Một số kết quả và kinh nghiệm qua 5 năm thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” (2013 - 2018) ở Sư đoàn 968 - Quân khu 4 

Công tác giáo dục chính trị tại đơn vị là một hình thức cơ bản của công tác tư tưởng văn hóa, một nội dung cơ bản của nhiệm vụ huấn luyện bộ đội, có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của quân nhân.

Nhận thức rõ điều đó, trong 5 năm qua, sau khi có Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” (2013-2018), Đảng ủy Sư đoàn 968 và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã có nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị như: Đổi mới chương trình, nội dung giáo dục chính trị gắn với đổi mới các hình thức, phương pháp giáo dục chính trị sát với từng đối tượng; đổi mới tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, hội thi, hội thao; tăng cường củng cố, bổ sung các trang bị, vật tư phục vụ công tác giáo dục chính trị. Trong quá trình tổ chức thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả, nổi lên trong đó: Ở Trung đoàn 19 (đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới) lịch học tập chính trị của các đại đội được bố trí lên lớp xoay vòng lần lượt các ngày trong tuần để bảo đảm 100% các đại đội được học tập trong hội trường và có sử dụng phương tiện trình chiếu powerpoint; nội dung giáo dục thường xuyên cập nhật các văn bản, chỉ thị, nghị quyết, quy định của các cấp và các thông tin mới, kết cấu bài giảng ngắn gọn sát từng đối tượng và nhiệm vụ đơn vị, bảo đảm dễ hiểu, dễ nhớ, trang bị cho bộ đội những kiến thức cơ bản nhất, làm chuyển biến căn bản về nhận thức, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ; kết hợp giáo dục cơ bản với giáo dục pháp luật, giáo dục chung với giáo dục riêng, giáo dục định hướng các chuẩn mực về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tiêu chí “xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới; hàng năm, Sư đoàn tổ chức biên soạn và xuất bản hơn 1.200 cuốn “Sổ tay chiến sĩ” có nội dung toàn diện, cô đọng những kiến thức cơ bản nhất cấp cho 100% cán bộ mới ra trường và chiến sĩ trong toàn Sư đoàn; các cơ quan, đơn vị chú trọng triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật bằng nhiều hình thức giáo dục bổ trợ bảo đảm phong phú, hiệu quả và có sự sáng tạo cao như: Sinh hoạt chính trị tư tưởng; sân khấu hoá về pháp luật, kỷ luật; củng cố, nâng cấp tủ sách, ngăn sách pháp luật, cặp sách pháp luật; mô hình chiến sĩ giới thiệu pháp luật cho nhau nghe; mô hình “mỗi tuần một điều luật, mỗi ngày một câu hỏi pháp luật”, tổ tư vấn tâm lý, pháp lý ở đại đội; thực hiện ngày pháp luật ở đơn vị; hộp thư góp ý ở các đơn vị… qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ.

Đặc biệt sau khi có Đề án và được trang bị phương tiện, Sư đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới phương pháp lên lớp truyền thống kết hợp phương pháp hiện đại, giữa thuyết trình, giảng giải của giáo viên và trao đổi, đàm thoại với người học; tiến hành giáo dục chính trị bằng các hình ảnh, mô hình, sơ đồ trực quan, sinh động; tổ chức cho chiến sĩ mới tham quan Nhà Truyền thống Sư đoàn, di tích lịch sử trên địa bàn đơn vị đóng quân; kết hợp giáo dục chính trị với nói chuyện truyền thống, mời các đồng chí cựu chiến binh Sư đoàn nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ; 100% các bài giảng chính trị có thiết kế giáo án điện tử, kết hợp với hình ảnh, băng, đĩa hình, phim tài liệu để truyền tải, khái quát, làm rõ nội dung bài học; coi trọng kết hợp phương pháp trao đổi, thảo luận trong quá trình lên lớp, ôn luyện và thảo luận tại tổ học tập nhằm kích thích tính tích cực của người học; hình thức, phương pháp kiểm tra được chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm để đánh giá cả độ rộng và chiều sâu nhận thức bộ đội. Bên cạnh đó, hàng năm, trước khi bước vào huấn luyện Sư đoàn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ chính trị nói riêng bảo đảm chặt chẽ, chất lượng; nội dung bồi dưỡng, tập huấn toàn diện cả về phẩm chất, trình độ năng lực thực hiện nhiệm vụ, trọng tâm là kỹ năng tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là những vấn đề mới, những vấn đề chưa thống nhất hoặc còn vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng cán bộ qua các buổi thông qua giáo án, bình giảng, dự giảng…Từ những đổi mới về công tác giáo dục chính trị tại đơn vị, trong những năm qua Sư đoàn luôn giành những kết quả và thành tích xuất sắc trong hội thi, hội thao cấp trên tổ chức (Tham gia hội thi cán bộ giảng dạy chính trị giỏi cấp Quân khu năm 2013 đạt 01 giải Nhất và 01 giải Nhì, năm 2018 đạt 02 giải Nhất 01 giải Ba; tham gia hội thi cán bộ giảng dạy chính trị toàn quân năm 2018 đạt 01 giải Nhất và 01 giải Ba); kết quả kiểm tra nhận thức chính trị hàng năm cho các đối tượng 100% đạt yêu cầu, có trên 80% khá giỏi. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, trong nước, những tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường và điều kiện cường độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đòi hỏi ngày càng cao, nhưng tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn luôn có bản lĩnh kiên định vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Quân đội, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Chiến sĩ mới và đoàn viên thanh niên kết nghĩa trên địa bàn tham quan, học tập lịch sử tại Nhà truyền thống Sư đoàn 968

Từ những kết quả đã đạt được trong thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” (2013- 2018), Đảng uỷ Sư đoàn 968 đã rút ra một số kinh nghiệm đó là:

Một là, phát huy tốt vai trò trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy và cơ quan chính trị trong thực hiện Đề án. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp phải quán triệt, thực hiện đúng Quy chế, quy định về lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tại đơn vị; tập trung thực hiện tốt Chỉ thị 124-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương. Cùng với đó, phải đưa việc lãnh đạo, tổ chức giáo dục chính trị vào Quy chế, nghị quyết lãnh đạo thường kỳ của cấp ủy, chi bộ, kế hoạch công tác của chính trị viên và người chỉ huy; khắc phục triệt để biểu hiện “giao khoán” cho cơ quan chính trị, cán bộ chính trị; mặt khác, phải xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan chính trị và các cơ quan khác, nhằm phát huy có hiệu quả trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong công tác giáo dục chính trị bảo đảm thống nhất và không bị chồng chéo.

Hai là, nâng cao năng lực, trình độ toàn diện của đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị có kiến thức toàn diện, phương pháp, kỹ năng sư phạm tốt, động viên tính tích cực tự giác, tinh thần tự học tập nâng cao chất lượng dạy và học; duy trì hiệu quả nền nếp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, tổ chức hội thi, hội thao, dự giờ, bình giảng; tổ chức tốt việc học bù, học vét cho các đối tượng, bảo đảm 100% cán bộ, chiến sỹ được tham gia học tập. Đội ngũ cán bộ chính trị phải tích cực tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, phương pháp giảng dạy và kỹ năng sư phạm; tập trung khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về chất lượng chuẩn bị và thông qua giáo án, bài giảng, tổ chức thảo luận ở tổ.

Ba là, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, hình thức giáo dục chính trị phù hợp với từng đối tượng đạt chất lượng cao. Bám sát kế hoạch giáo dục chính trị của Quân khu, xây dựng Chương trình, nội dung giáo dục chính trị bảo đảm toàn diện, cân đối kiến thức, vận dụng các hình thức, phương pháp giáo dục sát từng đối tượng; coi trọng và xác định nội dung cơ bản, thiết thực, tập trung vào giáo dục quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước; nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; giáo dục ý thức xây dựng chính quy chấp hành kỷ luật, bồi dưỡng kỹ năng sống và phương pháp xử lý các tình huống, tư tưởng nảy sinh trong quản lý bộ đội; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, truyền thống của quân đội, đơn vị gắn với tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị với đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên và giáo dục truyền thống, xây dựng niềm tin, lối sống lành mạnh cho cán bộ, chiến sỹ.

 Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt Ngày chính trị - văn hoá - tinh thần; tăng cường sinh hoạt đối thoại dân chủ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa chỉ huy, cơ quan chuyên môn với cán bộ, chiến sĩ; mở rộng, phát huy hiệu quả của “Hòm thư góp ý” ở đơn vị cơ sở; tổ chức nhiều hình thức giao lưu văn hoá, hoạt động thể thao; đề cao vai trò của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức Ngày chính trị -văn hoá - tinh thần ở đơn vị. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng; chăm lo xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, cởi mở, động viên tinh thần hăng say, thi đua học tập, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ.

Bốn là, nâng cao chất lượng công tác bảo đảm cơ sở vật chất và kinh phí cho công tác giáo dục chính trị. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chi bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo; vai trò của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy các cấp thực hiện tốt việc phân bổ bảo đảm tiêu chuẩn, định mức ngân sách hàng năm cho công tác giáo dục chính trị tại đơn vị. Phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí bảo đảm công tác giáo dục chính trị; quan tâm phát huy nội lực, tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện kỹ thuật, tài liệu phục vụ công tác giáo dục chính trị.

Năm là, phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng trong đơn vị cùng tham gia thực hiện Đề án, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và gia đình để giáo dục quân nhân. Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, đối thoại, tọa đàm, giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nắm chắc và hiểu sâu nhiệm vụ, truyền thống quân đội, đơn vị; xác định tốt trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Tăng cường kiểm tra thực hiện chế độ nền nếp giáo dục chính trị ở các cấp, nâng cao chất lượng giáo dục chung gắn với đầu tư xây dựng điểm; đổi mới công tác kiểm tra đánh giá kết quả công tác giáo dục chính trị, kiểm tra nhận thức sát với từng đối tượng; định kỳ sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, tìm ra những giải pháp đưa công tác giáo dục chính trị ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả vững chắc. Nguyễn Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

1004 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 755
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 755
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87029610