Một số vấn đề đặt ra trong quá trình nghiên cứu đề tài “Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển” 

Quảng Trị là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa; có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tên Quảng Trị chỉ có từ đời Gia Long, nhưng mảnh đất này hiển nhiên đã tồn tại từ nghìn năm, trên bản đồ nước Văn Lang. Những biến thiên lịch sử trải từ thế kỷ này sang thế kỷ khác cùng với sự hình thành những cộng đồng dân cư đa sắc màu đã tích tụ, hình thành nên nhiều tầng văn hóa khác nhau. GS Trần Quốc Vượng, khi nhận xét về văn hóa Quảng Trị, đã viết: “Cội rễ văn hóa Quảng Trị có gốc rất sâu, rễ rất bền, các bão tố của thiên nhiên khắc nghiệt và phong ba của xã hội loạn li, không dễ gì “đào tận gốc, trốc tận rễ” được cây văn hóa Quảng Trị...” .

Thấu suốt quan điểm “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển[1] trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Quảng Trị cùng cả nước đã, đang và sẽ tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập quốc tế. Trong quá trình đó, Quảng Trị luôn xác định con người là nhân tố quyết định; việc phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị là việc làm có ý nghĩa quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Chính vì vậy, ngày 15/02/2017, tại buổi làm việc với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu: Trên cơ sở các yếu tố về văn hóa, lịch sử, con người Quảng Trị, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động nghiên cứu đề tài khoa học “Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển” để sớm triển khai trong thực tiễn nhằm phát huy sức mạnh “mềm”- giải pháp quan trọng, động lực thúc đẩy quá trình phát triển của tỉnh. Theo tinh thần đó, ngày 27 tháng 9 năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2225/QĐ-UBND, phê duyệt đề tài “Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị chủ trì; đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng ban Chủ nhiệm đề tài.

Sau gần hai năm nghiên cứu, được sự quan tâm của Sở Khoa học và Công nghệ, sự cộng tác nhiệt tình và trách nhiệm của một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài tỉnh; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã tiến hành làm việc để nắm tình hình, học tập kinh nghiệm các tỉnh thành như: Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số trung tâm kinh tế- xã hội; tổ chức điều tra xã hội học với quy mô 9/10 huyện thị xã, thành phố; các sở ngành, trường học có đội ngũ trí thức đông; sử dụng kết quả điều tra dư luận xã hội hàng năm; tiến hành gần chục cuộc hội thảo nội bộ để “mổ xẻ” từng vấn đề …Chính vì vậy, về cơ bản đã hoàn thành những nội dung nghiên cứu theo thuyết minh đề tài đã được phê duyệt.

1. Ban Nghiên cứu đề tài xác định 6 phẩm chất nổi trội, đặc trưng của con người Quảng Trị đó là: (1) Yêu nước (Yêu quê hương, làng xóm sâu sắc, có tính thần dũng cảm, quật cường, sẵn sàng xả thân chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước); (2) Thương người (sống có nghĩa, có tình, thủy chung và đôn hậu); (3) Cần cù (chịu khó, chịu khổ, lạc quan và có tố chất nghệ sĩ); (4) Hiếu học (khát vọng vươn cao và có tố chất thông minh, tài trí); (5) Thật thà (bộc trực, ngay thẳng khí khái, tôn trọng và bảo vệ lẽ phải; vì nghĩa ) (6) Hòa đồng (hòa đồng với thế giới bên ngoài, có khát vọng giao hòa, hội nhập và Tình đoàn kết quốc tế vô tư trong sáng.) Những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của con người Quảng Trị nêu trên đã được dày công nghiên cứu, luận giải, phân tích cội nguồn, cơ sở hình thành, đến những biểu hiện trong đời sống, cùng những ảnh hưởng tác động đối với cộng đồng...Cùng với những phẩm chất tốt đẹp, Ban Nghiên cứu đề tài cũng nêu một số biểu hiện còn hạn chế đằng sau 6 phẩm chất tốt đẹp, đồng thời chỉ ra hai tính cách “nổi trội" của sự hạn chế của con người Quảng Trị; đó là: Sự cố kết trong phạm vi cộng đồng lớn và ý thức thượng tôn pháp luật chưa cao.  Để giữ gìn, phát huy hơn nữa những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị; khắc phục những biểu hiện hạn chế  trong tính cách người Quảng Trị đáp ứng thời kỳ hội nhập và phát triển, Ban Nghiên cứu đề tài đề xuất 6 giải pháp.

2. Đề tài cấp tỉnh “Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển” là một đề tài khó vì nó đề cập đến một vấn đề vừa trừu tượng vừa bao quát, có tính xuyên suốt từ cổ tới kim... lại có nhiều cách hiểu khác nhau, không đồng nhất. Hơn nữa khi muốn nắm bắt, nghiên cứu về một đối tượng của đề tài (cụ thể là một phẩm chất nào đó) thì phải dùng phương pháp logic biện chứng, tổng hợp liên ngành để phân tích, bóc tách các cơ tầng lịch sử - văn hóa từ khi hình thành, vận động phát triển để cuối cùng là kết tinh thành phẩm chất đặc trưng tiêu biểu của con người Quảng Trị. Và cũng vì lý do đó, nên khi tiếp cận vấn đề có nhiều cách hiểu khác nhau, lập luận khác nhau. Chẳng hạn như khi bàn đến 6 phẩm chất truyền thống tốt đẹp của con người Quảng Trị phải chỉ ra cho được những phẩm chất riêng có của con người Quảng Trị. Điều này, không dễ; bởi ngay cả những phẩm chất của con người Việt Nam cũng gắn liền với mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử. Có ý kiến đề nghị: Phẩm chất là sản phẩm được hình thành từ thực tế tồn tại của lịch sử, cùng môi trường sống và các mối quan hệ, có sự vận động theo thời gian; vì vậy nên tách thành 4 giai đoạn, mỗi đoạn trình bày rõ bối cảnh lịch sử và tính cách được hình thành. Cụ thể nên phân theo 4 giai đoạn: Giai đoạn 1, ứng với thời Tiền sơ sử và cổ đại; Giai đoạn 2, từ thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIX; Giai đoạn 3, trong thế kỷ XX và giai đoạn 4, hiện nay (đổi mới, hội nhập, phát triển). Hai là: Do quan điểm, nhận thức và cả yếu tố lịch sử về những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam nói chung, người Quảng Trị nói riêng theo thời gian đã không ngừng bổ sung phát triển. Đó là chưa bàn đến có phẩm chất vào giai đoạn lịch sử này thì tốt nhưng thời kỳ khác thì chưa hẵn là tốt. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải chọn như thế nào để xác định cho được những phẩm chất tốt đẹp chung, phẩm chất khái quát nhất. Ngoài ra, quá trình nghiên cứu nội hàm “Phẩm chất” cần được thống nhất, bởi về mặt học thuật đang có nhiều cách hiểu khác nhau. Về một số hạn chế trong tính cách của con người Quảng Trị, cũng có ít nhất hai cách tiếp cận; đó là những nội dung chưa đạt được của 6 phẩm chất tốt đẹp chính là hạn chế. Và cách tiếp cận thứ hai đó là chỉ ra tên các tính cách có tính độc lập. Riêng hạn chế “Ý thức thượng tôn pháp luật chưa cao” có ý kiến cho rằng nên đổi lại là “Duy tình”, bởi vì ý thức thượng tôn pháp luật chưa cao là đặc tính chung của người Việt Nam chứ không riêng của người Quảng Trị. Nói người có Quảng Trị “Duy tình” thì có lẽ gần hơn, bởi: Sống trên vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, mọi thành công của đời người đều phải đổi bằng bao cam go, thử thách nên người Quảng Trị khi sống thường thiên về tình cảm hơn là lý trí, theo đó ý thức về tôn trọng pháp luật chưa cao; trong ứng xử còn nặng về tình cảm hơn là lý lẽ, thể hiện qua thành ngữ “Chín bỏ làm mười”, “Thương nhau củ ấu cũng tròn”…     

Về hệ thống giải pháp phát huy những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Có ý kiến đề nghị nhấn mạnh thêm giải pháp phát triển kinh tế đi đôi với phát huy phẩm chất văn hóa của người Quảng Trị; bởi vì nói cho cùng muốn thực hiện công cuộc đổi mới, đưa Quảng Trị vượt ra khỏi nhóm các tỉnh có trình độ phát triển trung bình thành tỉnh khá của khu vực và cả nước thì yếu tố đầu tiên vẫn là con người. Đó là con người lãnh đạo có viễn kiến và khát vọng cống hiến; con người có trình độ khoa học kỹ thuật, thích ứng với điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

                                                                                       Trí Ánh-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

      [1]   Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội  lần thứ XI của Đảng, tr 76.

940 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 491
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 491
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87242524