MỘT SỐ KINH NGHIỆM TRONG LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI PHÁT TRIỂN VÀ BỀN VỮNG Ở HUYỆN CAM LỘ 

Ngày 16-4-2020 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 520/QĐ-TTg công nhận huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2019 và là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM. Để tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được cũng như hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu, phát triển và bền vững, Huyện ủy Cam Lộ đã xác định rõ đây là sự nghiệp của Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị.

Nông thôn mới phát triển và bền vững không chỉ là vấn đề kinh tế - xã hội, mà vấn đề kinh tế - chính trị tổng hợp. Xây dựng NTM phát triển và bền vững giúp cho nông dân có niềm tin, tích cực, đoàn kết giúp đỡ nhau xây dựng nông thôn phát triển giàu đẹp, dân chủ văn minh, làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn ngày càng được cải thiện. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường. Dân chủ ở cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng lên.

Đạt được kết quả đó, trước hết công tác lãnh đạo, triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Huyện uỷ đã tổ chức quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ cốt cán từ huyện đến cơ sở; chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM các cấp; Ban Thường vụ Huyện uỷ ban hành Kết luận số 24-TB/HU ngày 11/7/2011 để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng kế hoạch, đề án Quy hoạch xây dựng xã NTM; phân công, phân nhiệm cho từng thành viên BCĐ; tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, mặt trận đoàn thể các cấp tuyên truyền vận cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực tham gia chung tay xây dựng NTM. Cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của BCH, BTV Huyện ủy, UBND huyện đã xây dựng và ban hành 09 đề án trình HĐND huyện ra nghị quyết thông qua để thống nhất lộ trình, kế hoạch, giải pháp triển khai chỉ đạo thực hiện. Xác định là Huyện có điểm xuất phát thấp, song với quyết tâm trong quá trình xây dựng NTM dựa vào nội lực là chính, không để nợ đọng cơ bản, không huy động sức dân. UBND huyện chủ động, sáng tạo lựa chọn những giải pháp có trọng tâm, trọng điểm. Giai đoạn 2011 – 2015, huyện tập trung chỉ đạo các lĩnh vực trọng điểm, đầu tư từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất, cơ sở thiết yếu sinh hoạt ở nông thôn, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp...; giai đoạn 2016 – 2019, ưu tiên tập trung, tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao năng suất chất lượng – chế biến, xây dựng thương hiệu gắn với thị trường tiêu thụ để nâng cao thu nhập; xữ lý rác thải cảnh quan môi trường nông thôn; nâng cao các thiết chế văn hóa giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ gìn đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội. Trong chỉ đạo thực hiện phân công trách nhiệm và ký cam kết giữa Bí thư Huyện ủy với Bí thư Đảng ủy các xã thị trấn; Chủ tịch UBND huyện với Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, trưởng các phòng ban, trên tinh thần 4 có “ Có công việc cụ thể; Có con người cụ thể; có địa chỉ cụ thể; Có hiệu quả cụ thể”, đồng thời hàng năm ngoài việc tập trung chỉ đạo toàn diện trên tất cả các mặt đời sống kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, UBND huyện ban hành chủ đề hành động để tập trung chỉ đạo có điểm nhấn góp phần quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn NTM; năm 2016 nâng cao hiệu lực bộ máy hành chính với chủ đề “Năm cải cách hành chính”; năm 2017 nâng cao trách nhiệm cán bộ công chức “Nói đi đôi với làm”; năm 2018, nâng cao tinh thần quyết tâm thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội giữa nhiệm kỳ “Quyết liệt, sâu sát, toàn diện và hiệu quả”; năm 2019 quyết tâm hoàn thành các tiêu chí huyện NTM trước 01 năm “ Năm Nông thôn mới”.

 Đồng thời sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng NTM. Triển khai cuộc vận động "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở" và “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, phong trào xây dựng "Khu dân cư NTM kiểu mẫu" tạo ra sự lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Nhờ vậy, trong giai đoạn 2011 - 2019 nhân dân đã hiến 390.232 m2 đất trị giá 195,116 tỷ đồng để mở rộng 124,8 km đường trục xã: 136,8 km đường trục thôn: 104,7 km đường ngõ; hiến hơn 19.512 cây các loại (9,756 tỷ đồng), đóng góp 52.000 ngày công (10,4 tỷ đồng), xóa trên 581 nhà tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo (17,5 tỷ đồng) và di dời được 3.319 ngôi mộ ra ngoài vùng đất sản xuất....Chủ trì đề xuất với BCĐ xây dựng NTM huyện xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá khu dân cư kiễu mẫu, vườn mẫu, đường mẫu; phối hợp, đánh giá công nhận và gắn biển khu dân cư NTM kiễu mẫu, vườn mẫu, đường mẫu. Tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình XD NTM từ năm 2011 đến 2019: 3.017 tỷ đồng trong đó: Ngân sách nhà nước 1.214,790 tỷ  đồng, chiếm 40,3%; ngân sách Trung ương: 802,402 tỷ đồng; ngân sách tỉnh: 215,899 tỷ đồng; ngân sách huyện: 180,150 tỷ đồng; ngân sách xã: 16,339 tỷ đồng.

Điểm nổi bật trong xây dựng NTM ở huyện Cam Lộ là tạo ra các mô hình kinh tế - xã hội nổi bật. Mô hình trồng và chế biến dược liệu cây chè vằng, đến nay với tổng diện tích trồng lên đến 64,5 ha (tập trung các xã Cam Chính, Cam Nghĩa và một số xã lân cận) với 215 hộ tham gia, năng suất bình quân đạt 4-5 tấn/ha/lần cắt, mỗi năm cắt 2 lứa, giá bán 8-10 ngàn đồng/kg, giá trị thu được 80-100triệu/ha. Đây là loại cây trồng được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình họ, tộc, không có người vi phạm pháp luật; mô hình Phật giáo, Giáo xứ huyện Cam Lộ tham gia bảo vệ ANTQ và xây dựng nông thôn mới của Công an huyện Cam Lộ. Mô hình thu hút doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực nông lâm nghiệp để liên kết, sản xuất, chế biến tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Đến nay, có 5 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương và các vùng lân cận, sản phẩm chủ yếu tinh bột sắn, cao su, tinh dầu lạc, các sản phẩm gỗ rừng trồng; trong đó, tạo công ăn việc làm cho người trồng cao su, thu mua, vận chuyển trên 2.500 lao động, giá trị khai thác hàng năm trên 100 tỷ đồng. Nhà máy viên nén năng lượng và các cơ sở chế biến gỗ: Vùng nguyên liệu hơn 16.995 ha rừng trồng sản xuất, sản lượng hàng năm khai thác đạt 226.600 tấn, giá trị khai thác hàng năm tạo ra 227 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm khu vực nông thôn trên 4.000 lao động.

 Mô hình vườn ươm cây lâm nghiệp thôn An Mỹ xã Cam Tuyền, các vườn ươm được đầu tư bằng các hệ thống tưới tự động, có vườn ươm cây bố mẹ (cây mô), hàng năm cung ứng ra thị trường hơn 500 vạn cây giống các loại, thu nhập hàng năm từ mô hình 3,0 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm trên 100 lao động. Mô hình tái chế phế liệu lốp xe làm bồn hoa, thùng đựng rác, lốp xe làm chậu hoa, thùng đựng rác với các hình thù đa dạng, phong phú với 58,5 km đường hoa, số lượng (Chậu hoa, thùng rác) được sử dụng trên 2.000 chậu tập trung ở xã Cam Hiếu, xã Cam Chính, xã Cam Nghĩa, xã Cam Thành, xã Cam Tuyền. Hiệu quả mô hình là chi phí thấp, thời gian sử dụng lâu dài. Mô hình người dân tự giải phóng mặt bằng không đền bù và đóng góp xây dựng, thắp sáng các tuyến đường giao thông. Hưởng ứng phong trào "Thắp sáng đường quê"; Xây dựng "khu dân cư kiểu mẫu" đến nay trên địa bàn nhân dân tự đóng góp, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng với hơn 5.460 bóng đèn, 273 km đường điện, hơn 3.200 cột đèn ở các tuyến đường.

Với quan điểm chỉ đạo, xây dựng NTM huyện Cam Lộ đảm bảo thực chất và chất lượng, lấy thu nhập của người nông dân, cảnh quan môi trường nông thôn, kiện toàn, đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, lấy sự hài lòng của người dân ở cơ sở làm điểm cốt lõi. Xây dựng NTM nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống của vùng nông thôn, không chạy theo hình thức, không huy động quá sức dân, không để nợ đọng xây dựng cơ bản, người dân được phát huy dân chủ trong quá trình triển khai thực hiện.  Xây dựng NTM với phương châm “Chủ động, quyết liệt, hiệu quả, sáng tạo” bằng cách làm từ đồng ruộng vào nhà, từ nhà ra khu dân cư; với sức mạnh dựa vào con người, đặc biệt “Nông dân, cư dân nông thôn và cán bộ cơ sở”; huy động đầu tư có hiệu quả từ mọi nguồn lực; dựa vào sức dân để lo cuộc sống cho dân, dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân làm nên NTM.

Phấn đấu đến 2025 xây dựng  60% - 70% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Bộ tiêu chí do tỉnh ban hành); xây dựng huyện Cam Lộ cơ bản thành huyện "Nông thôn mới kiểu mẫu"; Thu nhập bình quân đầu người ≥  65 triệu đồng/người/năm khu vực nông thôn; Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện ≥ 70 triệu đồng/người/năm; Duy trì tỷ lệ hộ nghèo ≤ 3%; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ≤ 4,5%; Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch ≥ 90%; Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT ≥ 98%; Tỷ lệ việc làm qua đào tạo ≥ 75%.

Kết quả huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn NTM, có nhiều nguyên nhân, song qua thực tiễn xây dựng NTM ở huyện Cam Lộ có thể rút ra một số kinh nghiệm. Trước hết, có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở ngành, đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh. Huyện ủy, UBND huyện ban hành và chỉ đạo thực hiện bộ tiêu chí xây dựng xã, thị trấn và xây dựng xóm, tổ dân phố NTM phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020. Chương trình xây dựng NTM của huyện sát với thực tiễn đại phương, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, nhất là nông dân, từng bước phát huy hiệu quả rõ rệt trong đời sống xã hội. Huyện Cam Lộ lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở, gia đình là hạt nhân của cuộc vận động xây dựng NTM, đây là cách làm sáng tạo vận dụng quan điểm của Trung ương, của tỉnh vào điều kiện cụ thể địa phương.

Xây dựng kế hoạch xây dựng NTM phát triển và bền vững phải cụ thể, chi tiết, xác định rõ nguồn lực, đảm báo tính khả thi, phân công rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Xác định rõ những tiêu chí cần thực hiện kịp thời, những tiêu chí cần thực hiện lộ trình. Lấy phương châm “dân biết-dân bàn- dân làm- dân hưởng thụ” là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt. Đặc biệt, quan tâm đến những tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Có kế hoạch huy động hợp lý các nguồn lực để nâng cao chất lượng hạ tầng, phục vụ sản xuất; không đầu tư dàn trải quá khả năng của người dân cũng như ngân sách các cấp; đồng thời loại bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ hỗ trợ của người dân.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận cao trong xã hội; phát huy được nội lực, vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, trong đó người dân trực tiếp đề ra lộ trình “ xây dựng từ đồng về nhà, từ nhà ra xóm, từ xóm lên xã”, “xóm chịu trách nhiệm của xóm, xã chịu trách nhiệm của xã”. Huyện ủy làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện tháo gỡ những khó khăn từ cơ sở, tiếp thu, sửa đổi phù hợp với thực tiễn, sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm, phát hiện cách làm hay, ý tưởng sáng tạo trong nông thôn làm cơ sở nhân rộng, tạo sự lan tỏa qua phong trào chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh. N.Q.T

760 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 885
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 885
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87022863