Một số nét chính thị trường lâm sản những tháng đầu năm 

(Chinhphu.vn) – Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 7 năm 2018 đạt 642 triệu USD, lũy kế xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017.

 

Doanh nghiệp gỗ cần tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường có giá trị cao như Mỹ, Nhật Bản - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sang các thị trường chính gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt đạt 1,69 tỷ USD (tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2017); 564,2 triệu USD (tăng 2,7%); 527 triệu USD (tăng 4,7%); 452,7 triệu USD (tăng 50,5%). Về cơ bản, theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), hiện nay xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang các thị trường truyền thống vẫn có những tín hiệu tốt và ổn định, các doanh nghiệp xuất khẩu đã ký các đơn hàng cho năm nay.

Ước tính, giá trị nhập khẩu gỗ tháng 7/2018 đạt 170 triệu USD, lũy kế nhập khẩu 7 tháng đầu năm là 1,24 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ so với cùng kỳ năm 2017 của hầu hết các thị trường nhập khẩu chính đều tăng ngoại trừ Campuchia (giảm 51,3%), Thái Lan (giảm 8,9%), Malaysia (giảm 7,8%).

Trên thị trường thế giới, căng thẳng thương mại, thiếu hụt nguyên liệu tiếp tục là các yếu tố chi phối thị trường gỗ những tháng qua.

Mới đây, Mỹ đe dọa đánh thuế 10% hàng hóa của Trung Quốc với giá trị lên tới 200 tỷ USD nếu Trung Quốc tiếp tục có những biện pháp trả đũa chính sách thương mại của Mỹ. Bên cạnh đó, kể từ 1/7, Canada chính thức áp thuế nhập khẩu sản phẩm gỗ dán và ghế gỗ nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa chính sách thuế quan của Mỹ đối với sản phẩm nhôm thép…

Để phát triển lâm nghiệp và đa dạng hóa nguồn cung gỗ nguyên liệu, Trung Quốc cùng các nước tại khu vực Trung và Đông Âu đã thông qua “Kế hoạch hành động về cơ chế điều phối hợp tác lâm nghiệp giữa Trung Quốc và các nước thuộc khu vực Trung và  Đông Âu”. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ hợp tác với Nga trong lĩnh vực buôn bán quyền sở hữu rừng, nền tảng thông tin lâm sản, chứng chỉ lâm sản, dịch vụ tài chính để phát triển ngành công nghiệp gỗ hai nước.

Trong ngắn hạn, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa thể có tác động đáng kể nào đến hoạt động xuất nhập khẩu gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, Việt Nam cần tính đến những thách thức về cạnh tranh trong xuất khẩu sang thị trường Mỹ đối với những sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Xu hướng dịch chuyển đầu tư vào ngành gỗ của các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam sẽ gây nhiều áp lực đến ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước từ công nghệ cho đến nhân công giá rẻ. Do đó, các doanh nghiệp cần có những bước chuẩn bị để thích ứng với sự thay đổi trên thị trường thế giới, tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường có giá trị cao như Mỹ, Nhật Bản.

Để hoàn thiện thể chế sản xuất ngành lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp xác định từ giờ đến cuối năm sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng 4 Nghị định và 7 Thông tư theo Luật Lâm nghiệp đã ban hành.

Ngành Lâm nghiệp cũng tập trung đôn đốc, chỉ đạo các địa phương hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch 2018, đặc biệt là quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có và quỹ đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu: tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp 6,0-6,5%, giá trị xuất khẩu lâm sản 9 tỷ USD, tỉ lệ che phủ rừng 41,65%; Tăng cường chỉ đạo công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tập trung giải quyết các điểm nóng về phá rừng và vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật. Triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành, Đề án Quản lý rừng bền vững. Thúc đẩy, hoàn thiện thủ tục phê duyệt và ký chính thức Hiệp định VPA-FLEGT.

Đỗ Hương

533 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 767
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 767
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87049797