Một số tình hình thế giới nổi bật và hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong những tháng đầu năm 2022 

Trong những tháng đầu năm 2022, tình hình trong nước và thế giới có những chuyển biến bất ngờ.

Tình hình thế giới

Tình hình thế giới những tháng đầu năm 2022 chuyển biến nhanh, phức tạp, đan xen những mặt tích cực lẫn tiêu cực tác động đến việc chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia, dân tộc. Trong đó nổi lên là sự cạnh tranh địa - chính trị, (nổi bật là ngày 11/02/2022, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa với 5 trụ cột: Tự do và rộng mở - Kết nối - Thịnh vượng - An ninh - Có sức chống chịu tốt); sự thao túng của tư tưởng bá quyền; xu hướng bảo hộ lợi ích quốc gia ngày càng gia tăng. Các nước lớn thực thi chiến lược toàn cầu, chính sách khu vực với nhiều phương thức mới, trong đó nổi bật là sự củng cố quan hệ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu, khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO để áp đặt các lệnh trừng phạt lên Cộng hòa Liên bang Nga và hợp tác giải quyết vấn đề năng lượng cho châu Âu, kiềm chế Trung Quốc. Bên cạnh các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, đói nghèo, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia… các vấn đề an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh thông tin, lạm phát, chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu… cũng đang nổi lên trở thành những thách thức đòi hỏi các quốc gia, dân tộc phải chung tay giải quyết.

           Mặt tích cực:

- Hầu hết các quốc gia đã và đang nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng “phản ứng linh hoạt” và trở thành xu hướng chủ đạo, tác động tích cực đến việc phục hồi kinh tế thế giới.

- Mặc dù chậm nhưng kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục. Sự thành công của chiến dịch tiêm chủng đã tạo điều kiện cho nhiều quốc gia phục hồi hoạt động kinh tế và triển khai các chính sách kích thích tăng trưởng. Các tổ chức quốc tế lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới khi cho rằng “năm 2022 sẽ là năm thế giới phục hồi”, dự báo mức tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 sẽ ở mức gần với tỷ lệ tăng trưởng trước đại dịch.Tuy nhiên, các biến thể mới của omicron và nhất là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina đã tác động theo chiều hướng tiêu cực đối với sự phục hồi kinh tế thế giới. Giá năng lượng tăng cao (dầu mỏ, khí đốt tự nhiên), thị trường chứng chứng khoán bất ổn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thế giới nhận định cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ảnh hưởng đến hàng triệu người và là một cú sốc kinh tế nghiêm trọng làm tăng trưởng toàn cầu chậm lại1.

- Điều đáng mừng là các cường quốc đã nỗ lực đàm phán trong tiến trình loại trừ vũ khí hạt nhân và đã có những thông điệp tích cực2.

           Mặt tiêu cực:

          - Tình hình bất ổn ở Kazakhstan:

Bước vào năm 2022, đã xảy ra tình trạng bất ổn ở Kazakhstan, một quốc gia nằm ở vùng Trung Á- quốc gia năng lượng lớn thuộc các nhà xuất khẩu dầu khí hàng đầu trên toàn cầu với tăng trưởng GDP chủ yếu đạt được nhờ nguyên liệu thô.

Từ ngày 01/01/2022, giá khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) ở Kazakhstan đã tăng gấp đôi, từ 60 tenge (0,14 USD) lên 120 tenge (0,28 USD) một lít. Ngay ngày hôm sau, ngày 02/01, một số cuộc biểu tình nhằm phản đối tăng giá khí đốt đã diễn ra ở tỉnh Mangistau. Trong ngày 05/01/2022, bất ổn dâng cao tại các đô thị lớn của Kazakhstan. Bộ Y tế Kazakhstan cho biết, hơn 1.000 người đã bị thương trong những ngày xảy ra biểu tình bạo loạn.

Trước tình trạng bạo lực lan rộng ở các thành phố lớn, ngày 05/01/2022, Thủ tướng Kazakhstan Askar Mamin và nội các đã tuyên bố từ chức. Tổng thống Kazakhstan, Kassym-Jomart Tokayev đã yêu cầu Chính phủ giải quyết vấn đề giá nhiên liệu tăng. Theo đó, Chính phủ cam kết sẽ "ban hành một loạt các biện pháp để quy định về giá nhiên liệu", đồng thời cho biết, một số nhà kinh doanh địa phương đã quyết định giảm giá khí đốt từ 120 tenge xuống còn 85 - 90 tenge (khoảng 0,21 USD)/lít.

- Cuộc xung đột chính trị Nga – Ucraina: Đây là vấn đề rất nóng đã và đang thu hút dư luận thế giới quan tâm.

Ngày 24/02/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina, "dùng vũ khí chính xác cao" tập kích các cơ sở quân sự của Ukraina, trong khi đó, Tổng thống Ukraina Zelensky tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự vào miền đông Ukraina. Quan hệ giữa Nga - Ukraina trở nên tồi tệ nhất trong 30 năm thiết lập quan hệ song phương và cuộc chiến bùng nổ giữa hai nước khiến dư luận vô cùng lo lắng.

Ngay sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại khu vực miền Đông Ukraina và hiện mở rộng trên lãnh thổ Ukraina, nhiều quốc gia đã lên tiếng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và xây dựng. Hai bên cần giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình và đảm bảo an toàn cho người dân; nhấn mạnh các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm các nghĩa vụ theo Hiến chương Liên Hợp quốc và tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Hầu hết các nước đều mong muốn các bên ưu tiên đàm phán và ngoại giao để giải quyết các xung đột bằng biện pháp hòa bình.

          Trong khi đó, nhiều quan chức châu Âu và Mỹ đồng loạt ra tuyên bố chỉ trích quyết liệt hành động quân sự của Nga tại Ukraina, cho rằng đây là sự vi phạm đối với luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền của Ukraina. Lãnh đạo các nước châu Âu cho rằng, cuộc chiến mà Nga phát động đe dọa nghiêm trọng an ninh tại châu Âu, khiến châu Âu đối mặt cuộc chiến lớn nhất từ sau Thế chiến II và làm thay đổi trật tự thế giới. Các nước EU đã có cuộc họp khẩn cấp tại Brussels  và áp đặt các lện trừng phạt đối với Nga. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU nhiều lần khẳng định, ngay khi Nga gia tăng quân sự tại Ukraina, EU sẽ công bố thêm các trừng phạt mới. Hiện tại, so với Mỹ và Anh, gói trừng phạt của EU đã được xem là nghiêm trọng hơn, khi nhằm vào hàng trăm nghị sĩ, chính trị gia, quan chức quân sự cấp cao và nhiều ngân hàng tại Nga. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo EU đang nỗ lực thu xếp các cuộc đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng tình hình Ukraina. EU tuyên bố sẽ làm mọi thứ cần thiết để thúc đẩy những cuộc tiếp xúc nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Trong một diễn biến khác, các cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về vấn đề Ukraina hiện đều đang ở thế bế tắc, với sự phủ quyết của Nga.

- Về tình hình Biển Đông: Thời gian gần đây, nhất là từ ngày 04/3/2021 - 15/3/2022, Trung Quốc thường xuyên tiến hành tập trận ở Biển Đông, trong đó khu vực tập trận quân sự có một phần nằm trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của Việt Nam3. Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, khiến dư luận trong nước bức xúc, lên án, phản đối mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia, tình hình Biển Đông đang có dấu hiệu ngày càng phức tạp hơn trước sự tham gia hoạt động quân sự của nhiều nước trong khu vực này. Cùng với các hoạt động tập trận diễn ra với tần suất cao của Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) cũng tiến hành tập trận bắn đạn thật ở đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Bên cạnh đó, các chiến hạm của Mỹ, Nhật Bản và Australia cũng tham gia cuộc diễn tập hải quân đa quốc gia ở Biển Đông.

- Tình hình Bán đảo Triều Tiên: Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 06/3/2022 đưa tin, nước này đã tiến hành "cuộc thử nghiệm quan trọng” để phát triển vệ tinh do thám, một ngày sau khi có tin Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo thứ hai chỉ trong một tuần. Đây là vụ thử nghiệm vũ khí thứ 9 kể từ đầu năm đến nay của Triều Tiên. Tên lửa được phóng từ khu vực Sunan, bay khoảng 270 km ở độ cao 560 km. Ngay sau đó, ngày 07/3/2022, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã triệu tập cuộc họp kín về động thái mới nhất của Triều Tiên. Đây là cuộc họp thứ hai của Hội đồng Bảo an trong khoảng một tuần về vụ phóng này. Tại cuộc họp, Tuyên bố chung của 11 quốc gia, bao gồm cả những nước không thuộc Hội đồng Bảo an cho rằng, Triều Tiên đã “phóng tên lửa đạn đạo” và đây là hành động vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Ngày 08/3/2022, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các thỏa thuận phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đã đạt được với cộng đồng quốc tế và Hàn Quốc.

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), nhóm giám sát của cơ quan này đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy, có các hoạt động tại lò phản ứng 5 megawatt ở khu phức hợp phía Bắc Triều Tiên. Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp quốc cho rằng, Triều Tiên dường như đang xây dựng một khu phụ trợ cho một cơ sở làm giàu urani bằng máy ly tâm tại Yongbyon, mặc dù mục đích của hoạt động này vẫn chưa được xác định.

Vụ thử tên lửa đã nối lại chiến dịch thử nghiệm vũ khí dồn dập của Triều Tiên sau một tháng diễn ra Thế vận hội mùa Đông tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, trong bối cảnh cả thế giới đang tập trung sự chú ý vào Ukraina. Điều này đã làm dấy lên các lo ngại về vấn đề an ninh tại khu vực Đông Á. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, mục đích vụ thử tên lửa của Triều Tiên là để kiểm tra, cải tiến công nghệ vũ khí và giành được đòn bẩy ngoại giao với Mỹ sau 03 năm không có tiến triển nào trong đàm phán.

- Tình hình Trung Đông: Với vị trí địa - chiến lược trọng yếu cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Trung Đông từ lâu đã trở thành một trong những địa bàn xung đột và tranh giành ảnh hưởng “nóng” nhất trên thế giới. Sự xuất hiện của nhiều yếu tố mới trong thời gian qua đã tác động không nhỏ tới cục diện chính trị - an ninh Trung Đông, báo hiệu một tương lai đầy bất ổn đối với khu vực được cho là phức tạp và khó lường nhất thế giới này.

Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu và cạnh tranh chiến lược ngày càng khốc liệt giữa các nước lớn đã và đang đẩy nhanh việc định hình một cục diện thế giới mới. Trong dòng chảy chung đó, Trung Đông cũng đối mặt nhiều thách thức. Các quốc gia trong khu vực, nhất là các quốc gia “chủ chốt”, bao gồm I-ran, I-xra-en và A-rập Xê-út đã và đang có những điều chỉnh lớn trong đường lối phát triển để có thể thay đổi và định hình một cục diện hợp tác, cạnh tranh mới tại khu vực Trung Đông.

Cùng với sự thay đổi trong chính sách phát triển của các nước lớn trong khu vực, thời gian qua, cục diện khu vực Trung Đông cũng chứng kiến bước chuyển lớn trong cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc trên thế giới. Mỹ giảm dần can dự trên thực địa, nhất là về quân sự; Trung Quốc, Nga đẩy mạnh ảnh hưởng cả về kinh tế và quân sự, tăng cường can dự để lấp dần những khoảng trống, đã tác động lớn tới cục diện và cán cân lực lượng tại khu vực.

Với Mỹ, mặc dù không còn là ưu tiên hàng đầu, song khu vực Trung Đông vẫn là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại - an ninh của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn cơ bản vẫn duy trì các mục tiêu cốt lõi của chính quyền tiền nhiệm5.

          Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta

- Tham gia Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc: Ngày 02/3/2022, trong khuôn khổ Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng đoàn Việt Nam đã có thông điệp trực tuyến quan trọng tại Phiên họp.

Phiên họp có sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao thế giới với hơn 140 Nguyên thủ, Thủ tướng, Bộ trưởng các nước, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp quốc, Tổng thư ký Liên Hợp quốc, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp quốc, Lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các tổ chức khu vực và các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva. Nội dung phiên họp đề cập đến những vấn đề thời sự, cấp thiết hiện nay và những ưu tiên của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới.

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, thế giới hiện đang trong thời điểm quan trọng, tương lai của nhân loại đang được định hình bởi những vấn đề toàn cầu có tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống. Đó là đại dịch Covid-19, tình trạng bạo lực và xung đột, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Bộ trưởng nhấn mạnh, tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp nhân loại tăng cường kết nối với nhau, tăng cường hiểu biết, đối thoại và hợp tác để giải quyết các vấn đề chung.

Tại sự kiện quan trọng và ở cấp cao nhất của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tái khẳng định mong muốn đóng góp của Việt Nam thông qua việc ứng cử làm thành viên nhiệm kỳ 2023 - 2025 với thông điệp: “Tôn trọng lẫn nhau. Đối thoại và Hợp tác. Bảo đảm quyền con người cho tất cả mọi người”.

- Tham dự Hội nghị Bộ trưởng chương trình Đông Nam Á và thăm chính thức Hàn Quốc: Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui-yong, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng lần thứ hai Chương trình khu vực Đông Nam Á (SEARP) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 09 - 11/02/2022.

Hội nghị Bộ trưởng Chương trình khu vực Đông Nam Á (SEARP) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khai mạc tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Hội nghị đã chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) ASEAN - OECD giữa hai Tổng Thư ký ASEAN và OECD.

Phát biểu tại Phiên thảo luận quan trọng về chủ đề “Xây dựng một ASEAN thông minh hơn vì một tương lai bao trùm” và “Bảo đảm phục hồi xanh hướng tới một ASEAN tự cường hơn”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất 03 lĩnh vực hợp tác nhằm tăng cường quan hệ đối tác OECD và ASEAN trong thời gian tới bao gồm: (i) OECD tiếp tục hỗ trợ, phối hợp tư vấn chính sách cho ASEAN và các nước khu vực trong quá trình chuyển đổi số; (ii) bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ số hóa, được đào tạo và tiếp cận công nghệ số, trong đó chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong chuyển đổi số, tăng cường quan hệ đối tác công - tư; (iii) OECD tăng cường hợp tác, hỗ trợ ASEAN phát triển nền kinh tế ít carbon, thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) hướng đến tương lai xanh hơn và bền vững hơn. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã hội kiến với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in; hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui-yong; tiếp Chủ tịch Hội hữu nghị Hàn - Việt, Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa Hàn Quốc; thăm và nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Tại các buổi làm việc, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam coi trọng, mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ với Hàn Quốc và sẽ hoàn thành tốt vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2021 - 2024.

- Phát biểu của Đại sứ Đặng Hoàng Giang tại phiên họp khẩn cấp về Ukraina của LHQ: Ngày 7/4, phát biểu tại Phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 về tình hình Ukraine của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

- Công tác bảo hộ công dân: Từ ngày 24/02/2022, tình hình ở Ukraina diễn biến phức tạp, xung đột vũ trang nhanh chóng lan rộng trên lãnh thổ Ukraina, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp, trong đó có cộng đồng người Việt Nam đang cư trú, học tập và làm việc tại Ukraina.

Trước các diễn biến căng thẳng của tình hình Ukraina, Việt Nam đã nhiều lần nêu lên quan điểm của mình về vấn đề nhân đạo và nhân quyền. Phát biểu tại Phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc (ngày 02/3/2022), Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc khẳng định, lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp quốc, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và mong muốn có thêm các nỗ lực để tăng cường viện trợ nhân đạo cho dân thường, bao gồm cả người tị nạn, đảm bảo an toàn và tạo điều kiện sơ tán cho tất cả công dân nước ngoài sinh sống tại Ukraina.

Với mong muốn hòa bình, ổn định và cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại tại Ukraina, một trong những quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraina và các nơi có liên quan. Ngày 26/02/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo tại Công điện số 201 về bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine. Ngày 06/3/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo trực tiếp liên quan tới công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ kiều bào tại Ukraina. Trong đó, nhấn mạnh truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, “tinh thần nhân đạo, trách nhiệm là việc rất cấp thiết hiện nay”, không được để người dân Việt Nam trong vùng chiến sự bị thiệt mạng, bị thương, không được để người dân trong quá trình di tản bị đói, lạnh và đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hữu quan thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tốt Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị; dành ưu tiên cao nhất cho công tác này; có phương án triển khai cụ thể, quan trọng nhất là đưa kiều bào ra khỏi vùng chiến sự an toàn4.

- Thủ tướng Lào thăm Việt Nam: Từ ngày 08 - 10/01/2022, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Phankham Viphavanh đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự Kỳ họp lần thứ 44, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc cấp cao, hai bên tái khẳng định chính sách nhất quán của cả hai nước luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và tăng cường quan hệ vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Hai bên thống nhất tổ chức tốt các hoạt động trong năm 2022 - Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam để Kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào; phối hợp triển khai hiệu quả các Nghị định thư, kế hoạch hợp tác về an ninh - quốc phòng, cùng đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên; ủng hộ nhau giữ vững ổn định an ninh - xã hội; tiếp tục nỗ lực phối hợp tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sỹ Việt Nam hy sinh tại Lào. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là ASEAN, Liên Hợp quốc và các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong; cùng các nước ASEAN ủng hộ Campuchia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2022, phấn đấu giữ vững đoàn kết, đồng thuận và vai trò trung tâm của ASEAN, xây dựng thành công cộng đồng ASEAN; tiếp tục phối hợp duy trì lập trường chung của ASEAN trong các vấn đề chiến lược có liên quan đến hòa bình và ổn định của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

- Tổ chức Hội nghị về  vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển bền vững: Chiều 06/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức Hội nghị “Vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển bền vững” theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay, phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của mọi quốc gia. Chương trình Nghị sự 2030 bao trùm mọi lĩnh vực, như xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục, an ninh trật tự, là cơ hội để các nhà lập pháp thể hiện cam kết của mình trong việc góp phần thực hiện mục tiêu cải thiện đời sống của người dân, chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng.

Những tháng đầu năm 2022, an ninh chính trị và hòa bình thế giới chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn, khó lường. Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đã bám sát tình hình thế giới, khu vực, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XIII, tổ chức triển khai các kế hoạch, chương trình công tác; Giữ vững nguyên tắc đối ngoại, đồng thời linh hoạt giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra trong cơ chế song phương và đa phương, góp phần làm tròn trách nhiệm thành viên trong cộng động quốc tế, tiếp tục xem LHQ là trung tâm toàn cầu, là cơ chế đa phương trong việc duy trì, bảo vệ nền hòa bình thế giới; tuân thủ Hiến chương LHQ và hệ thống pháp luật quốc tế; đề cao giá trị hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong quan hệ quốc tế./.

Phan Văn Lãn (tổng hợp)

--------------------------------------------

1. Ngân hàng Thế giới dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 4,1% năm 2022 trong khi con số này của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 4,4%. Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu ngày 21 tháng 3 năm 2022 của Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Hoa Kỳ,  Khu vực đồng Euro và Trung Quốc lần lượt là 3,5%, 3,0%, và 4,8%. Trong khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định tăng trưởng năm 2022 của In-đô-nê-xi-a đạt 5,0%, Phi-li-pin đạt 6%, Thái Lan đạt 4%, Xin-ga-po đạt 4,1%, Ma-lai-xi-a đạt 5,9% và cao nhất là Việt Nam ở mức 6,5% (Nguồn: Tạp chí của Tổng Cục thống kê, Bài: “Tổng quan tình hình kinh tế thế giới quý I và cả năm 2022”).

2. Trước thềm hội nghị của LHQ về không phổ biến vũ khí hạt nhân nhằm rà soát Hiệp ước NPT, ngày 03/01/2022, một thông điệp tích cực trong tiến trình loại trừ vũ khí hạt nhân đã được 5 cường quốc hạt nhân của thế giới đồng thời là 5 quốc gia thành viên thường trực HĐBA LHQ (Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Pháp) đã nhất trí ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. 5 cường quốc hạt nhân của thế giới khẳng định “không thể có quốc gia nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân” và cuộc chiến này không bao giờ nên xảy ra (Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương).

3. Theo Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) thông báo cuộc tập trận diễn ra ở Biển Đông từ ngày 04 đến 15/3. Khu vực tập trận được giới hạn bởi 5 điểm lần lượt có tọa độ: 170 32,0 vĩ bắc/1080 16,0 kinh đông, 170 32,0 vĩ bắc/1090 22,0 kinh đông, 170 02,0 vĩ bắc/1090 22,0 kinh đông, 170 02,0 vĩ bắc/1080 30,0 kinh đông và 170 22,0 vĩ bắc/1080 16,0 kinh đông (Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương).

4. Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, một số kênh truyền thông nước ngoài và các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã tuyên truyên, xuyên tạc cho rằng “Chính phủ Việt Nam rất chậm và kém hiệu quả trong việc bảo vệ công dân của mình tại Ukraine”, nghi vấn về tính minh bạch trong hoạt động sơ tán người dân.

   5. Như: Bảo đảm an ninh cho các đồng minh, kiềm chế sự trỗi dậy của I-ran; Duy trì các lợi ích kinh tế, quân sự, an ninh chiến lược tại khu vực.

12256 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2094
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 2094
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76247175