hào về những gì mình làm được. Theo bạn Lê Thị Thúy, đó là động lực để bạn và các tình nguyện viên khác quyết định tiếp tục thực hiện một chương trình tương tự tại Hà Giang năm 2018. “Dành gần 2 tháng cho một tuần ngắn ngủi nhưng những gì đạt được khiến chúng tôi cảm thấy thật sự xứng đáng”, Lê Thị Thúy tâm sự. “Đây không chỉ là một đoạn đường đã qua trong tuổi trẻ của tôi mà sẽ là cả một hành trình dài mà chúng tôi - CLB Nhà báo xanh sẽ vẫn tiếp tục miệt mài theo đuổi”.