Việt Nam là một trong 5 quốc gia ở khu vực châu Á phải chịu nhiều hậu quả nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH), theo tính toán kịch bản biến đổi khí hậu, đến cuối thế kỷ XXI nhiệt độ tăng khoảng 3,4 độ C, mực nước biển tăng thêm 1m sẽ có khoảng 40% diện tích đất bị ngập vĩnh viễn, khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp do mất đất, thêm vào đó biến đổi khí hậu diễn ra ở ĐBSCL kéo theo hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở và nhiều hệ lụy đi kèm như đã từng diễn ra những năm gần đây. Đối với Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), với kịch bản nước biển dâng cao 1m vào cuối thế kỷ XXI, ĐBSH sẽ có 240.000ha đất sản xuất nông nghiệp của vùng bị ảnh hưởng, dự báo năng suất lúa giảm 8% - 15% vào năm 2030 và lên tới 30% vào năm 2050. Nếu tính tỷ lệ diện tích đất bị ngập nước khi nước biển dâng cao 1m vào cuối thế kỷ XXI có khoảng 3% diện tích bị ngập, trong đó 1,4% diện tích trồng lúa, 0,6% khu dân cư bị ảnh hưởng. Những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Thái Bình, diện tích đất bị mất khoảng 31,2%, Nam Định 24%, Hải Phòng 17,4%. So với đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng ngập lụt ít hơn và ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn thấp hơn, tuy nhiên tính chất cực đoan và tính dị thường của biến đỏi khí hậu và rủi ro cao hơn, nhất là gió bão sẽ tác động mạnh hơn so với đồng bằng sông Cửu Long. Đối với vùng ven biển, nhất là khu vực ven biển Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lớn nhất là bão, áp thấp nhiệt đới. Đối với khu vực ven biển miền Trung, hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất, thoái hóa đất diễn ra mạnh mẽ hơn. Theo tính toán nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m, một số khu vực trũng đồng bằng ven biển miền Trung sẽ bị ngập, như ở Thanh Hóa. Khu vực miền núi Bắc Trung Bộ với nền nhiệt tăng, cùng với khô hạn dễ dẫn đến cháy rừng, suy giảm đa dạng sinh học tác động tới đời sống Nhân dân. Chu kỳ khí hậu nông nghiệp trở nên bất thường, thời tiết cực đoan và nhiệt độ trung bình tăng, tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn đang và sẽ làm mất đi nhiều diện tích trồng cây lương thực, làm tăng dịch bệnh, dịch hại, giảm sút năng suất mùa màng và gây ra các rủi ro nghiêm trọng khác.
Trước thực trạng đó, để bảo đảm an ninh môi trường cần sự triển khai đồng bộ và thống nhất, thường xuyên các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội, nhất là cho người dân, doanh nghiệp về môi trường và an ninh môi trường, các quy định về bảo vệ môi trường. Thống nhất nhận thức xã hội, coi nhiệm vụ bảo vệ an ninh môi trường phải trở thành ý thức và hành động tự giác trong nếp sống văn hóa của mỗi người, gắn kết chặt chẽ an ninh môi trường với các hoạt động kinh tế, xã hội.
Thứ hai, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường, trọng tâm là: Hoàn thiện và duy trì nghiêm hiệu lực thực tế của hệ thống pháp luật về môi trường. Sớm xây dựng Bộ Tiêu chí và xác định Bộ Chỉ số an ninh môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhằm phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác các hiện tượng khí tượng thủy văn, chủ động ứng phó với BĐKH. Thực hiện tốt chương trình trồng rừng, ngăn chặn nạn phá rừng, cháy rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát và phòng ngừa, xử lý nghiêm tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, với các chế định trách nhiệm tài chính, hành chính và hình sự đủ sức răn đe các cá nhân và tổ chức, pháp nhân vi phạm quy định pháp luật về môi trường…
Thứ ba, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo yêu cầu phát triển, sản xuất và tiêu dùng bền vững, xanh, sạch hơn và thân thiện với môi trường. Khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh công tác quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng; nghiêm cấm, kiểm soát chặt chẽ du nhập các sinh vật ngoại lai xâm hại vào Việt Nam; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch, cấp phép trong hoạt động khai thác, chế biến tài nguyên thiên nhiên…
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường. Tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với các tổ chức môi trường quốc tế, như: Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức hòa bình xanh (Greenpeace), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF)… và tăng cường hợp tác với chính phủ các nước, nhất là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam, các nước có lợi ích chung trong bảo đảm an ninh môi trường. Trí Ánh (Nguồn Ban Tuyên giáo Trung ương)