Một số nét mới trong thực hiện cải cách tư pháp ở ngành tòa án 6 tháng đầu năm 2018 

Nghị quyết 49/NQ- TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đã xác định: Tòa án là khâu trung tâm của quá trình cải cách, xét xử là khâu trọng tâm của toàn bộ hoạt động tư pháp. Với tinh thần đó, TAND tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp cải cách tư pháp nhằm nâng cao vị thế của ngành tòa án, nâng cao chất lượng công tác xét xử, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, nét đổi mới nhất trên lộ trình cải cách tư pháp ở ngành TAND tỉnh là việc tổ chức các phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử. Tòa án tạo điều kiện, đảm bảo cho những người tham gia tố tụng được trình bày hết ý kiến của mình; tranh luận giữa luật sư, bị cáo với đại diện viện kiểm sát cũng được thể hiện khách quan hơn. Các phán quyết của Tòa án sẽ căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Từ đó, nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự, khắc phục có hiệu quả việc kết án oan người không có tội.

Tòa án nhân dân hai cấp đã triển khai thực hiện xây dựng mô hình phòng xét xử mới theo thông tư 01/2017/TT-TANDTC, ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Chánh án TANDTC, theo đó sắp xếp lại vị trí của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa tại phòng xét xử. Đã công bố 312 bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực trên cổng thông tin điện tử theo Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP, ngày 16 tháng 3 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Việc thực hiện công bố bản án, quyết định đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xét xử đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận thông tin và giám sát của nhân dân vào hoạt động của tòa án.

Nhằm tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Tòa án nhân dân tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; ký kết Quy chế về việc phối hợp giải quyết các vụ, việc liên quan đến quyền sử dụng đất với Sở Tài nguyên và Môi trường. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Tòa án nhân dân hai cấp đã thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, nâng cao chất lượng xét xử, tạo chuyển biến trong công tác xét xử các vụ án theo tinh thần cải cách tư pháp, phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng mới. Đã thụ lý mới 963 vụ việc các loại (tháng trước chuyển sang 357 vụ việc) đã giải quyết  924 vụ việc phải giải quyết, đạt 70%. Trong đó, án hình sự thụ lý 176 vụ với 291 bị cáo, đã giải quyết 147 vụ với 226 bị cáo. Án dân sự thụ lý mới 181 vụ, số vụ án của các tháng trước chuyển sang là 127 vụ, đã giải quyết 155 vụ án. Án hôn nhân và gia đình thụ lý mới 599 vụ, số vụ án của các tháng trước chuyển sang là 153 vụ, đã giải quyết  578 vụ việc. Án kinh doanh thương mại thụ lý mới 36 vụ, số vụ án của các tháng trước chuyển sang là 34 vụ, đã giải quyết 39 vụ việc. Án hành chính thụ lý mới 04 vụ, số vụ án của các tháng trước chuyển sang là 06 vụ, đã giải quyết  03 vụ. Án lao động thụ lý 4 vụ, đã giải quyết xong 2 vụ. Các vụ án tồn đọng chưa giải quyết đều nằm trong hạn luật định và đã có lịch xét xử. Nhìn chung, các vụ án hình sự xét xử đúng người, đúng tội, không xử oan đồng thời không bỏ lọt tội phạm. Hình phạt áp dụng đối với từng bị cáo cơ bản thỏa đáng; chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và  gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính đảm bảo tính khách quan, toàn diện, áp dụng đúng pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự được Tòa án bảo vệ. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của Tòa án trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, hệ thống TAND hai cấp xác định phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án đạt tỷ lệ trên 98%; tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính – tư pháp nhằm đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết công việc; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm trong hệ thống Tòa án hai cấp; thường xuyên tổ chức rà soát các bản án đã ban hành.

( HY- VPTU)

1001 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1005
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1005
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76397573