Một số nét tiêu biểu về quá trình chiến đấu xây dựng và trưởng thành của LLVT Nhân dân tỉnh Quảng Trị 

Quảng Trị ở vào vị trí trung độ của cả nước, nơi khúc eo của giang sơn Việt Nam hình cong chữ S. Chỉ là một dãi đất hẹp mà Quảng Trị hội tụ đủ các yếu tố đa dạng của địa hình Việt Nam: Núi đồi, đồng bằng, cồn cát ven biển và hải đảo, có các trục giao thông quan trọng, thuỷ, bộ, đường sắt và hàng không; nơi có vị trí chiến lược quan trọng, có ý nghĩa về kinh tế, chính trị, quan sự đối với cả nước, là ngã ba của Đông Dương, có cảng Cửa Việt nối liền với quốc lộ 9 xuyên Á sang Lào và Thái Lan.

Quảng Trị với mảnh đất có một bề dày lịch sử, mãnh đất này từng được coi là “Trọng trấn” là “Trấn biên” là “Phên dậu” phía Nam Tổ quốc, là tiêu điểm ác liệt nhất của những cuộc kháng chiến chống xâm lăng, là “Thủ phủ” chính trị và cũng là “ranh giới “ của những cuộc chia cắt, phân ly. Một mãnh đất nhỏ bé, khí hậu khắc nghiệt như Quảng Trị mà đến 3 lần được chọn làm thủ phủ, kinh đô: Một thủ phủ Dinh Ái Tử từ buổi đầu xây dựng Vương triều nhà Nguyễn, một căn cứ Tân Sở của vị vua yêu nước Hàm Nghi phất cờ Cần Vương chống thực dân Pháp, một trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Cầu Hiền Lương, dòng Bến Hải chứng kiến nỗi đau chia cắt đã trở thành nơi đụng đầu lịch sử giữa chủ nghĩa Anh hùng cách mạng với chủ nghĩa đế quốc, thực dân kiểu mới, biểu tượng của lương tri, đạo lý, là khát vọng cháy bỏng có ý nghĩa độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Quảng Trị, miền quê giàu truyền thống cách cách mạng, giàu lòng yêu nước, bất khuất, kiên cường, dũng cảm, đoàn kết trong đấu tranh vì nghĩa lớn. Con người Quảng Trị có truyền thống cần cù, thông minh, chịu thương, chịu khó, tự lực, tự cường trong sản xuất, xây dựng cuộc sống và có một tinh thần lạc quan, tự tin vào một ngày mai tươi sáng, có một tâm hồn trong sáng, bình dị, khí khái, bộc trực thẳng thắn và rất mực thuỷ chung.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược đất nước ta, dân tộc ta từ đây phải đương đầu với kẻ thù độc ác, tàn bạo, trước cảnh nước mất, nhà tan. Một lần nữa khát vọng độc lập tự do, truyền thống yêu nước lại vùng lên mạnh mẽ.

Nhân dân Quảng Trị đã cùng quân và dân cả nước đứng lên đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.

Từ khi có Đảng, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, kiên trì con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ lựa chọn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của đấu tranh võ trang cách mạng từ năm 1941 một số nơi ở Quảng Trị đã hình thành các đội tự vệ đỏ, đến năm 1945 hầu khắp các xã đều có đội tự vệ với các loại vũ khí tự tạo, thô sơ lần lượt ra  đời, tính riêng 15 ngày trước khởi nghĩa ở 2 phủ huyện Triệu Phong và Hải Lăng đã huy động được 15 đại đội và lực lượng nòng cốt toàn tỉnh đứng lên cướp chính quyền về tay nhân dân.

Đúng 9 giờ ngày 23 tháng 8 năm 1945, thay mặt Uỷ ban khởi nghĩa đồng chí Trần Hữu Dực trịnh trọng tuyên bố “Xoá bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng”. Chỉ sau đó vài giờ Uỷ ban cách mạng lâm thời tỉnh đã khẩn trương ra Quân lệnh số 2 “Mở cuộc tuyển quân cấp tốc thành lập chi đội giải phóng quân”. Thực hiện Quân lệnh số 2, sau một thời gian ngắn chuẩn bị. Ngày 19/9/1945 chi đội giải phóng quân đầu tiên mang tên Thiện Thuật của Quảng Trị dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh được thành lập với 1.500 quân, được tuyển chọn trong lực lượng tự vệ đỏ, trong thanh niên, công nông, học sinh và một số binh lính của chế độ cũ có tinh thần  yêu nước đi theo cách mạng.

Ngày 10/9/1945 hội nghị Tỉnh ủy lâm thời Quảng Trị đã ra quyết định ra sức xây dựng, củng cố LLVT nhân dân.

Ngày từ ngày đầu mới thành lập, chi đội vệ quốc quân đã lên phía Tây đường 9 chiến đấu, đầu tháng 12/1945 đã anh dũng đánh địch bật khỏi Khe Sanh, Lao Bảo, đập tan âm mưu xây dựng bàn đạp  trên  vùng đất biên giới Việt- Lào của Pháp.

Được sự đùm bọc, che chở của nhân dân , LLVT nhân dân trưởng thành nhanh chóng. Đến tháng 11/1946 chi đội Thiện Thuật được xây dựng tương đối hoàn chỉnh và đổi tên thành Trung đoàn Thiệt Thuật, ở mỗi huyện xây dựng từ một đại đội đến một Tiểu đoàn LLVT, ở các xã đều có một đại đội hoặc một trung đội dân quân du kích.

Thi hành sắc lệnh số 71 ngày 22/5/1946 của Chính phủ về ấn định quy tắc quân đội quốc gia Việt Nam, LLVT nhân dân tỉnh được kiện toàn về Tổ chức. Lúc này, Trung  đoàn Thiện Thuật được tổ chức thành 3 tiểu đoàn: 13;14; 15 và có các Đại đội, Trung đội trực thuộc như: Công binh, Thông tin, Trinh sát... Tháng 6/1947 lực lượng dân quân Quảng Trị được thành lập, gọi tên là biệt động đội có trên 2.000 người (trong đó có 700 quân chủ lực tỉnh, phủ, huyện).

Để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ, cuối năm 1947, Trung đoàn Thiệt Thuật được đổi tên thành Trung đoàn 95, (Tiểu đoàn 13 thành d301, d14 thành d302, d15 thành d310) trực thuộc Quân khu. Tháng 6/1948 dân quân du kích trực thuộc dưới sự chỉ huy của Tỉnh đội trưởng Phan Long, Đại đội Lê Hồng Phong ra đời từ đó.

Vừa mới ra đời, đại đội Lê Hồng Phong vừa chiến đấu xây dựng, đã lập được chiến công. Trận Đập huyện Gio Linh là một điển hình giữa sự phối hợp bộ đội và dân quân với hình thức binh vận, 2 nữ dân quân Gio Linh đã  lọt thẳng vào đồn địch mở toang cổng cho đại đội Lê Hồng Phong xông vào không tốn một viên đạn, hạ được đồn, tóm gọn 56 lính Pháp và nguỵ.

Chiến khu Quảng Trị là niềm tự hào của quân dân tỉnh nhà và là nổi lo âu, khiếp sợ của kẻ thù đã bao lần thực dân Pháp dùng hàng ngàn quân, hàng chục xe cơ giới, máy bay và tàu thuyền tấn công chiến khu, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não ta. Nhưng cũng bấy nhiêu lần bọn địch bị bộ đội ta phối hợp với đại đội Lê Hồng Phong và dân quân du kích mưu trí đánh bại.

Chiến công của bộ đội địa phương Gio Linh đánh tan một tiểu đoàn địch đi càn quét, lùng sục Lệ Môn, Linh Châu, chiến công của quân dân Vĩnh Linh chặn đánh một đại đội địch cách Hồ Xá 1 km, tiêu diệt toàn bộ quân giặc, chiến công “ địa lôi chiến” diệt 64 xe chở lính Pháp ở đường 9, chiến công  tiêu diệt một tiểu đoàn địch ở Ba Dốc, chiến công tiêu diệt địch ở Nam Đông và diệt viện trên đường... mãi mãi là niềm tự hào của LLVT Nhân dân ta và LLVT nhân dân cả nước.

Trong cuộc đọ sức với thực dân Pháp để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng, bộ đội địa phương và dân quân du kích tỉnh ta đã đánh trên 1.500 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, bắn cháy, phá huỷ hàng trăm xe cơ giới, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự. Những tên đất, tên làng như Ba Lòng, Rào Quán, Đường 9, Khe Sanh, Đập Huyện, Quán Ngang, Vĩnh Liêm, Linh Quang, Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Hoàng... cùng với  các đơn vị 95, 230, 327... là niềm tự hào tin tưởng của nhân dân và là nổi kinh hoàng, khiếp đảm của kẻ thù.

Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ kết thúc thắng lợi, nhân dân cả nước chưa một ngày được sống  trong hoà bình lại phải chịu nổi đau chia cắt, con sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Miền Nam biến thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Quảng Trị là tỉnh duy nhất trực tiếp mang trên mình nổi đau chia cắt, Vĩnh Linh hoàn toàn giải phóng cùng miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, các huyện còn lại của Quảng Trị ở phía Nam vĩ tuyến 17 cùng với đồng bào miền Nam tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Quảng Trị cùng cả nước một lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược.

Trước tội ác “Trời không dung, đất không tha” của Mỹ, Diệm, một lần  nữa nhân dân Quảng Trị cùng đồng bào miền Nam lại vùng lên đấu tranh giành độc lập, từ trong phong trào cách mạng của nhân dân LLVT nhân dân tỉnh, sau một thời gian tập kết lại được hình thành và phát triển. Cuối năm 1959 hai đơn vị vũ trang của tỉnh được thành lập, đó là đơn vị 59A và 59B và một số cán bộ quê hương Quảng Trị được trở về tham gia chiến đấu. Năm 1960 sau khi mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh ra đời thì Ban quân sự của tỉnh cũng được thành lập, từ đây phong trào đấu tranh vũ trang  du kích ngày càng phát triển mạnh mẽ, sau đó tỉnh lại phát triển thêm một số đơn vị vũ trang khác như Đại đội 55 ( 6-61), d10( 11-63), tiểu đoàn 808 ( 10-64)...

Ngay từ đầu, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, LLVT nhân dân tỉnh ta đã lập được nhiều chiến công, từ tiếng súng diệt ác, trừ gian, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, LLVTND tỉnh tiến hành mở những cuộc vũ trang tuyên truyền phá ấp chiến lược, những trận chống càn bảo vệ thôn, xóm, tiêu biểu như: Đồng khởi thắng lợi của quân và dân miền núi Hướng Hoá, 9 dũng sỹ Phường Sắn (Hải Lăng) đánh với một tiểu đoàn quân cộng hoà có máy bay đại bác yểm trợ suốt một ngày.

Trong những năm 1961, 1962, 1963 LLVTND tỉnh đã hỗ trợ cho các cuộc tiến công nổi dậy ở miền núi phá tan các cuộc càn quét mang tên “Lê Lợi”, “Phượng Hoàng” của địch, giải phóng Miền núi xây dựng và bảo vệ căn cứ địa cách mạng. Đặc biệt là cán bộ, chiến  sỹ LLVT ND tỉnh đã hỗ trợ cho cuộc đồng khởi thần kỳ toàn tỉnh, cuối năm 1964 giải phóng vùng giáp ranh xây dựng căn cứ đồng bằng, đẩy mạnh chiến tranh du kích lập nên những chiến công dòn giã ở Tân Lâm, Đá Nổi, Quận lỵ Triệu Phong làm cho địch lúng túng, bị động.

Những trận tấn công mạnh mẽ ở miền núi và nổi dậy toàn tỉnh năm 1964 đã góp phần đánh bại quốc sách “ấp chiến lược”“chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Đối với Vĩnh Linh, ngay sau khi hoà bình lập lại. Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh quyết tâm xây dựng huyện nhà thành huyện điển hình xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.

Do điều kiện chia cắt, nên ngày 16/6/1955 thủ trướng Chính phủ ra Nghị định Vĩnh Linh thành đơn vị hành chính ngang với một tỉnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ và Trung ương. Là đơn vị đầu cầu miền Bắc XHCN, nơi đối mặt với kẻ thù nên việc xây dựng LLVT ND được đặc biệt quan tâm.

Sau hơn 6 năm khôi phục và cải tạo, quê hương có nhiều khởi sắc, LLVT ND phát triển cả về số lượng, chất lượng chi viện đắc lực sức người, sức của cho tiền tuyến anh hùng. Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ tiến hành gây chiến tranh  phá hoại miền Bắc. Ngày 8/8/1964 máy bay Mỹ bắn phá Cồn Cỏ, từ đây Đảng bộ, LLVT ND Vĩnh Linh bước vào một  thời kỳ mới, vừa xây dựng, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của kẻ thù. Chi viện đắc lực cho Cồn Cỏ để Cồn Cỏ đứng vững và trở thành biểu tượng anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cuối năm 1965, Quảng Trị trở thành một trong những chiến trường trọng   điểm nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch, đây là thời kỳ đầy thử thách, hy sinh nhưng cũng là thời kỳ đầy chiến công vẽ vang của quân và dân tỉnh nhà, tiêu biểu nhất là đòn sấm sét của quân dân ta cùng bộ đội chủ lực, mở mặt trận đường 9 đánh bại các cuộc hành quân “Hát- xin”, “Đồng Cỏ”, “ Đếch Hao” của thuỷ quân lục chiến Mỹ ở vùng núi Gio Cam; đòn tấn cồng dồn dập bão lửa xuống Dốc Miếu- Cồn Tiên ngày 20/3/1967, diệt hơn 1.000 tên Mỹ, phá huỷ hàng trăm xe, pháo mở đầu cho trận pháo kích lớn của quân và dân toàn miền.

Năm 1971, quân dân tỉnh đã phối hợp với chủ lực mở chiến dịch đường 9 Nam Lào có tính chất chiến lược, đánh bại cơ bản chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, kết thúc thắng  lợi dòn giã, giáng một đòn nặng nề vào xương sống quân chủ lực nguỵ, riêng LLVT ND tỉnh đánh 1.174 trận, diệt 3.961 tên, bắt sống 44 tên, thu 87 súng, bắn rơi 32 máy bay, bắn cháy 249 xe quân sự, 12 xuồng. Riêng trong đợt đường 9 Nam Lào đánh 290 trận, diệt 1.022 tên, phá huỷ 60 xe, bắn rơi 20 máy bay địch, góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc XHCN.

Năm 1972, trên đà thừa thắng xốc tới, LLVTND tỉnh nhà phối hợp đắc lực cuộc tấn công và  nổi dậy lịch sử long trời, chuyển đất, giáng một đòn có tính chất chiến lược đập nát tuyến phòng thủ MácNaMaRa và hệ thống kìm kẹp của địch từ huyện xuống xã, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị thân yêu. Riêng LLVTND tỉnh trong 2 đợt tấn công từ 30/4 đến 4/5/1972 đã độc lập đánh 36 trận, tiêu diệt 211 tên  địch, bắt sống 2.600 tên, thu 3.800 súng các loại, 1000 tấn lương thực... Sau giải phóng, LLVTND tỉnh được củng cố, bộ đội địa phương ở các huyện được bổ sung, quân số hơn 2000 thanh niên được tuyển chọn và tự nguyện tham gia, LLVTND tỉnh ở các thôn, xã có 1512 du kích xã, 3266 du kích thôn, 1048 dân quân mỗi xã đều có du kích tập trung .

Nhưng đế quốc Mỹ chết mà  không chừa với bản chất xâm lược và hiếu chiến, chúng đã mở cuộc phản kích điên cuồng và đầy tội ác hòng tái chiếm Quảng Trị, Mỹ hoá cuộc chiến tranh bằng không quân, hải quân với quy mô và cường độ chưa từng có trong chiến tranh. Quân và dân Quảng Trị với quyết tâm cao, với tinh thần chịu đựng hy sinh, gian khổ tột bậc, đã tiến hành một cuộc chiến tranh vô cùng quyết liệt, giam chân 2 sư đoàn thiện chiến của quân địch tại Thành Cổ Quảng Trị, tạo điều kiện cho toàn miền nổi dậy, làm cho thế giới hết sức khâm phục và kẻ  thù kinh  ngạc, bộ đội và du kích kiên cường bám đất, bám làng chiến đấu, tiêu biểu là d8,d3 anh hùng bất chấp mưa bom, bão đạn chốt giữ Thành Cổ 81 ngày đêm, d14 cùng với du kích Triệu Phong giữ vững Long Quang suốt 43 ngày đêm, d10 tiêu diệt nhiều trận địa pháo và Sở chỉ huy ở sau lưng địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Năm 1972 là năm LLVT tỉnh ta chiến đấu liên tục, vượt qua muôn vàn thử thách hy sinh, trưởng thành trên nhiều mặt. Những chiến thắng vẽ vang đã góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc. Hơn 300 ngày đêm chiến đấu, quân và dân tỉnh nhà đã đánh 1.212 trận, tiêu diệt 10.156 tên, bắt sống 2.367 tên, bắn rơi 43 máy bay, bắn cháy 197 xe quân sự, bắn chìm nhiều tàu chiến, phá huỷ nhiều khẩu pháo các loại của địch.

Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy 1972, ngoài d8, d3, d14 chúng ta còn có nhiều ngọn cờ tiêu biểu, đó là C24, d16 đặc công đã bí mật, bất ngờ, táo bạo tập kích diệt gọn quận lỵ Mai Lĩnh trong đêm 19/3. Đó là các đơn vị bộ đội địa phương, du kích Gio Cam, Cam Lộ độc lập chủ động đánh địch ở hướng Đông, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Đội 4 anh hùng ở Gio Linh chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mặc dù bị tổn thất hy sinh vẫn không rời vị trí, đó là du kích Hải An, Hải Thượng, đó là C 22 vận tải với khẩu hiệu “ Vai thêm cân, chân thêm bước” đạp lên bom đạn của kẻ thù đưa hàng lên phía trước.

Trong suốt những năm  tháng đánh Mỹ, từ 1964- 1972 Vĩnh Linh vừa xây dựng CNXH, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và chi viện cho miền Nam. Đầu tháng 7/1966 Bộ CHQS Vĩnh Linh được thành lập gồm LLVT của khu đội trước đây và Trung đoàn 270 bảo vệ giới tuyến, từ đó LLVT Vĩnh Linh càng lớn mạnh. Hình ảnh các cán bộ chính trị, các sỹ quan, quân, dân Vĩnh Linh “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” đã làm nên những chiến công vẽ vang như trung đội dân quân xã Vĩnh Trung phối hợp với 4C hoả lực các xã trong khu vực cùng 1 c BB, 1 c đặc công với dân quân các xã Gio Hà, Gio Hải, Gio Mỹ, Cam Giang diệt ác, phá kìm, giành chính quyền làm chủ ở Gio Cam và nhiều trận đánh tiêu biểu khác. Với chiến thắng vẽ vang đó của quân và dân Vĩnh Linh đã dốc sức, đồng lòng “chia lửa” với chiến trường Gio Cam, chiến thắng kẻ thù xâm lược, tạo nên một Vĩnh Linh anh hùng, bắn rơi 293 máy bay, bắn chìm 69 tàu chiến, được Bác Hồ khen ngợi:

“Đánh cho giặc Mỹ tan tành

Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng”

Cũng trong thời gian này, đồng bào, quân, dân Vĩnh Linh và cán bộ chiến sỹ Đảo Cồn Cỏ đã anh hùng, kiên cường, mưu trí, dũng cảm gần 1.500 ngày đêm đối mặt với kẻ thù, đánh hơn 1000 trận, bắn cháy 48 máy bay các loại, có trận chỉ trong vòng 2 giờ bắn rơi 4 máy bay Mỹ, bắn cháy 17 tàu chiến và hải thuyền địch; có trận chỉ bằng hai quả đạn 85 ly đã bắn chìm một thuỷ phi cơ của Mỹ. Với thành tích đó, Cồn Cỏ vinh dự hai lần được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT ND, 3 lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và tặng hai câu thơ:

“Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận

Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”

Chiến thắng giải phóng Quảng Trị cùng với chiến thắng to lớn của quân và dân 2 miền Nam, Bắc. Buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari và rút quân về nước. Mỹ cút nhưng nguỵ chưa nhào, Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm xâm lược, chúng ra sức hà hơi tiếp sức cho quân nguỵ trắng trợn phá hoại hiệp định, tăng cường lấn chiếm bình định, chồng chất muôn vàn tội ác đối với nhân dân. Kiên quyết trừng trị để bảo vệ hiệp định, quân và dân Quảng Trị đã hiệp đồng với chủ lực đánh bại mọi cuộc hành quân lấn chiếm của địch.

Từ năm 1973 đến 1974 , quân và dân tỉnh ta cùng với quân và dân toàn miền tạo thế, tạo lực để tiến lên giành toàn thắng.

Ngày 8/3/1975, phối hợp với toàn miền, tiếng súng mở màn chiến dịch bắt đầu. Ngay từ đầu Quảng Trị đã tạo được thế đánh  địch trên cả 3 vùng “Giáp ranh, đồng bằng và trên tuyến hướng Tây”, bộ đội và du kích vây chặt và đánh các điểm cao 367, Động ông Do, 235, 205, 222, 118, 112... làm cho địch buộc phải tháo chạy ở đồng bằng, bộ đội cùng biệt động quân cùng dân quân  du kích luồn sâu tiêu diệt chi khu quân sự Mai Lĩnh và 9 chi khu quân sự khác, làm cho hậu phương địch rối loạn. Trên tuyến phòng thủ, bộ đội và du kích luồn sâu đánh địch khắp nơi làm cho chúng co cụm lại.

Ngày 18/3 thừa thắng xốc tới, quân và dân ta đã nhất tề xông lên tiêu diệt kẻ thù, d8, d10, d812 cùng với lực lượng bộ đội, du kích Hải Lăng đánh thọc sâu xuống đồng bằng, d3 cùng du kích Triêụ Trạch đánh phá  tuyến tiếp giáp, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, d14 cùng với du kích Triệu Phong nhanh chóng vượt sông Thạch Hãn đánh chiếm và treo cờ bên tiểu khu Quảng Trị, du kích Hải Vĩnh, Hải Tân, Hải Vân... thọc sâu về vùng biển tiêu diệt tàn quân địch.

Đúng 18 giờ ngày 19/3/1975, sau 11 ngày chiến đấu anh dũng, Quảng Trị đã sạch bóng quân thù.

Sau khi giải phóng quê hương, quân và dân ta đã phối hợp với quân và dân Thừa Thiên Huế tấn công tiêu diệt địch, góp phần tích cực vào đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử. Trong chiến dịch này, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 4576 tên địch, bắt và gọi hàng 3.115 tên, phá huỷ và thu 34 xe quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh khác. Chúng ta đã ghi vào sổ vàng chống Mỹ cứu nước của tỉnh nhà bằng những thành tích vẽ vang. Trong những năm đánh Mỹ, quân và dân Quảng Trị đã tiêu diệt 15 vạn tên địch, trong đó có 5 vạn tên Mỹ, đánh trên 9817 trận, đấu tranh chính trị trên 1388 cuộc, bắn rơi 1092 máy bay địch, lực lượng địa phương độc lập bắn rơi 387 chiếc. Hàng chục đơn vị LLVT, dân quân du kích và cá nhân được Nhà nước tuyên dương anh hùng.

Với lòng yêu nước căm thù giặc cao độ là động lực mạnh mẽ thôi thúc LLVT ta luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, mưu trí, dũng cảm lấy ít đánh nhiều, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích phối hợp với chủ lực một cách nhịp nhàng với phương châm “2 chân”, “3 mũi” giáp công, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, đã chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù.

Sau khi hoà bình lập lại, đặc biệt là sau khi tái lập tỉnh, đảng bộ và chính quyền đã tập trung xây dựng LLVT vững mạnh từ tỉnh xuống cơ sở, xây dựng được thế trận QPTD, và thế trận ANND vững chắc, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh... Vinh dự và tự hào cho quân và dân Quảng Trị ngày 6/11/1978 nhân dân và LLVT Quảng Trị được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu anh hùng LLVT Nhân dân. Văn Lãn

40 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 333
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 333
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88668266