|
Giá tiêu có thể sẽ phục hồi nhẹ trong năm 2019 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Thường trực Ban chỉ đạo Phát triển Thị trường Nông sản, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) đánh giá chung cả năm 2018, giá lúa gạo diễn biến tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng để đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu. Giá cà phê giảm bởi sức ép dư cung lên thị trường cà phê toàn cầu. Thị trường hạt tiêu và cao su trong năm qua chịu sức ép giảm giá do nhu cầu thấp, nguồn cung dư thừa. Thị trường thịt lợn trong năm biến động tăng lớn vào những tháng đầu năm nhưng đã bình ổn trở lại vào cuối năm. Sản lượng trái cây, rau quả (vải, nhãn, cam, xoài, chôm chôm…) đều tăng cao so với các năm trước nhưng đã phối hợp với các địa phương tổ chức tiêu thụ tốt…
Thường trực Ban chỉ đạo Phát triển Thị trường Nông sản đưa ra những điểm cần lưu ý trong tháng tới đối với một số ngành hàng như sau:
Xuất khẩu các sản phẩm rau quả, gạo và thịt lợn sang Trung Quốc dự báo trong năm 2019 sẽ gặp rất nhiều thách thức do các chính sách tăng thuế đối với mặt hàng gạo, thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đẩy mạnh chính ngạch và những thay đổi về tổ chức quản lý bên phía Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì thế, các ngành liên quan và các doanh nghiệp cần phải xây dựng kế hoạch để ứng phó với những thay đổi chính sách của Trung Quốc.
|
Sản xuất chết biến gỗ cần siết chặt quản lý chặt từ đầu vào và đầu ra - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Để nắm bắt được những cơ hội xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, các doanh nghiệp cần hướng đến việc quản lý nguồn gốc gỗ theo phương pháp của VPA, quản lý chặt từ đầu vào và đầu ra, từ khâu khai thác, cho đến vận chuyển và tiêu thụ. Các cơ quan chức năng cần kiểu soát thật chặt chẽ nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam nhằm đảm bảo tính hợp pháp của nguồn gỗ sử dụng. Cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường hiểu biết của doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu về qui định, thủ tục của hiệp định VPA/FLEGT.
Xuất khẩu chè năm 2019 lại được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do tình trạng dư cung trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các thị trường khó tính ngày càng tăng cường công tác kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm chè trước khi cho phép nhập khẩu. Do vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh của chè Việt Nam trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp xuất khẩu chè Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh liên kết sản xuất với nông dân để có được sản phẩm chè đạt chất lượng tốt nhất. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư sâu hơn và công nghệ chế biến để tạo ra các sản phẩm chè khác nhau, bắt kịp với xu hướng tiêu thụ chè trên thế giới.
Giá tiêu có thể sẽ phục hồi nhẹ trong năm 2019, do dự báo không khả quan về sản lượng sản xuất của các nước xuất chính. Sản lượng hồ tiêu của Việt được dự báo giảm nhẹ, do giảm diện tích sản xuất hồ tiêu tại 1 số khu vực. Để thúc đẩy ngành hồ tiêu phát triển bền vững, cần hướng tới tập trung nâng cao chất lượng hồ tiêu hơn là năng suất; đồng thời tập trung vào việc giảm tối đa mức sử dụng thuốc trừ sâu hóa học tổng hợp và cố gắng phát triển tiêu hữu cơ.
Đỗ Hương