Kỳ họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc: Việt Nam lần đầu tiên chủ trì Phiên thảo luận chung trên cương vị Phó Chủ tịch
Ngày 20/9, kỳ họp Đại hội đồng (ĐHĐ) Liên Hợp quốc (LHQ) bước vào tuần làm việc quan trọng tại New York (Mỹ) với các phiên họp toàn thể. Sau hai năm gián đoạn, đây là lần đầu tiên kỳ họp ĐHĐ LHQ quy tụ sự góp mặt trực tiếp của nhiều lãnh đạo thế giới. Sức hút của cuộc gặp năm nay càng tăng khi thế giới đối mặt nhiều thách thức, từ tình hình lạm phát, khủng hoảng lương thực cho tới tâm điểm là cuộc chiến ở Ukraine.
Phiên thảo luận chung ĐHĐ LHQ khóa 77 đã khai mạc với chủ đề “Thời khắc bước ngoặt: Các giải pháp chuyển đổi trước những thách thức kết nối”. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Chủ tịch ĐHĐ khóa 77 Csaba Korosi và đông đảo lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ các nước thành viên LHQ đã tham dự phiên khai mạc chính thức ngày 20/9.
Tổng thư ký LHQ Gutteres cho rằng, tuy tình hình thế giới ngày càng chia rẽ, đầy thách thức nhưng vẫn tràn đầy hy vọng nếu cộng đồng quốc tế có thể chung tay góp sức, cùng hành động. Các thách thức toàn cầu như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, tiến độ thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), an ninh mạng đòi hỏi các nước cùng hợp tác, đối thoại để hướng tới tương lai. Ông Guterres cũng tuyên bố khởi động một Gói kích thích cho SDGs do G20 (Nhóm 20 nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) dẫn đầu nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững tại các nước đang phát triển; đồng thời, kêu gọi các nước thực hiện các sáng kiến trong Báo cáo Chương trình nghị sự chung của chúng ta.
Về phần mình, Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 77 Csaba Korosi nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy các giải pháp thông qua đoàn kết, bền vững và khoa học. Ông cũng cho biết, sẽ tích cực thúc đẩy các cuộc họp lớn của LHQ dự kiến diễn ra trong thời gian tới như Hội nghị thượng đỉnh SDGs 2023, Hội nghị về nước của LHQ vào năm 2023 và Thượng đỉnh Tương lai vào năm 2024.
Vấn đề giải quyết khủng hoảng lương thực và nạn đói cũng là một chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của Tuần lễ cấp cao lần này. Hiện đã có hơn 200 tổ chức phi chính phủ (NGOs) kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới có mặt tại kỳ họp ĐHĐ LHQ lần này nỗ lực ngăn chặn nạn đói trên khắp thế giới bởi số liệu báo cáo cho thấy khoảng 50 triệu người ở 45 nước có nguy cơ rơi vào nạn đói; và có gần 20 ngàn người chết đói mỗi ngày.
Trong vai trò Việt Nam làm Phó Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 77, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã tham gia điều hành khai mạc. Đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch ĐHĐ khóa 77, cơ quan lớn nhất của LHQ có thẩm quyền rộng khắp trong các lĩnh vực hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, là cơ hội lớn để Việt Nam góp phần vào trách nhiệm chung thúc đẩy hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu.
Trong khuôn khổ ĐHĐ LHQ khóa 77 tại New York, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã tham dự tiệc chiêu đãi do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì và có các cuộc tiếp xúc song phương với một số quốc gia và tổ chức quốc tế. Ngày 24/9, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 77. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhận định thế giới đang ở thời khắc "bước ngoặt của lịch sử" khi tình trạng đối đầu, xung đột và các hành động vi phạm luật pháp quốc tế tiếp tục gia tăng, phản ánh cạnh tranh giữa các nước lớn và chủ nghĩa đơn phương. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần có những thay đổi căn bản về tư duy, định hình lại cách tiếp cận đối với các vấn đề toàn cầu, trong đó cần đặt con người vào trung tâm của mọi nỗ lực phát triển. Những trải nghiệm của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua cho thấy đoàn kết và hợp tác quốc tế chính là "chìa khóa" quan trọng cho quá trình này. Phó Thủ tướng Thường trực đề xuất cần loại bỏ xu hướng đối đầu, tư duy "được - mất" và thay vào đó cần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế một cách cởi mở, bao trùm, công bằng và cùng có lợi…
Nữ hoàng Anh (1926-2022) băng hà, Thái tử Charles lên ngôi
Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị, Người trị vì lâu nhất ở Anh quốc qua 7 thập kỷ, đã qua đời ngày 08/9/2022 ở tuổi 96.
Elizabeth Alexandra Mary Windsor sinh ngày 21/4/1926 tại London, là con đầu lòng của Công tước và Nữ công tước xứ York. Bà không được sinh ra để trở thành nữ hoàng. Anh trai của cha cô, Hoàng tử Edward, đã được định đoạt cho chiếc vương miện, để được nối dõi ngai vàng. Nhưng vào năm 1936, khi Elizabeth Alexandra Mary Windsor 10 tuổi, Edward VIII thoái vị để kết hôn với Wallis Simpson (người Mỹ) đã hai lần ly hôn, và cha của Elizabeth trở thành Vua George VI. Năm 1952, nhà vua George VI qua đời ở tuổi 56 sau nhiều năm ốm yếu.
Kể từ ngày 06/02/1952 , Elizabeth trị vì nước Anh sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, kiệt quệ về tài chính và mất đi đế chế của mình do tan rã hệ thống thuộc địa; nước Anh gia nhập Liên minh Châu Âu (đầu thập niên 1950) và sau đó rời bỏ Liên minh châu Âu (đầu thập niên 2020); và thực hiện quá trình chuyển đổi không mấy dễ dàng sang thế kỷ XXI.
Dưới thời Bà trị vì, đã có 15 vị Thủ tướng, từ Winston Churchill đến Liz Truss lần lượt đứng đầu chính phủ Anh. Sự ra đi của bà đánh dấu kết thúc một kỷ nguyên đối với Vương quốc Anh. Con trai lớn của Nữ hoàng Charles đã lên ngôi và hiện là Vua Charles Đệ tam.
Nguyên thủ quốc gia nhiều nước đã gửi điện chia buồn tới Hoàng gia, Chính phủ Anh; tới viếng và bày tỏ lòng kính trọng đối với Nữ hoàng.
Nhật Bản tổ chức Lễ quốc tang cố Thủ tướng Abe Shinzo
Chiều 27/9, Chính phủ Nhật Bản đã long trọng tổ chức quốc tang cố Thủ tướng Abe Shinzo tại Võ Đạo quán Nhật Bản (Nippon Budokan) ở trung tâm thủ đô Tokyo. Đây là quốc tang thứ hai dành cho một cựu Thủ tướng trong thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai ở Nhật Bản.
Tham dự quốc tang có hơn 4.000 quan khách trong và ngoài nước, trong đó có Thủ tướng Kishida Fumio, Chủ tịch Hạ viện Hosoda Hiroyuki, Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa, hơn 700 nghị sỹ, nguyên nghị sỹ Quốc hội và 44 thống đốc các tỉnh, thành, cùng với hơn 700 quan khách nước ngoài đến từ 218 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới và các tổ chức quốc tế.
Cố Thủ tướng Abe sinh ngày 21/9/1954 tại thủ đô Tokyo trong một gia đình có truyền thống chính trị. Sau khi bước chân vào chính trường Nhật Bản vào năm 1993, ông đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ và LDP. Tháng 9/2006, ông được bầu làm Chủ tịch LDP và được Quốc hội bầu làm thủ tướng thứ 90 của Nhật Bản vào ngày 26/9 năm đó. Khi đó, ông mới 52 tuổi và là vị Thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản thời hậu chiến. Tuy nhiên, tháng 9/2007, ông đã phải từ chức Thủ tướng vì lý do sức khỏe.
Tháng 9/2012, ông Abe quay trở lại vị trí người đứng đầu LDP sau cuộc bầu cử chủ tịch đảng này. Vào tháng 12/2012, chính trị gia này đã dẫn dắt LDP giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện. Ngày 26/12/2012, ông Abe đã chính thức được bổ nhiệm làm Thủ tướng sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội. Đến tháng 8/2020, ông đã một lần nữa từ chức thủ tướng vì lý do sức khỏe. Cố Thủ tướng Abe chính là vị Thủ tướng có thời gian tại nhiệm liên tục dài nhất Nhật Bản, vượt qua kỷ lục của Thủ tướng Eisaku Sato.
Sau khi rời nhiệm sở, ông Abe vẫn tích cực tham gia các hoạt động chính trị. Ngày 11/11/2021, chính trị gia này đã trở thành nhà lãnh đạo của Seiwa Seisaku Kenkyukai – phái lớn nhất trong LDP. Tuy nhiên, vào ngày 8/7 vừa qua, ông đã bị sát hại khi đang vận động tranh cử cho một ứng cử viên của LDP ở thành phố Nara, miền Tây Nhật Bản. Để ghi nhận các đóng góp của cố Thủ tướng Abe, vào ngày 11/7, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định truy tặng “Chiếc vòng cổ Huân chương Hoa cúc”, danh hiệu cao quý nhất của nước này cho ông.
Nga cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo sẽ không ngần ngại sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn nỗ lực của Ukraine nhằm giành lại quyền kiểm soát các khu vực do Nga chiếm đóng, trong khi phương Tây gọi đó là chiến thuật hù dọa.
Cuộc phản công của Ukraine đã buộc quân đội Nga phải nhanh chóng rút lui khỏi nhiều vùng rộng lớn ở khu vực đông bắc Kharkiv trong tháng 9/2022. Nga đã đẩy nhanh các “cuộc trưng cầu dân ý” được tổ chức tại các khu vực bị chiếm đóng. Ukraine và phương Tây tố cáo cuộc “trưng cầu dân ý” là bất hợp pháp và gian lận ngay cả trước khi nó bắt đầu, có thể đoán trước được kết quả mà Nga mong muốn.
Sau khi hợp nhất các khu vực, Nga sẽ coi cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào họ là một hành động xâm lược và sẽ đáp trả tương ứng. Tổng thống Nga còn huy động quân dự bị cho cuộc chiến, kêu gọi ít nhất 300.000 người gia nhập quân đội. Tuy nhiên, việc huy động sẽ không thể hoàn thành nhanh chóng. Không còn các lựa chọn thông thường, Tổng thống Putin muốn tiếp cận vũ khí hạt nhân để tránh thất bại. Ông lạnh lùng nói rằng kẻ thù của Nga sẽ chết trước khi có thời gian để ăn năn tội lỗi của mình, ông từng thừa nhận rằng chiến tranh hạt nhân sẽ là thảm khốc.
Kể từ thời kỳ Chiến tranh lạnh, Nga và Mỹ đã duy trì sự ngang bằng về hạt nhân, hai nước chiếm khoảng 90% kho vũ khí hạt nhân của thế giới. Theo dữ liệu được trao đổi đầu năm 2022 theo hiệp ước cắt giảm vũ khí New START giữa Nga và Mỹ, Nga có 5.977 đầu đạn hạt nhân và Mỹ có 5.428 đầu đạn hạt nhân. Mỗi đầu đạn có sức công phá lớn hơn nhiều so với những quả bom Mỹ ném xuống hai thành phố của Nhật Bản vào cuối Chiến tranh thế giới thứ Hai.
Tuy nhiên, Nga và Mỹ có một số lượng lớn, không được tiết lộ về những gì được gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật, có hiệu suất thấp hơn đầu đạn chiến lược. Vũ khí hạt nhân chiến thuật bao gồm bom, đạn pháo hoặc đầu đạn cho tên lửa tầm ngắn và nhằm giáng một đòn mạnh vào quân đội trên một khu vực của chiến tuyến.
Một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm vào Ukraine sẽ không gây ra hậu quả thảm khốc ở quy mô tương tự như một cuộc tấn công bằng đầu đạn chiến lược. Nhưng ngay khi vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp được sử dụng, ngoài việc giết chết quân đội ở khu vực lân cận, vẫn sẽ gây ô nhiễm một khu vực rộng lớn và khiến một lượng lớn dân thường ở Ukraine và các nước láng giềng có nguy cơ nhiễm phóng xạ. Trên thực tế, Nga và đồng minh Belarus sẽ phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm cao nhất do gió thổi. Việc sử dụng dù chỉ một vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng sẽ có tác động chính trị tàn khốc, có thể tạo tiền đề leo thang nhanh chóng đến cuộc xung đột hạt nhân toàn diện.
Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ miền Đông và Nam Ukraine
Ngày 30/9/2022, tại Quảng trường Đỏ (Mátxcơva), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức tuyên bố sáp nhập bốn vùng của Ukraine (gồm Donetsk, Lugansk ở miền đông và Kherson, Zaporizhzhia ở miền nam) rộng hơn 90.000 km2, tương đương 15% diện tích Ukraine, với dân số khoảng 4 triệu người, sau một loạt các cuộc “trưng cầu dân ý” được tổ chức vội vàng từ ngày 23-27/9/2022. Kết quả nghiêng về việc sáp nhập, từ 87% phiếu bầu ở Kherson đến 98,4% ở Luhansk, bị Ukraine và phương Tây chỉ trích là "dàn dựng" và "bầu cử giả". Đây là cuộc sáp nhập lãnh thổ lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945.
Trước đó, năm 2014 Nga chính thức sáp nhập Crimea sau khi lực lượng đặc biệt Nga chiếm bán đảo và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tương tự. Đến nay, chỉ có 7 quốc gia công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga, bao gồm: Cuba, Nicaragua, Venezuela, Afghanistan, Triều Tiên, Syria và Belarus (mới từ tháng 12/2021).
Bốn vùng mới sáp nhập vào Nga sau “trưng cầu dân ý” là những khu vực chủ yếu nói tiếng Nga, ủng hộ các liên kết chặt chẽ hơn với Nga. Nga cũng hỗ trợ quân sự cho các khu vực ly khai thân Nga ở Liên Xô cũ bao gồm Abkhazia, Nam Ossetia ở Georgia và Transnistria ở Moldova. Các khu vực mới được sáp nhập vào Nga giàu tài nguyên. Donbas từng là trung tâm sản xuất than và thép lớn. Kherson là trung tâm nông nghiệp và bao gồm cảng Biển Đen quan trọng. Zaporizhzhia là nơi có nhà máy điện hạt nhân nổi tiếng châu Âu, cung cấp khoảng 1/5 lượng điện của Ukraine.
Số lượng các quốc gia ủng hộ việc sáp nhập 4 vùng trên vào Nga khó có thể vượt ra ngoài danh sách các quốc gia đã ủng hộ việc sáp nhập Crimea.
Nguồn lực mà Nga có thể quan tâm hơn lúc này là con người. Các cuộc sáp nhập, được công bố cùng với chính sách động viên một phần của Nga để tăng thêm quân số lên tới 300.000 người. Một số nhà phân tích nghi ngờ Nga có thể sử dụng việc sáp nhập này như một màn dạo đầu cho lời kêu gọi ngừng bắn.
Các đồng minh của Ukraine không đồng ý với việc sáp nhập, nhưng nó cho phép Tổng thống Nga Putin coi Ukraine là kẻ xâm lược nếu tấn công vào các vùng này.
Ngày 27/9/2022, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gueterres kết luận các cuộc trưng cầu dân ý tại 4 vùng do Nga kiểm soát trên lãnh thổ Ukraine là "bất hợp pháp". Ngày 29/9/2022 ông tuyên bố kế hoạch sáp nhập lãnh thổ thuộc Ukraine vào Nga là hành động "không bao giờ phù hợp với mọi khung pháp lý quốc tế" và đi ngược mọi giá trị của cộng đồng quốc tế. Ông Guterres cảnh báo mọi hành động sáp nhập lãnh thổ bằng đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đều vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế", cảnh báo Nga đang "leo thang nguy hiểm" với kế hoạch này.
Ngày 29/9/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: “Tôi muốn nói rất rõ ràng về điều này, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ công nhận các tuyên bố của Nga về lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine”.
Anh và 27 quốc gia thành viên EU, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng không công nhận việc sáp nhập.
Ngay cả những quốc gia gần gũi nhất với Nga như Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan và Serbia đều phát tín hiệu sẽ không công nhận kết quả các cuộc trưng cầu dân ý nói trên cũng như bất kỳ nỗ lực sáp nhập nào. Trung Quốc kêu gọi các bên tôn trọng "toàn vẹn lãnh thổ" của các quốc gia. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc: "Mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc cần được tuân thủ, các mối quan ngại an ninh hợp pháp của tất cả các nước cần được xem xét nghiêm túc và mọi nỗ lực giải quyết khủng hoảng bằng biện pháp hòa bình cần được ủng hộ".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng việc sáp nhập sẽ “khiến cho việc tiếp tục bất kỳ cuộc đàm phán ngoại giao nào với tổng thống Liên bang Nga là không thể”. Quân đội Ukraine tăng tốc chiến dịch phản công ở Donetsk mà không quan tâm đến nguy cơ khi tấn công các khu vực có thể được Nga coi là lãnh thổ của mình.
Các quốc gia tăng tốc chống lạm phát
Các Ngân hàng Trung ương của nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, dẫn đầu là Mỹ.
Ngày 22/9, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định lần thứ 3 liên tiếp tăng lãi suất thêm 0,75%, đưa lãi suất cơ bản liên bang lên mức 3% - 3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp của Mỹ trong năm nay nhằm kiểm soát tình hình lạm phát.
Trong một tuyên bố, FED cho biết, FOMC đã kết luận rằng không thể mạo hiểm để lạm phát tiếp tục leo thang, gây tổn hại đến người lao động và doanh nghiệp. Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố giới chức nước này sẽ tiếp tục hành động dứt khoát để “hạ nhiệt” nền kinh tế, đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% hàng năm, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và nguy cơ suy thoái trong ngắn hạn.
Ở châu Âu, ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % lên 2,25%, với quan điểm cần phải thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa để kiểm soát lạm phát. Với quyết định này, lãi suất chuẩn của BoE lên mức cao nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) cũng thông báo điều chỉnh tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên mức 2,5%. Ngân hàng Trung ương Na Uy thông báo tăng lãi suất từ 1,75% lên 2,25%.
Ở châu Á, các ngân hàng trung ương Philippines và Indonesia đồng loạt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất cơ bản lên 4,25%. Với Indonesia, đây là tháng thứ 2 liên tiếp ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát và bình ổn đồng nội tệ - điều nằm ngoài dự báo của phần lớn các chuyên gia phân tích.
Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Ngày 11/10, tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ khóa 77 ở New York (Mỹ), Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, với 145 phiếu ủng hộ. 14 thành viên mới đắc cử của Hội đồng Nhân quyền LHQ, trong đó có Việt Nam, sẽ đảm nhiệm trọng trách trong nhiệm kỳ 3 năm, bắt đầu từ tháng 1/2023.
Các nước tham gia ứng cử được chia thành 5 khu vực địa lý, trong đó nhóm châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có sự cạnh tranh cao nhất cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ này, với 7 nước được giới thiệu ứng cử từ giữa năm 2020 (một nước rút ứng cử vào phút chót).
Việt Nam được các thành viên ASEAN nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của khối cho vị trí này, đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ. Đây là lần thứ 2 Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ. Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 - 2016.
Bầu thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ là một trong những cuộc bầu cử khó khăn nhất, cạnh tranh gay gắt nhất tại LHQ. Đặc biệt, lần này Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ trong bối cảnh tình hình quốc tế rất phức tạp, là vinh dự lớn đối với Việt Nam. Đây là sự khẳng định của quốc tế đối với những nỗ lực và thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, đối với chính sách nhất quán của Việt Nam: lấy con người làm trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước; bảo đảm người dân được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển.
Việc trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ không chỉ minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, mà còn khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới.
Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi năm 2022 kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ. Đây sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của LHQ và cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người, cùng phấn đấu vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.
Vị thế ngày càng cao
Việt Nam được nhìn nhận rộng rãi như một tấm gương về đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước; một câu chuyện thành công về khắc phục hậu quả chiến tranh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; một đất nước hòa bình, ổn định, phát triển năng động, có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Nhìn lại lịch sử, năm 1975, Việt Nam còn là một quốc gia bị tàn phá nặng nề, thuộc nhóm các nước nghèo bị bao vây cấm vận. Năm 2010, Việt Nam đã rời nhóm các nước nghèo nhất để gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình. Đây thực sự là nỗ lực đáng nể.
Việt Nam đã trải qua một quá trình chuyển đổi thành công ngành nông nghiệp, từ đó vượt lên trên cả mục tiêu tự cung tự cấp lương thực. Đây thực sự là nỗ lực đáng nể khi chỉ sau 35 năm, một khoảng thời gian không phải là dài so với bề dày lịch sử của đất nước.
Nhìn lại 3 năm là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp thúc đẩy đối thoại và hợp tác; tăng cường tính hiệu quả, minh bạch và cân bằng trong công việc của hội đồng.
Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Việt Nam đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý trong việc đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, để lại dấu ấn thông qua thúc đẩy các sáng kiến được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm Nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền LHQ về Biến đổi khí hậu và quyền con người, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em…
Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo trong khuôn khổ Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan, được LHQ và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền LHQ, cũng như giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của LHQ về quyền con người, nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo.
Không can thiệp công việc nội bộ của các nước
Thông điệp của Việt Nam trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người - cho tất cả mọi người”.
Đặc biệt, bối cảnh quốc tế hiện nay đặt ra nhiều thách thức đối với việc bảo đảm quyền con người. Đối đầu, các biện pháp bao vây, cấm vận, bạo lực và xung đột vũ trang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, an ninh, phát triển và cuộc sống của người dân ở nhiều nơi trên thế giới.
Tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế suy thoái, giá năng lượng, lương thực, lạm phát tăng cao ở nhiều nước, biến đổi khí hậu, môi trường suy thoái cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống khác, cựu Đại sứ Nguyễn Phương Nga bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam sẽ đảm đương tốt trách nhiệm của mình tại LHQ, xứng đáng với sự tin tưởng và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước thành viên LHQ đã tín nhiệm dành lá phiếu cho Việt Nam.
Những diễn biến phức tạp của tình hình làm sâu sắc thêm sự khác biệt về quan điểm, cách tiếp cận giữa các nước và các nhóm nước, đòi hỏi các thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nỗ lực tăng cường đối thoại và hợp tác, trong khi thúc đẩy các giá trị phổ quát cần tôn trọng sự khác biệt, tránh áp đặt, tiêu chuẩn kép và chính trị hóa, không can thiệp vào công việc nội bộ, phấn đấu vì mục tiêu chung là xây dựng một thế giới hòa bình, nơi mọi người dân có cuộc sống phồn vinh và hạnh phúc.
Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, bảo đảm quyền dân chủ cho nhân dân. Mỗi lá phiếu của từng quốc gia bầu chọn Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 11/10 đã đập tan những luận điệu xuyên tạc của “tự do ngôn luận” phương Tây./. Phan Văn Lãn (tổng hợp)