MỘT SỐ MẨU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ NGƯỜI PHỤ BẾP TRÊN CON TÀU AMIRAL LA TOUCHE DE TRÉVILLET 

Có thể nói, cuộc đời của Bác Hồ kính yêu là một cuộc hành trình không mệt mỏi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ và gần 30 quốc gia, hàng trăm thành phố lớn, nhỏ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc được bắt đầu bằng dấu mốc đặc biệt quan trọng - ngày Bác rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911) cách đây vừa tròn 110 năm. Trong cuộc hành trình “ngàn dặm” ấy, có nhiều câu chuyện xúc động về Người trong đó có những mẩu chuyển kể lại quãng thời gian khi Người vừa mới ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu mang tên Amiral La Touche De Tréville của Pháp với thân phận phụ bếp.

Ngày ấy, sau nhiều năm chứng kiến nền độc lập của dân tộc bị xâm phạm, cảnh nhân dân ta “một cổ hai tròng” chịu nhiều lầm than, cực khổ, bị chà đạp, áp bức, các phong trào yêu nước lần lượt nổ ra nhưng đều thất bại, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành dù rất ngưỡng mộ và kính trọng lòng yêu nước dũng cảm, kiên cường của các bậc tiền bối, nhưng với tấm lòng yêu nước sâu sắc, sự trăn trở về vận mệnh dân tộc, bằng sự hiểu biết của bản thân, đã sớm nhận ra con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc mà cần thiết phải có con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Và ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral La Touche De Tréville của Pháp, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (lúc ấy mới 21 tuổi), lấy tên mới là Văn Ba (mang ý nghĩa nghĩa là “làn sóng văn hóa”- văn là văn hóa, ba là sóng) đã rời Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt phi thường.

Ra đi tìm cứu nước với hai bàn tay trắng, đó là một một quyết định không dễ dàng. Bác cũng lường trước được sự mạo hiểm và khó khăn nên đã rủ một số bạn cùng đi, ai cũng nhận lời đi cùng. Nhưng đến phút cuối thì họ lảng hết, chỉ còn một mình Bác ra đi vì họ ngợp bởi sự khó khăn trước mắt, bởi câu trả lời cho câu hỏi của họ: “Đi bằng cách nào? Lấy đâu ra tiền mà đi?..." chính là: Bác giơ hai bàn tay trả lời: “Đây, tiền đây”. Để có thể nuôi sống bản thân lại đi đến được nhiều nơi trên thế giới, tìm hiểu về các dân tộc, các thuộc địa khác nhau, Bác đã chọn làm một người phụ bếp trên tàu. Từ quyết định này ta càng khâm phục hơn ý chí, nghị lực, quyết tâm và nhãn quan chính trị thiên tài của Người.

Với dáng người mảnh khảnh, Văn Ba trông không giống như người sẽ làm được những công việc nặng nhọc của một người phụ bếp trên tàu. Lúc mới lên tàu, vị thuyền trưởng hỏi anh có thể làm được gì trong nhà bếp, anh chỉ có một câu trả lời duy nhất: “Tôi có thể làm tất cả những gì ông cần!”. Ngay ngày hôm sau, anh đã bắt đầu một công việc mà trước đó hoàn toàn xa lạ với anh. Anh tất bật từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối. Một ngày làm việc của anh bắt đầu bằng việc rửa sạch khu bếp, phục vụ cho gần 800 hành khách và thủy thủ trên tàu. Bao nhiêu lời sai bảo, bao nhiêu công việc cứ trút vào cả anh:

“Ba, đem nước đây!”

“Ba, dọn chảo đi!”

“Ba, thêm than chỗ này, thêm than chỗ kia!”

 …

Ngày nào anh cũng nghe những câu nói ấy và thoăn thoắt làm việc: Lấy than, quạt bếp, mang rau, khoai tây, thịt, cá từ kho lên bếp… Trong những công việc thường ngày ấy, có một công việc gần như ngoài sức tưởng tượng của anh là phải rửa sạch những chiếc nồi đồng to, nặng không thể nhấc lên được. Từ lúc sáng sớm cho đến lúc đêm khuya, anh lúc nào cũng luôn tay, luôn chân, lại thường xuyên đi giữa căn bếp nóng nực và phòng kho lạnh buốt, hoặc khuân vác đồ nặng trên con tàu tròng trành, lên những bậc thang chật hẹp từ kho lên nhà bếp. Nhưng, người thanh niên gầy gò ấy luôn hoàn thành công việc, kể cả những việc hoàn toàn mới mẻ như gọt củ cải, khoai tây, những thứ mà anh chưa nhìn thấy bao giờ.

Thủy thủ và đầu bếp đã bắt đầu nể phục anh không chỉ anh đã hoàn thành công việc hết sức nặng nề mà họ đã khám phá ra một điều rằng, người thanh niên ấy là một người thông minh, hiếu học. Mặc dù đã mệt lả sau một ngày làm việc nhưng anh Ba vẫn không chịu đi ngủ mà còn thức đến 23 giờ khuya hoặc lâu hơn nữa để đọc sách hoặc viết lách. Một số người thủy thủ và phụ bếp mù chữ đã nhanh chóng kết thân với anh. Họ vui mừng khi được anh sẵn sàng viết hộ những bức thư gửi cho người thân và gia đình. Anh còn dạy họ học tiếng Việt. Họ giúp anh rửa rau củ, nói chuyện với anh về nước Pháp, về người dân Pháp. Một kinh nghiệm đầu tiên nhưng quý giá mà anh nhận ra được: Cũng có cả những người Pháp tốt bụng. Kinh nghiệm này đã bổ sung cho nhận thức của anh về quan hệ sau này đối với đất nước và con người Pháp.

Trong những ngày lênh đênh trên biển ấy, có lần, anh Ba suýt chết đuối. Biển nổi sóng. Làn sóng to như những quả núi chồm lên đổ xuống. Hầu hết mọi người say sóng. Như mọi ngày, anh Ba đi lên đi xuống từ bếp đến hầm. Không thể vác những rổ rau lên vai vì tàu tròng trành, anh phải buộc rổ rau vào dây sắt để kéo đi, chuyến thứ hai một ngọn sóng lớn thình lình phủ lên sàn tàu và cuốn xuống biển mọi vật trên sàn tàu. Cả những rổ rau và anh Ba nữa. Anh bị  đẩy vào giữa cột buồm và dây xích, nhờ vậy mà thoát chết trong gang tấc…

Tròn 110 năm kể từ ngày Sài Gòn tiễn bước chân Người ra đi tìm đường cứu nước, ôn lại những mẩu chuyện cũ về những tháng ngày người thanh niên Văn Ba gầy gò, mảnh khảnh nhưng bằng một ý chí, một hoài bão lớn, một quyết tâm cháy bỏng đó là giành “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” đã vượt qua hết mọi trở ngại, gian nguy, tìm thấy con đường cách mạng vô sản, mỗi chúng ta đều khắc ghi sâu trong tim lòng biết ơn vô hạn đối với Bác. Chúng ta, mỗi một người Việt Nam hôm nay nguyện vững bước trên con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thiên tai, dịch bệnh,… chung tay xây dựng nước nhà ngày càng phồn vinh, ấm no, hạnh phúc như Bác hằng mong muốn. Minh Huyền

 

8475 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 988
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 988
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86998106