Việc kiểm soát đại dịch Covid-19, tuy còn nhiều khó khăn nhưng có tiến triển tích cực. Tại nhiều nước phát triển, việc sản xuất vắc-xin được nâng lên và hiệu quả của vắc-xin được khẳng định. Tuy nhiên, các biến thể vi-rút mới xuất hiện đã đe dọa và kéo lùi thành quả chống dịch, phục hồi kinh tế, ngay tại các nước phát triển, có tỷ lệ tiêm chủng cao; sự khan hiếm, cạnh tranh toàn cầu về vắc-xin khiến các nước đang phát triển tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn.
Kinh tế thế giới được dự báo phục hồi khả quan, song còn bấp bênh và tiềm ẩn nhiều rủi ro. GDP toàn cầu dự báo tăng 5,6% năm 2021. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế không đồng đều diễn ra giữa các lĩnh vực, giữa các nhóm nước, giữa thương mại với đầu tư nước ngoài. Trong đó, một số ngành còn gặp nhiều khó khăn như: hàng không, du lịch, giao thông vận tải...
Bên cạnh đó, một số xu hướng xuất hiện từ trước đại dịch tiếp tục được đẩy mạnh hơn hiện nay, nhất là tăng trưởng xanh, liên kết kinh tế, ký kết các FTAs;
xu hướng chuyển đổi số, liên kết số, xây dựng luật chơi về số.
Trong thời gian qua, các nước lớn cạnh tranh chiến lược gay gắt, toàn diện; xu thế tập hợp lực lượng gia tăng phức tạp hơn. Quan hệ Mỹ - Trung vận động theo hướng cạnh tranh chiến lược, song các kênh đối thoại đã được nối lại dù còn nhiều khó khăn, trở lực. Quan hệ giữa Mỹ, EU với Nga tiếp tục căng thẳng, song đã có nhiều dấu hiệu dịu xuống, hai bên đã tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh ngày 16/6/2021. Quan hệ Trung - Nga được lãnh đạo hai nước tuyên bố là “đang tốt đẹp nhất trong lịch sử”…
Trong quan hệ chính trị quốc tế, chủ nghĩa đa phương được củng cố. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tạo động lực cho một số cơ chế đa phương, nhất là tập hợp được các đồng minh, đối tác để ứng phó với các thách thức toàn cầu (biến đổi khí hậu, Covid-19...). Các tổ chức đa phương tuy còn gặp khó khăn, song phát huy được vai trò, hiệu quả hơn. Các nước lớn tiếp tục ưu tiên tăng cường quan hệ và triển khai chính sách tại châu Á - Ấn Độ Dương, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược nước lớn[1].
Khu vực Đông Nam Á trải qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ nhiều năm qua do tác động đồng thời của dịch bệnh; các nước lớn tăng cường lôi kéo, tranh giành ảnh hưởng và chính biến tại Mi-an-ma. ASEAN ưu tiên ứng phó với Covid-19; tích cực can dự trong xử lý vấn đề Mi-an-ma. Bên cạnh đó, ASEAN đang bộc lộ nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và không chủ động được về vắc-xin; một số thỏa thuận đạt được trong năm 2020 vẫn chưa được triển khai do các nguyên nhân khách quan và chủ quan…
Mặc dù, tình hình Biển Đông không xảy ra sự cố lớn, bất ngờ, song xu
hướng phức tạp trên thực địa gia tăng. Cả Trung Quốc và Mỹ đều tăng cường các hoạt động của tàu thuyền quân sự ở Biển Đông.
Vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa ở mức cao. Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a,
Anh, Pháp, Đức, Ca-na-đa cử tàu hiện diện hoặc tập trận ở Biển Đông. Các Hội
nghị Thượng đỉnh hoặc Bộ trưởng nhóm Bộ Tứ, NATO, EU, G7... nêu quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông. Các nước Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a tích cực và phản ứng mạnh hơn trước hành động của Trung Quốc về khía cạnh pháp lý và trên thực địa; Phi-líp-pin ra tuyên bố của Ngoại trưởng Kỷ niệm 5 năm phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016…
Tình hình thế giới trong thời gian qua đã và đang ảnh hưởng đến sức mạnh đoàn kết của khối ASEAN, đến tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và đến nước ta. Trong đó đáng chú ý là việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Cảnh sát biển nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhất là gần đây, Trung Quốc thi hành Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi.
Luật này sẽ trao quyền cho Cục Hải sự Trung Quốc (MSA), thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc được quyền ra lệnh cho các tàu nước ngoài rời khỏi vùng biển nước này nếu đánh giá tàu đó có thể đe dọa an ninh. Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp và hoạt động gây quan ngại ở Biển Đông, khiến dư luận nhiều nước lên tiếng phản đối mạnh mẽ; Tình trạng bất ổn ở Mi-an-ma. Đối với tình hình Apganistan, các cường quốc, quốc gia láng giềng đang toan tính tranh thủ việc Mỹ và NATO rút quân để gia tăng ảnh hưởng trong giai đoạn chuyển giao này ở Afghanistan.
Đặc biệt là vấn đề an ninh lương thực trên toàn cầu đang được đặt ra, đòi hỏi các nước trên thế giới cùng chung tay giải quyết. Trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 suốt gần 02 năm qua, đảm bảo an ninh lương thực đã và đang trở thành vấn đề cấp thiết đối với toàn cầu. An ninh lương thực là một trong những yếu tố sống còn đối với sự thành bại của việc thực thi các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sức khỏe và phúc lợi cộng đồng. Đây cũng là chìa khóa quan trọng quyết định xu hướng tăng trưởng kinh tế và quá trình chuyển đổi nông nghiệp tại một số quốc gia.
Đại dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục và làm chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu bị phá vỡ, đẩy thêm hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo[2]. Nạn đói có nguy cơ gia tăng do giá lương thực tăng “phi mã” thời gian gần đây[3]. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá lương thực tăng mạnh là do lượng nhập khẩu lương thực cơ bản tăng mạnh vào năm 2020, chi phí nhập khẩu toàn cầu tăng lên mức kỷ lục (3%). Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tăng nhập khẩu thực phẩm cũng khiến giá nông sản thế giới tăng cao. FAO dự báo rằng, nhập khẩu ngô của Trung Quốc trong niên vụ 2021 - 2022 dự kiến sẽ tăng lên mức 24 triệu tấn, cao hơn mức dự báo 22 triệu tấn trước đó.
Nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu hiển hiện rõ tại các nước có giá bán lẻ cao, nhưng thu nhập lại giảm vì dịch bệnh. Trong khi đó, các cuộc xung đột tiếp tục diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới, tình trạng biến đổi khí hậu và gia tăng dân số đang đặt thêm gánh nặng cho ngành nông nghiệp.
Trước tình hình thế giới có những chuyển biến nhanh, phức tạp, phát triển kinh tế - xã hội ở trong nước bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, Đảng và Nhà nước ta tích cực, chủ động, linh hoạt và kịp thời tổ chức các hoạt động đối ngoại cấp cao song phương nhằm xây dựng và tăng cường quan hệ giữa lãnh đạo nước ta với lãnh đạo các nước, góp phần đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu.
Sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai các hoạt động đối ngoại với các nước và đối tác. Lãnh đạo các Ban Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, các bộ, ngành Trung ương, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị... đã tích cực tiến hành rất nhiều các cuộc điện đàm, trao đổi, tiếp xúc với các đối tác.
Các hoạt động đối ngoại cấp cao được triển khai có trọng điểm, nội dung
thực chất, tập trung vào các vấn đề có nhu cầu, hợp tác về tiếp cận vắc-xin, thúc
đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, xuất khẩu hàng hóa, đầu tư, tăng trưởng xanh,
hạ tầng, kinh tế số...
Cùng với chương trình hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo cấp
cao, các kênh đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại Nhân dân, đối ngoại Quốc phòng đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Đảng và Nhà nước ta đã tích cực vận động tiếp cận vắc-xin, đồng thời hỗ trợ các nước ứng phó với dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại đa phương, đảm nhận tốt trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và phát huy vai trò trong ASEAN.
Các bộ, ban, ngành đã tích cực phối hợp triển khai Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, với nhiều sự kiện đối ngoại đa phương cấp cao quan trọng[4].
Tại các hoạt động trên, Việt Nam đã lồng ghép những vấn đề có lợi ích, nhấn mạnh yêu cầu hợp tác và đoàn kết trong kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm tiếp cận vắc-xin công bằng, xử lý các khác biệt, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, huy động nguồn lực cho phát triển bền vững và bao trùm... Việt Nam đảm nhiệm tốt trọng trách Ủy viên không Thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, nhất là vai trò Chủ tịch HĐBA/LHQ trong tháng 4/2021. Trong ASEAN, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN và vị thế của quốc gia…
Các bộ, ngành tích cực triển khai các hoạt động đa phương, hội thảo, hội nghị với tinh thần chủ động, linh hoạt với hình thức trực tuyến; tích
cực ứng cử vào các tổ chức quốc tế. Phối hợp góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, giải quyết các tranh chấp thương mại, bảo đảm lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam. Các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ, bước đầu vận động thành công Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ (16/4/2021).
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục bám sát Kế hoạch hành động củaThủ tướng Chính phủ về thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); thúc đẩy thủ tục phê chuẩn trong nước Hiệp định Đối tác kinh tế toàn khu vực (RCEP), vận động thành công 7 Nghị viện thành viên EU phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA)... Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực tham gia, đóng góp tại các diễn đàn đa phương, như: APEC, ASEM; tham gia quá trình tham vấn lựa chọn Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Việc tham gia các hội nghị quốc tế, khu vực và các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua thể hiện sự đoàn kết quốc tế, triển khai thực hiện các cam kết trong giải quyết những vấn đề toàn cầu, cùng hướng đến xây dựng thế giới hòa bình, dân chủ, bình đẵng, hợp tác và phát triển. Phan Văn Lãn-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
[1] Mỹ ra sức lôi kéo đồng minh, đối tác ứng phó với Trung Quốc; Trung Quốc đẩy mạnh tập hợp lực lượng nhằm hóa giải sức ép của Mỹ và khẳng định vị thế, ảnh hưởng tại khu vực, triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, thương mại, đầu tư, viện trợ vắc-xin... Đáng chú ý là nhiều nước lớn trong và ngoài khu vực như Anh, EU, Ấn Độ, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản đẩy mạnh triển khai các sáng kiến tại châu Á - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; trong đó một số khuôn khổ “tiểu đa phương” do các nước tầm trung dẫn dắt được thúc đẩy
[2] Thống kê của các tổ chức quốc tế cho thấy, đại dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu người từ khắp các châu lục mất việc làm và lần đầu tiên phải sống dựa vào nguồn cung cấp thực phẩm miễn phí. Trong khi đó, tổ chức Oxfam cho biết, có tới hơn 50 triệu người ở Ðông và Trung Phi đã đề nghị cứu trợ lương thực khẩn cấp. Con số nêu trên dự kiến sẽ tiếp tục tăng do khu vực này còn phải chịu hạn hán nghiêm trọng liên quan hiệu ứng La Nina và nạn châu chấu.
[3] Theo báo cáo Triển vọng Lương thực được FAO công bố hai lần/năm, chi phí nhập khẩu lương thực của thế giới, bao gồm cả chi phí vận chuyển, dự kiến đạt mức kỷ lục 1.715 tỷ USD trong năm 2021, so với con số 1.530 tỷ USD trong năm 2020. Trước đó, FAO cho biết, giá lương thực toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ vào tháng 5/2021, tăng 40% so với cùng kỳ một năm trước đó. Tình hình này khiến vấn đề an ninh lương thực “nóng” tại nhiều quốc gia.
[4] Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên chủ trì Phiên thảo luận mở cấp cao HĐBA/LHQ về “Tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp quốc với các tổ chức nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột” (19/4); phát biểu ghi hình tại Lễ khai mạc trực tuyến Diễn đàn châu Á Bác Ngao (20/4); dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Tổng thống Mỹ chủ trì (22 - 23/4). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN dưới hình thức trực tiếp…