Quang cảnh Hội thảo "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội. (Ảnh: NK) 

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa xây dựng kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2023. Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ chủ trì 6 hoạt động giám sát. Đáng chú ý có giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án chậm tiến độ, đầu tư dở dang ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Cùng với đó là giám sát việc công khai, minh bạch, thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai; việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của UBND các cấp; tiếp tục giám sát việc triển khai các công trình đầu tư vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số; việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập; việc thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015.

Trong trường hợp cần thiết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có thể giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật khi phát sinh các vấn đề nổi cộm, được dư luận quan tâm, liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản có liên quan.

Đối với hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, theo dự kiến, trong năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế trong các loại hình doanh nghiệp; Thực hiện các chính sách, pháp luật về An toàn vệ sinh lao động; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, xử lý chất thải công nghiệp trong doanh nghiệp; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giám sát việc triển khai, thực hiện Luật Thanh niên và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì giám sát việc thực hiện Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia…

Về hoạt động phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phản biện xã hội các dự án: Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần 2, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì phản biện xã hội Dự thảo Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phản biện xã hội Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chủ trì phản biện xã hội Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dưới góc độ giới; Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam chủ trì phản biện xã hội Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự…

Ủy ban Trung ương MTQT Việt Nam yêu cầu nội dung kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội phải rõ ràng, cụ thể, có tính thuyết phục cao; bảo đảm cơ sở lý luận và thực tiễn, khách quan, công khai, hiệu quả, thực chất và mang tính xây dựng, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước./.

 
Nam Khánh