Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng vẫn còn đó những nỗi đau rất thật, những nỗi đau nằm sâu trong lòng đất mẹ, những nỗi đau hằn lên da thịt và ký ức của những con người ở lại. Có lẽ hiếm có đất nước nào mà mỗi tấc đất, thước biển đều thấm đẫm máu xương của các anh hùng liệt sĩ, của thương, bệnh binh, của lực lượng thanh niên xung phong, của quân và dân ta như vậy.
Và, cũng hiếm có tỉnh nào mà nghĩa trang liệt sĩ lại nhiều như ở Quảng Trị!
Hàng năm, cứ gần đến tháng 7 - tháng tri ân các anh hùng liệt sĩ của đất nước, có một vị tướng lại lặng lẽ tìm về nơi chiến trường Quảng Trị xưa. Nơi ấy, với ông, mỗi cái tên như: Cồn Cỏ, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Khe Sanh, Thành Cổ, sông Thạch Hãn... đã ăn sâu vào trong tâm thức.
Thượng tướng, tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã từng là người lính tham chiến trong những ngày tháng cam go nhất của dân tộc. Ông là cán bộ trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu trên nhiều chiến trường ác liệt, nhưng Quảng Trị, là chiến trường mà ông đã từng gắn bó nhiều nhất với đầy ắp những kỷ niệm vui buồn. Những ký ức về một thời lửa đạn ấy, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lưu giữ thật kỹ trong tâm trí để rồi sau này, ông cùng với Đại tá, nhà văn Lê Hải Triều đã tái hiện thành những dòng hồi ức mang đậm dấu ấn văn học mang tên “Một thời Quảng Trị”.
“Một thời Quảng Trị là” cuốn hồi ức chiến tranh đã được công nhận là di sản tư liệu và được dịch sang tiếng Anh. Cuốn sách gồm 7 chương được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành vào năm 2008; sách dày 540 trang; khổ 20cm. Năm 2016, cuốn hồi ký đã vinh dự được Bộ Ngoại giao lựa chọn làm món quà tặng tổng thống Obama trong dịp ông công du Việt Nam.
Đọc cuốn sách, lòng người như chùng lại qua hình ảnh chiến tranh tàn khốc mà ông cũng như những người lính khác đã phải trải qua: “ Những đêm hành quân trong mịt mùng khói lửa; những ngày ẩn sâu vào lòng đất mẹ để che mắt quân thù; những giờ phút lặng phắc, nín thở chờ giặc tới tưởng như trái tim cùng thời gian ngưng lại; những tinh thần chiến đấu quả cảm thiêu cháy quân thù bằng ngọn lửa hờn căm; những niềm vui ngất trời khi lá cờ chiến thắng lồng lộng tung bay trên căn cứ địch… và cả những giọt nước mắt nghẹn ngào, đau thắt khi lặng lẽ tiễn đưa đồng đội về nơi an nghỉ”… Chỉ tính riêng những người hy sinh mà tác giả trực tiếp chứng kiến đã lên đến con số vài trăm người. Chứng kiến tận mắt những điều đó mới hiểu dải đất và con người nơi đây đã phải hứng chịu sự tàn khốc của chiến tranh như thế nào và mới hiểu được tại sao khi kết thúc chiến tranh có đến 72 nghĩa trang với 60.000 liệt sĩ đã hy sinh và đang yên nghỉ ở mảnh đất này. Tất cả, tất cả đều được tái hiện chân thực và sinh động trong “Một thời Quảng Trị”.
Qua cuốn sách ta cũng càng thấy rõ hơn hình ảnh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, dù đứng trên cương vị nào, trong trận chiến nào cũng đều thể hiện trí thông minh, lòng dũng cảm, bản lĩnh kiên cường bất khuất. Đối với ông, chiến tranh không chỉ là lịch sử, không chỉ là một chuyện để kể lại cho thế hệ hậu sinh, mà chiến tranh, nó là máu thịt, là mất mát, hy sinh, là những giọt nước mắt hạnh phúc của ngày đoàn tụ, thấm đẫm trên những trang văn, trong suốt cả cuộc đời.
Có thể nói “Một thời Quảng Trị” là cuốn hồi ức chiến tranh đặc sắc mà tác giả đã dồn cả tâm huyết của mình để ghi lại. Mong muốn lớn nhất của ông trong “Một thời Quảng Trị” là góp phần tôn vinh truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc và quân đội thông qua mảng đất Quảng Trị anh hùng, đồng thời là để tri ân đồng đội, đồng bào đã sát cánh bên ông vượt qua mọi thử thách hiểm nguy để chiến đấu giành, giữ từng tấc đất riêng, trong đó nhiều người đã anh dũng hy sinh, tên tuổi họ đã trở thành bất tử.
“Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn
Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương
Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng
Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng”...
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc! Sách hiện có tại Thư viện Quân đội, số 83 Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội.