Đại diện Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển và ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (giữa), cùng ngư dân Cù Lao Chàm thực hiện nghi thức chào cờ sau khi cờ Tổ quốc được gắn lên tàu cá .(Ảnh: Trần Thường)

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Biên tập Báo Người Lao động, ông Tô Đình Tuân, cho biết đến nay, sau hơn một năm triển khai trên toàn quốc, chương trình đã trao và ký kết trao tặng cờ Tổ quốc ở 14 tỉnh/thành có biển như: Bạc Liêu, Cà Mau, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Nghệ An, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Quảng Nam.

Chương trình trao tặng cờ Tổ quốc cho đồng bào sống dọc đường biên giới trên bộ tại 3 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Nam. Trao tặng cờ cho ngư dân 8 đảo: Côn Đảo, Thổ Chu, Phú Quốc, Tiên Nữ, Hòn Tre, Lý Sơn, Phú Quý, Cù Lao Chàm.

Chương trình cũng trao tặng cho Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân 40.000 lá cờ Tổ quốc để tặng ngư dân đánh bắt gần 33 đảo, điểm đảo ở Trường Sa; Trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải Quân 20.000 cờ Tổ quốc để tặng ngư dân đánh bắt gần 15 nhà giàn ở vùng biển phía Nam.

Ban tổ chức Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” sẽ tiếp tục thực hiện trao tặng cờ Tổ quốc từ nay đến cuối năm 2020 và những năm tiếp theo. Kế hoạch trao tặng 1 triệu lá cờ Tổ quốc như sau: Trao tặng ngư dân 28 tỉnh - thành có biển, mỗi tỉnh - thành khoảng 20.000 lá cờ, tổng số là 560.000 lá cờ Tổ quốc.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” đã ký kết đồng hành lần 2-2020 với các trường học, doanh nghiệp, các lực lượng hải quân.

Nhân dịp này, báo Người Lao Động đã phát động cuộc thi viết “Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm”. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam đang sống trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sống tại Việt Nam.

Nội dung bài viết cung cấp thông tin tư liệu, tài liệu lịch sử khẳng định pháp lý, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam nói chung, cũng như chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam; cũng như góp phần phát triển kinh tế biển, văn hóa biển và bảo vệ môi trường biển Việt Nam. Mặt khác, đề cao sự hy sinh, không ngại khó, ngại khổ của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển… đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi của Tổ quốc. Biểu dương lực lượng ngư dân có quá trình bám biển lâu dài, không ngại khó, ngại khổ, thậm chí hy sinh tính mạng để ngoài nhiệm vụ làm kinh tế, họ còn là những cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

 
CM