|
Lễ thả hoa tưởng nhớ và tri ân các liệt sĩ trên dòng sông Thạch Hãn. |
Thạch Hãn,
Nước mặn bỗng lùa vào hơn ba mươi cây số
Xót đau xương cốt đáy sông...
Năm xưa, em tất bật cài lá ngụy trang
Các anh kịp hành quân ra trận
Ðồng đội bao người hy sinh
Ðể giành lại màu xanh sự sống!
Hôm nay, nắng lửa miền trung
Giữa cánh đồng khô hạn
Biển chảy ngược lên sông Thạch Hãn
Mặn tràn lên cây lúa héo đau
Trong nghiệt ngã đất trời
Lời các anh vang vọng:
Hãy nuôi chí kiên trung
Cùng tình yêu mảnh đất
Nhân mầm xanh trải rộng đất thiêng!
Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn đã đi vào thơ ca như những trang sử bi tráng thấm đượm máu và hoa. Quên sao được tám mươi mốt ngày đêm giữ vững Thành cổ. Quên sao, những ngày đêm oanh liệt, bi tráng ấy. Thạch Hãn đã đón nhận hàng vạn chiến sĩ Quân Giải phóng vượt sông dưới mưa bom, bão đạn vào giữ Thành cổ Quảng Trị, quyết giành hòa bình và thống nhất, tự do của dân tộc Việt Nam. Khúc ca về dòng sông Thạch Hãn và Thành cổ đã và đang ngân vang đất Quảng trị hôm nay. Cám ơn tác giả, người đã nhắc lại khúc tráng ca sông Thạch Hãn, một dấu son lịch sử và cũng là lời khắc khoải, canh cánh của nhiều người dân đất Việt.
“Xót đau xương cốt đáy sông...”. Tiếng thơ bật lên như tiếng thở dài chất chứa bao niềm đau day dứt, nỗi tiếc thương sự hy sinh anh dũng của lớp trẻ, tuổi mười tám, đôi mươi. Hãy lặng lặng nghe, lặng lặng ngẫm, lặng lặng nhớ, những trận chiến oanh liệt đã diễn ra để giành lại từng tấc đất, từng vạt cỏ dưới bom gầm, pháo dập. Tuổi hai mươi nằm lại dưới đáy sông. Thân xác các anh hòa tan trong sóng nước Thạch Hãn để có mầm xanh sự sống đôi bờ hôm nay. "Khi người lính lặng im tan vào đất, là cuộc đời chảy mãi những dòng sông, ôi dòng sông mang phù sa người lính, tươi mát bãi bồi xanh ngát nương dâu". (Dòng sông hoa đỏ -Nguyễn Hữu Quý, Võ Thế Hùng). Khúc tráng ca ấy được chiến sĩ Lê Bá Dương viết tiếp làm lay động trái tim bao người: "Ðò lên Thạch Hãn… ơi chèo nhẹ/ Ðáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm".
Đất nước đã hòa bình, nhưng “nghiệt ngã đất trời”, “Nước mặn bỗng lùa vào hơn ba mươi cây số”, rồi “Nắng lửa miền Trung” khiến “cánh đồng khô hạn”. Màu xanh sự sống đang héo cằn trước cuộc chiến chống thiên tai. Lẽ nào chúng ta khoanh tay, dừng bước trước bao vong linh người lính đang nằm lại dưới đáy sông?
“Lời các anh vang vọng:
Hãy nuôi chí kiên trung
Cùng tình yêu mảnh đất
Nhân mầm xanh trải rộng đất thiêng!”
Hiện thực chính là đây. Giá trị của những trang sử hào hùng được vun bồi, tô đắp bởi những hình ảnh rất đời, rất thực đang diễn ra trên mảnh đất Quảng Trị nắng rát. “Biển chảy ngược lên sông Thạch Hãn/ Mặn tràn lên cây lúa héo đau”. Xót đau lắm, nhưng không bi lụy, không khuất phục, vẫn tràn đầy hào khí “kiên trung”, “Cùng tình yêu mảnh đất”.
Có thể nói, những tứ thơ tinh tế của nhà thơ Hồng Vinh cùng cách sắp xếp sự kiện theo dòng thời gian, từ cảm nhận hiện tại, quá khứ rồi quay về hiện tại, đã mở ra cung bậc cảm xúc đa dạng, nhiều chiều. Giai điệu bi tráng, tự hào của lịch sử sông Thạch Hãn nhanh chóng được chuyển đổi thành giai điệu mạnh mẽ, thiết tha cộng hưởng âm điệu tình yêu Tổ quốc. Đặc biệt, cách sử dụng từ đậm chất tạo hình như: “Bỗng lùa”; “nắng lửa”; “khô hạn”; “chảy ngược”, “mặn tràn” đã khắc họa một cách chân thực, rõ nét cái “nghiệt ngã” thiên tai đất Quảng Trị hôm nay. Không thể dễ dàng bị khuất phục, một lần nữa, Thạch Hãn cất tiếng vang khích lệ ý chí, quyết giữ mầm xanh và nhân mầm xanh sự sống trên mảnh đất thiêng liêng, huyền thoại này.
Cảm ơn nhà thơ đã gợi nhớ về một thời máu lửa oai hùng và kiêu dũng để chúng ta hôm nay thêm yêu, thêm quý, thêm trân trọng từng thước đất, dòng sông đã thấm đỏ máu cha, anh. Và từ đó, nhắc nhở mỗi chúng ta bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, chung sức, chung lòng vượt lên gian khó của thiên tai, xứng đáng với các anh hùng, liệt sĩ đã đổ xương máu để có Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp hôm nay./.
Tuyết Lan