So với các chi bộ trực thuộc khác ở xã, phường, thị trấn thì chi bộ cơ quan thực hiện tốt hơn việc tham gia ý kiến đối với đảng uỷ, chính quyền và các đoàn thể về việc lãnh đạo, quản lý, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng cơ quan đơn vị văn hoá, vững mạnh. Tham gia có kết quả với đảng uỷ, với các tổ chức, các ngành về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, về quy hoạch cán bộ, và nhất là về tham gia góp ý, nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên hàng năm. Thông qua đó góp phần tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương, nhất là các đoàn thể chính trị - xã hội. Việc thành lập chi bộ cơ quan đã tháo gỡ được khó khăn trong việc bố trí nơi sinh hoạt đảng đối với các đảng viên là cán bộ, công chức không cư trú ở địa phương (cán bộ điều động, luân chuyển, ở xa), nhờ đó việc tham gia sinh hoạt định kỳ hằng tháng của các đảng viên đầy đủ, thường xuyên hơn. Bên cạnh đó công tác kết nạp đảng viên đối với cán bộ, công chức ở cơ quan nhất là những người không cư trú tại địa phương có thuận lợi hơn trong việc phân công giúp đỡ, theo dõi, đánh giá, nhận xét đối với người xin vào Đảng. Với việc thành lập chi bộ cơ quan, công tác quản lý, theo dõi, phân công công tác, đánh giá đảng viên được chặt chẽ và thuận lợi hơn vì đã gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn của từng cán bộ. Qua đó giúp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của xã nắm bắt đầy đủ, sát sao hơn tình hình cán bộ, đảng viên. Nếu như trước đây sinh hoạt ở chi bộ thôn, bản, khu phố sẽ không đánh giá sát được mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đảng viên đang công tác ở cơ quan xã, phường, thị trấn, thì nay tình trạng đó được khắc phục. Ngoài ra, với việc giám sát, đánh giá chặt chẽ sẽ giúp cho cán bộ công chức có ý thức trách nhiệm hơn đối với công việc được giao, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị. Cán bộ, công chức cùng công tác trong cơ quan cấp xã nên việc tổ chức sinh hoạt chi bộ gặp thuận lợi hơn. Nội dung sinh hoạt chi bộ gắn liền hơn với nhiệm vụ của các đảng viên. Các chi bộ đã chú trọng đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng nội dung sinh hoạt chi bộ, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu; đảng viên tham gia sinh hoạt thuận lợi, đầy đủ. Do cùng tham gia sinh hoạt trong chi bộ nên cán bộ, đảng viên có điều kiện hiểu biết rõ công việc, kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhau, vì vậy trong sinh hoạt chi bộ, việc tham gia ý kiến đối với đảng viên, cán bộ trong chi bộ, trong cơ quan sát hơn, thực chất hơn; cán bộ, công chức và lãnh đạo có điều kiện giám sát lẫn nhau, kịp thời ngăn chặn tiêu cực, vi phạm của cán bộ, công chức; động viên, biểu dương khen thưởng kịp thời đối với những cán bộ, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thông qua việc phân công dự sinh hoạt với các chi bộ ở khu dân cư, giúp cho cán bộ, công chức không chỉ nắm được tình hình ở nơi cư trú, mà còn có điều kiện dự sinh hoạt với nhiều chi bộ dân cư khác nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm của đảng viên, quần chúng ở thôn, xóm, khu phố và những vấn đề bức xúc ở địa phương, đề xuất với chi bộ cơ quan xã, với đảng uỷ, chính quyền những vấn đề nảy sinh cần chỉ đạo giải quyết.
Bên cạnh những ưu điểm, mô hình này còn bộc lộ một số hạn chế bất cập, đó là: Một số chi bộ nông thôn nơi có đảng viên rút lên sinh hoạt ở chi bộ cơ quan, hiện nay chất lượng sinh hoạt và năng lực lãnh đạo còn hạn chế do phần lớn đảng viên là hưu trí, tuổi cao, công tác phát triển đảng viên của chi bộ gặp khó khăn. Một số chi bộ cơ quan chưa duy trì và tổ chức thực hiện nghiêm quy chế làm việc; chưa thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Trong sinh hoạt chi bộ, mặc dù đã có sự chỉ đạo chấn chỉnh nhưng nội dung sinh hoạt của một số chi bộ cơ quan còn nặng về đánh giá công tác chuyên môn, có khi trùng lặp với nội dung họp đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể của xã, phường, thị trấn. Công tác tự phê bình và phê bình còn những hạn chế chưa được khắc phục nhất là tình trạng nể nang của đảng viên là công chức đối với các đồng chí lãnh đạo, chủ chốt. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ sinh hoạt của đảng viên nơi cư trú có chi bộ thực hiện chưa tốt; một số cán bộ, công chức cấp xã là đảng viên do công tác và sinh hoạt tại chi bộ cơ quan có tư tưởng chủ quan, chưa dành nhiều thời gian cho cơ sở nên việc nắm bắt tình hình, tư tưởng trong nhân dân cũng như việc tiếp thu ý kiến đóng góp của chi bộ và đoàn thể nơi cư trú thiếu kịp thời, đầy đủ. Một số chi bộ cơ quan cơ cấu đồng chí bí thư chi bộ không phải là uỷ viên ban thường vụ nên gặp khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng chí bí thư, phó bí thư chi bộ và cấp ủy chi bộ làm việc kiêm nhiệm, khối lượng công việc ở cơ sở tương đối lớn do đó có những hạn chế nhất định trong việc lãnh đạo điều hành hoạt động của chi bộ. Việc tổ chức sinh hoạt chi bộ cơ quan còn bị động, một số đảng viên tham gia sinh hoạt chưa đầy đủ các kỳ sinh hoạt do chưa sắp xếp được công việc chuyên môn một cách linh hoạt.
Từ những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn, trên cơ sở đề xuất của các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất lựa chọn phương án mà Trung ương đưa ra là: Giao cho Tỉnh uỷ căn cứ vào tình hình cụ thể và hướng dẫn của Trung ương để quyết định mô hình phù hợp, với những lý do:
- Mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn là phù hợp và cần thiết nhất là đối với các xã, phường, thị trấn có đông đảng viên.
- Cơ quan xã, phường, thị trấn là nơi tập trung cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách, mặc dù hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau nhưng thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của địa phương, vì vậy nên có chi bộ để lãnh đạo để tạo sự thống nhất chung.
- Việc lập chi bộ cơ quan sẽ giúp cho công tác quản lý, rèn luyện, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức và đảng viên được sâu sát; ngăn ngừa được tình trạng lạm quyền, độc quyền, gia trưởng trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của lãnh đạo cơ quan.
- Việc lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn góp phần nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, đảng viên bởi chi bộ cơ quan xã; kịp thời phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương, nhiệm vụ của đảng bộ địa phương đến đội ngũ đảng viên công tác ở cơ quan xã; thông qua sinh hoạt chi bộ và hoạt động thực tiễn, đảng viên là cán bộ trẻ có điều kiện học tập kinh nghiệm, cách quản lý, điều hành từ các đồng chí lãnh đạo.
- Việc lập chi bộ cơ quan sẽ tháo gỡ được khó khăn trong việc tiếp nhận, bố trí nơi sinh hoạt đảng đối với các đảng viên là cán bộ, công chức không cư trú ở địa phương (cán bộ điều động, luân chuyển, ở xa). Ngoài ra công tác kết nạp đảng viên đối với cán bộ, công chức ở cơ quan gặp thuận lợi hơn. Hải Yến