Một số mô hình nông nghiệp cần nhân rộng 

Quán triệt và cụ thể hóa thực hiện chủ trương “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu. Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững” đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ, Tỉnh ủy khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/4/2017 về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025; UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch hành động để tổ chức thực hiện chủ trương này.

Trong thời gian qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện quyết liệt việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Phải khẳng định rằng, năm 2017 là năm ghi lại những dấu ấn đậm nét trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, có chỗ đứng trên thị trường nội địa và xuất khẩu như: gạo hữu cơ Quảng Trị, gạo canh tác tự nhiên, cà phê Arabica Khe Sanh, chè vằng hòa tan, cà gai leo An Xuân, tiêu Cùa...

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trong năm 2017 và 06 tháng đầu năm  2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng được khoảng 100 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, tổ chức lại sản xuất để nâng cao năng suất và giá trị kinh tế. Các mô hình bước đầu góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, ổn định tốc độ tăng trưởng nông – lâm – thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và tăng thêm nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Điển hình có một số mô hình được đánh giá khá thành công như:

- Mô hình hợp tác liên kết giữa “Sở Nông nghiệp và PTNT; Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam - Nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển; Tổ hợp tác/Hợp tác xã” để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ bền vững, được triển khai trên diện tích khoảng 250 ha. Đây là mô hình hoàn toàn không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu bệnh, chỉ sử dụng phân hữu cơ. Qua đánh giá, mô hình này đảm bảo hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường:

Về mặt kinh tế, mô hình cho năng suất lúa tươi bình quân đạt 56 tạ/ha, nơi cao đạt trên 70 tạ/ha, cho thu nhập bình quân 45 triệu đồng/ha, nơi cao đạt 56 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí giống, phân bón, làm đất, thu hoạch cho lãi bình quân 26 triệu đồng/ha, nơi có năng suất cao cho lãi 38 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất đại trà từ 6 - 18 triệu đồng/ha. Như vậy, qua 02 vụ với 250 ha lúa liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ, với tổng sản lượng thu được là hơn 1.360 tấn lúa tươi, tổng thu nhập của mô hình là 9,48 tỷ đồng, lãi toàn mô hình qua 02 vụ là 4,81 tỷ đồng. Giá trị thu nhập bình quân trên 01 ha lúa hữu cơ/02 vụ là 80 – 90 triệu đồng. Được biết  thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị đã được đưa vào phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn.

Về mặt xã hội, mô hình giải quyết được 02 vấn đề cơ bản về tổ chức sản xuất và an toàn thực phẩm. Về tổ chức sản xuất, tất cả các hộ gia đình tham gia mô hình đều phải nằm trong vùng quy hoạch sản xuất cánh đồng lớn, tập trung. Mô hình đã thúc đẩy hình thức sản xuất trên cánh đồng lớn, tập trung, tích tụ ruông đất, điển hình như: HTX Diên Khánh với quy mô 40 ha, HTX Đức Xá – Vĩnh Linh 26 ha; HTX Phước Thị 20 ha, Tổ hợp tác Long Hưng (04 hộ gia đình thuê đất tích tụ 10 ha)... Việc quy hoạch vùng sản xuất, sản xuất trên cánh đồng lớn chủ động tưới tiêu giúp cho công tác cơ giới hóa các khâu dễ dàng, đồng thời chủ động việc quản lý và áp dụng theo quy trình hữu cơ hoàn toàn. Về an toàn thực phẩm, mô hình giúp nâng cao nhận thức của người nông dân theo hướng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tập trung sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng hoai mục, tạo ra sản phẩm nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Về mặt môi trường, việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ đã giúp khôi phục và duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ độ phì nhiêu của đất, bảo vệ thiên địch cũng như các loài thủy sinh sống trong ruộng lúa.

- Mô hình liên kết 4 nhà giữa “UBND tỉnh Quảng Trị, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Học viện nông nghiệp Việt Nam – Hợp tác xã/Tổ hợp tác trồng dứa” phát triển vùng nguyên liệu dứa phục vụ xuất khẩu đượ trồng trên diện tích khoảng 146 ha tại địa bàn huyện Cam Lộ và Gio Linh, Vĩnh Linh, Đakrông và Triệu Phong. Nguồn vốn thực hiện được huy động từ doanh nghiệp, Nhà nước và đối ứng của nông dân. Doanh nghiệp cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra theo hợp đồng liên kết. Hiện nay, diện tích dứa trồng đã cho thu hoạch đợt 1 khoảng 30% với tổng sản lượng ước khoảng hơn 900 tấn. Công ty cổ phần xuất khẩu Đồng Giao đã thực hiện đúng như cam kết, đang thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân, kể cả sản phẩm không đạt chuẩn (3-5%). Ước tính toàn bộ mô hình đạt năng suất bình quân 25-35 tấn/ha. Với giá bán bình quân dứa loại 1 là 4.000 đ/kg, loại 2 là 2.800 đ/kg (tỉ lệ quả loại 1 đạt 70%, loại 2 đạt 25%) thì thu nhập ước đạt 100 - 130 triệu đồng/ha; cùng với thu nhập từ bán chồi giống khoảng 50 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, người nông dân có lãi bình quân từ 40 – 60 triệu đồng/ha sau 14 – 18 tháng, lãi gấp 3 – 4 lần so với trồng rừng sản xuất. Trong chuyến thăm và kiểm tra tình hình sản xuất, thu mua dứa tại huyện Cam Lộ trong tháng 6/2018 vừa qua, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, UV BCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của tỉnh Quảng Trị trong việc triển khai mô hình trồng dứa và đề nghị tỉnh cần tuyên truyền, phổ biến người dân xây dựng, phát triển tốt thương hiệu sản phẩm dứa Quảng Trị, giữ vững chất lượng và uy tín về một sản phẩm sạch, bổ dưỡng; tỉnh xem xét phát triển trồng thêm ở những nơi có điều kiện để sớm hình thành vùng nguyên liệu khoảng 1.000 ha để tiến tới xây dựng Nhà máy thu mua và chế biến ngay tại Quảng Trị theo như cam kết giữa các bên.

- Mô hình liên kết trồng gắn chế biến cây dược liệu: Một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thí điểm trồng cây dược liệu và phát triển vùng nguyên liệu gắn với các cơ sở chế biến, điển hình là huyện Cam Lộ. Cam Lộ đã phát triển được một số mô hình như: mô hình trồng cà gai leo được thực hiện tại thôn An Mỹ - xã Cam Tuyền - huyện Cam Lộ với quy mô 05 ha, liên kết với Công ty Thương mại Quảng Trị. Hiện nay, đã chế biến tạo ra sản phẩm cao dược liệu với nhãn hiệu Cà gai leo An Xuân, thu nhập bình quân 70 - 75 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng chè vằng gắn với nấu cao được thực hiện tại Định Sơn - Cam Nghĩa huyện Cam Lộ với quy mô 40 ha. Hiện nay, đã chế biến tạo ra sản phẩm cao dược liệu với nhãn hiệu Cao dược liệu làng nghề Định Sơn, thu nhập bình quân 65 triệu đồng/ha.

- Mô hình trồng Dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản (của Tập đoàn Sumitomo) thực hiện tại xã Trung Giang - huyện Gio Linh. Từ cuối năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Công ty TNHH Sumitomo Việt Nam và Công ty  TNHH Seibu Nousan Việt Nam tiến hành triển khai mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thôn Cang Gián, xã Trung Giang với quy mô 1.000 m2, trong đó có 500 m2 nhà lưới, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Đối tượng cây trồng được lựa chọn là dưa lưới và tỏi. Kinh phí thực hiện hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 380 triệu đồng, kinh phí còn lại do Tập đoàn Sumitomo hỗ trợ. Tại mô hình này, người dân và cán bộ kỹ thuật trên địa bàn được tiếp cận với một số phương thức canh tác ứng dụng công nghệ cao như: Công nghệ nhà lưới và trồng trọt của Nhật Bản, vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng phân chuyên dùng cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây... Đây là cơ sở để các địa phương vùng cát ven biển tham quan, học tập để ứng dụng vào sản xuất và tạo thu nhập.

- Mô hình canh tác tự nhiên đối với hai cây (lúa, rau) và hai con (gà, lợn) được triển khai tại huyện Triệu Phong (thuộc dự án “Bảo vệ môi trường” do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc và Ngân hàng Ngoại hối Hàn Quốc tài trợ thông qua Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam). Khi sản xuất theo phương pháp này người dân chủ yếu tận dụng các chất phụ phẩm nông nghiệp có sẵn (như thân cây chuối, khoai lang, chuối, xoài, cam bưởi…) qua quá trình lên men đơn giản tạo ra sản phẩm thực vật lên men… cùng với vai trò của vi sinh vật bản địa để tự tạo ra phân bón hữu cơ thay thế cho việc sử dụng phân bón hoá học; thuốc trừ sâu bệnh được người nông dân tạo ra dựa vào các chất liệu tự nhiên từ trong chính vườn của mình như nước gừng, ớt, tỏi… Theo tính toán thực tế, để sản xuất 01 ha lúa theo phương thức canh tác tự nhiên phải chi phí gần 21 triệu đồng, thu được 57 triệu đồng, tính ra lợi nhuận đạt 36 triệu đồng; còn theo phương thức thông thường, chi phí để sản xuất 01 ha lúa trên 22,5 triệu đồng, thu được 42 triệu đồng, tính ra lợi nhuận đạt 19,5 triệu đồng. Các mô hình được sản xuất theo phương thức canh tác tự nhiên cho thấy thân thiện với môi trường, sản phẩm tuyệt đối an toàn đối với người sử dụng, hiệu quả kinh tế lại cao hơn, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững. Được doanh nghiệp mua ngay trên đồng ruộng và hiện nay sản phẩm gạo sạch đã có mặt trên thị trường.

Nhìn chung, việc triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp trong thời gian vừa qua thể hiện quyết tâm cao trong đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp của ngành nông nghiệp nói riêng và của cả hệ thống chính trị nói chung. Tuy nhiên, việc triển khai các mô hình vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, chưa có đánh giá sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng.

Vì vậy, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần chủ động phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan, các địa phương tiến hành đánh giá, nhân rộng, mở rộng quy mô sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh các mô hình đã thành công ở những địa bàn có điều kiện gắn với vấn đề bao tiêu sản phẩm.

Trên cơ sở các cây, con chủ lực đã được xác định, cần tiếp tục phối hợp với các địa phương để rà soát quy hoạch vùng sản xuất, tập trung chuyển đổi các vùng sản xuất kém hiệu quả. Chú trọng phát triển kinh tế hộ, gắn với liên kết hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã; phát triển cánh đồng lớn, liền vùng, liền thửa, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng và phát triển bền vững. Khuyến khích, động viên các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với các hợp tác xã để đầu tư các dự án sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tạo được chu trình khép kín sản xuất và tiêu thụ. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư đường giao thông, kênh mương nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong canh tác, sản xuất; xúc tiến xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp sạch, giới thiệu đến người tiêu dùng.

Với những kết quả đạt được trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chúng ta kỳ vọng trong thời gian tới, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. TL

1361 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 808
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 808
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87192774