Một số nét về tình hình kinh tế thế giới 9 tháng năm 2024 

Căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở Ukraine và Trung Đông, gây thêm nhiều bất ổn và tác động tiêu cực đến lĩnh vực vận chuyển, các thị trường hàng hoá cơ bản và thị trường tài chính toàn cầu.

Báo cáo về triển vọng kinh tế của OECD tháng 9/2024 nhận định, kinh tế toàn cầu đang bắt đầu ổn định nhờ thương mại mạnh mẽ và thu nhập thực tế được cải thiện. OECD dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu là 3,2% cho cả năm 2024 và 2025, tăng nhẹ so với mức 3,1% vào năm 2023. Lãi suất cao hơn dự kiến và những bất ổn đang diễn ra liên quan đến thị trường năng lượng và chính sách biến đổi khí hậu tiếp tục là những rủi ro lớn đối với triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Mỹ là nền kinh tế đóng góp nhiều nhất vào quá trình khởi sắc, Ấn Độ, Anh và Brazil sẽ tăng trưởng ở mức cao hơn kỳ vọng trước đó. Lạm phát toàn cầu đang có dấu hiệu giảm bớt. Lạm phát lõi ở các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ giảm xuống 2,7% vào năm 2024 và 2,1% vào năm 2025, tiến gần đến mục tiêu của các ngân hàng trung ương.

Chỉ số PMI sản xuất toàn cầu tháng 10/2024 cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục gặp khó khăn, cho thấy tình thế tăng trưởng kém vững chắc, thậm chí suy yếu ở nhiều khu vực, nguyên nhân chính do nhu cầu suy yếu và chi phí tăng cao. Những khu vực như châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục chịu sức ép nặng nề, trong khi một số quốc gia ở khu vực châu Á có triển vọng tích cực hơn.

Tháng 9/2024, dữ liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ phản ánh những tín hiệu trái chiều về nền kinh tế. Lạm phát tiếp tục giảm, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng nhẹ 0,2%, chỉ số lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ưa thích, PCE lõi, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của Fed. Chỉ số PMI dịch vụ cho thấy sự tăng trưởng chậm rãi nhưng ổn định, duy trì ở mức 51.5 điểm. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%, mức cao nhất trong nhiều năm, cho thấy khả năng tăng trưởng việc làm chậm lại.

Tại châu Âu, nguy cơ suy thoái kinh tế đang gia tăng. Chỉ số PMI sản xuất khu vực Eurozone tháng 9 nằm dưới mức 50 (48.9), từ mức 51 điểm của tháng 8, đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 2 trượt xuống dưới mốc 50 điểm - ngưỡng phân cách giữa tăng trưởng và suy giảm, cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục suy giảm. Chỉ số CPI tháng 9 ở Đức chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái và thậm chí giảm 0,1% so với tháng trước. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày càng tin tưởng lạm phát sẽ giảm về mục tiêu 2%.

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng khó khăn. Tháng 9/2024, Chỉ số PMI sản xuất tăng nhẹ lên 49,8 từ mức 49,1 vào tháng 8, cho thấy hoạt động của nhà máy chậm lại nhưng vẫn dưới ngưỡng 50 điểm. Trong khi đó, khu vực dịch vụ cho thấy sự sụt giảm mạnh hơn, với PMI dịch vụ giảm xuống 49,9, đánh dấu lần suy thoái đầu tiên kể từ tháng 12/2023, nguyên nhân do nhu cầu yếu hơn và sự gián đoạn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Doanh thu bán lẻ chỉ tăng 2,1% trong tháng 8 dù đây là tháng cao điểm du lịch mùa hè, giảm tốc từ mức tăng 2,7% của tháng 7. Tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc trong tháng 8 tăng lên mức 5,3% (từ 5,2% của tháng 7), trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đang cao đáng báo động, ở mức 18,8%. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã đưa ra một số chính sách kích thích kinh tế mới nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2024 và phục hồi các lĩnh vực quan trọng như bất động sản và thị trường tài chính.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, dự báo các điểm nóng xung đột chính trị, vũ trang tiếp tục leo lên một mức thang mới tại một số quốc gia, khu vực; thiên tai bất thường gây tác động tiêu cực, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề. Những bất ổn này dự báo làm tốc độ phục hồi kinh tế, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại. Dòng đầu tư quốc tế còn yếu do triển vọng tăng trưởng kinh tế chưa rõ rệt, xu hướng phân mảnh kinh tế, căng thẳng thương mại và địa chính trị, chính sách công nghiệp và đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang tái định hình các mô hình FDI. Châu Á vẫn là khu vực dẫn đầu về thu hút dòng vốn FDI, chiếm gần 50% tổng lượng vốn FDI toàn cầu năm 2023. Đặc biệt, nhóm các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên vẫn ghi nhận dòng vốn tăng trưởng năm thứ 3 liên tiếp, lên 226,3 tỷ USD năm 2023.

Hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu chưa có nhiều thay đổi. Chính sách tài khóa tiếp tục được điều chỉnh theo hướng kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng trung ương lớn như FED, ECB và BoE có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nếu tình trạng lạm phát được cải thiện. Chính sách tài khóa tại nhiều quốc gia có thể trở nên linh hoạt hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đối phó với các rủi ro vĩ mô, bao gồm các gói kích thích kinh tế và cải cách cơ cấu để nâng cao năng suất.

Với yếu tố này, kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo là sẽ “hạ cánh an toàn”  nhờ sự lạc quan về bối cảnh tài chính, lạm phát có xu hướng giảm, cầu nội địa tại nhiều quốc gia phục hồi. Phần lớn các tổ chức nghiên cứu kinh tế lớn dự báo mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 ở mức tăng tương đương năm 2023. Trí Ánh (Nguồn Ban Tuyên giáo Trung ương)

 

15 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 552
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 552
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86278098