Một số kiến thức và kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng xã hội 

Mạng xã hội (MXH) đã có từ khá lâu, nhưng phải đến năm 2004 khi Facebook ra đời, cộng đồng mạng Việt Nam mới tham gia một cách phổ biến. Cho đến thời điểm hiện tại, MXH phát triển nở rộ và thu hút được lượng người tham gia đông đảo với nhiều mạng lưới khác nhau.

Theo số liệu thống kê, đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Ngoài ra, số lượng người dùng mạng xã hội (MXH) đạt 70 triệu người, tương đương với 71% tổng dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu, tương đương với 164,0% tổng dân số. Có 6 mạng xã hội phổ biến nhất toàn cầu hiện tại gồm Facebook, Instagram, TikTok, WhatsApp, Twitter và Youtube. Theo kết quả khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal (Singapore), trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, TikTok và Youtube nhiều nhất thế giới - Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 6 (66,2 triệu người), 7 (50,6 triệu người) và 9 (63 triệu người). Chúng ta không thể phủ nhận những ích lợi to lớn mà Internet và mạng xã hội đã mang đến cho con người. MXH đã làm cuộc sống của con người hiện đại hơn, phát triển hơn, thông minh hơn, làm cho con người đến với nhau dễ dàng hơn và đây cũng là kho cung cấp tri thức của nhân loại. Tuy nhiên, cùng với những ích lợi to lớn ấy, Internet và mạng xã hội cũng mang đến nhiều tác hại, nếu chúng ta không biết khai thác và không biết cách kiểm soát chúng. Do vậy, khi tiếp cận với nền tảng này, chúng ta cần nắm rõ bộ quy tắc ứng xử và một số kỹ năng sử dụng MXH:

*Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Người dùng tài khoản trên mạng xã hội, cần nắm rõ một số quy định của pháp luật, như: Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội năm 2021, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nếu không có nhiều thời gian tìm hiểu, thì tối thiểu chúng ta cần nắm điều 4 của Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, gồm 8 khoản như sau:

1. Tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội. 

2. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.

3. Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

4. Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.

5. Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.

6. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

7. Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - Con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.

8. Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.

*Kỹ năng sử dụng mạng xã hội

Để khai thác những lợi ích, mặt tích cực, đồng thời hạn chế mặt trái do mạng xã hội đưa lại, chúng ta cần có những kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả và có văn hóa sau đây:

+ Bảo mật thông tin cá nhân  

Những thông tin như tên thật, tuổi, trường, lớp, địa chỉ nhà, ảnh cá nhân hay các loại mật khẩu là những thông tin cá nhân, cần được bảo mật, không nên chia sẻ những thông tin này trên mạng.

+ Suy nghĩ kỹ trước khi like, Share bất cứ điều gì

Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin giả, thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.... Một số đối tượng tung tin giả, sai sự thật trên Facebooker, Zalo... đã bị xử lý vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, có không ít người dùng mạng xã hội, do chủ quan hoặc thiếu kỹ năng kiểm chứng nguồn tin nên vội vàng tương tác, như: thích (like), bình luận (Comment), chia sẻ (Share) dẫn đến vi phạm pháp luật, vô tình tiếp tay cho kẻ xấu, bị cơ quan chức năng xử lý. Để tránh mắc phải các sai lầm không đáng có, chúng ta tìm hiểu kỹ thông tin trước khi chia sẻ, tránh tình trạng tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền tin giả.

+ Ứng xử văn minh trên mạng

Nhiều người nghĩ rằng mạng xã hội là ảo, có làm gì thì cũng không ảnh hưởng đến bản thân và người khác. Tuy nhiên, mạng cũng là một xã hội thu nhỏ, tất cả những điều chúng ta làm trên mạng đều có thể ảnh hưởng đến bản thân và mọi người. Vì vậy, hãy sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, không hùa theo cộng đồng mạng để chửi rủa, miệt thị người khác; nếu có điều gì buồn bực hay bất đồng quan điểm với bạn bè, người thân, chúng ta hãy chọn cách nói chuyện trực tiếp để cùng nhau đưa ra cách giải quyết phù hợp. Mạng xã hội là ảo nhưng nỗi đau là thật, đừng để một dòng chữ trong lúc không suy nghĩ làm ảnh hưởng đến cuộc đời của một con người.

+ Nhận biết các dạng lừa đảo qua mạng

Hiện này có rất nhiều dạng lừa đảo qua mạng. Kẻ xấu có thể tạo một tài khoản ảo, kết bạn và trò chuyện với chúng ta để lấy lòng tin sau đó dò hỏi những thông tin của cá nhân. Kẻ xấu có thể đóng vai một người bạn, muốn chúng ta cung cấp thông tin để gửi quà. Tuy nhiên, chúng ta cần luôn nhớ nguyên tắc “không chia sẻ thông tin cá nhân”, đặc biệt là chia sẻ trên mạng xã hội để không trở thành nạn nhân của lừa đảo. Bên cạnh đó, cũng cần cẩn thận với các trò chơi trúng thưởng, không nên nhấn vào đường link lạ để tránh bị mất tài khoản hay bị đánh cắp thông tin.

+ Giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội

Bản thân chúng ta cần lên một thời gian biểu khoa học, thống nhất và giới hạn thời gian làm việc, học tập, thể giao, giải trí và sử dụng MXH. Chúng ta chỉ nên sử dụng khi có điều cần trao đổi thông tin, hoặc sử dụng mạng xã hội cho mục đích tìm kiếm thông tin, tài liệu phục vụ cho công việc, học tập, giải trí sau khi đã hoàn thành các việc cần thiết./. Đăng Khoa – Tổng hợp

 

 

309 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 472
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 472
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87009975