Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2017- 2019, ước đạt trên 5,07%. Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch đúng định hướng. Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp hàng năm tăng. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được chú trọng đã góp phần tăng số lượng, năng suất và chất lượng sản phẩm. Đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.
Trong lĩnh vực trồng trọt, hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, liên kết bao tiêu sản phẩm có hiệu quả như: mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sâm Bố Chính tại Gio An với diện tích 3 ha; mô hình sản xuất mướp đắng trong nhà lưới quy mô 2 ha, với 30 hộ tham gia tại HTX Lại An (Gio Mỹ) theo hướng sản xuất an toàn, năng suất đạt 20-30 tấn/ha cho thu nhập bình quân 300- 400 triệu đồng/ha; mô hình trồng rau xà lách xoong tại xã Gio An với quy mô 8 ha, đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm;...Vùng nguyên liệu lúa tại xã Gio Quang cung cấp gạo cho nhà máy Bia Hà Nội tại Khu Công nghiệp Quán Ngang.
Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại, ứng dụng công nghệ sinh học. Toàn huyện có 12 trang trại chăn nuôi, trong đó 03 mô hình trang trại chăn nuôi liên kết với các công ty thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, có 02 mô hình chăn nuôi bò thịt đang được xây dựng với quy mô từ 100 con trở lên.
Diện tích rừng hiện có 21.467,6 ha. Độ che phủ rừng giữ ổn định 54%, cao hơn tỷ lệ độ che phủ rừng của toàn tỉnh. Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được chú trọng. Bình quân mỗi năm trồng được 300 ha rừng trồng tập trung và 15 vạn cây phân tán.
Ngành thủy sản ngày càng phát triển, là huyện có đội tàu cá mạnh nhất tỉnh. Giá trị ngành thủy sản năm 2019 ước đạt 39,4% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp. Toàn huyện có 939 tàu thuyền cơ giới khai thác thủy sản và dịch vụ, tăng 53 tàu so với năm 2017, với tổng công suất 78.914CV, trong đó có 169 tàu xa bờ. Tất cả tàu cá xa bờ đều được lắp đặt máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị vệ tinh (GPS). Dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Một số mô hình như: nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ứng dụng công nghệ mới 02 giai đoạn, nuôi tôm xen ghép ở Trung Giang đạt hiệu quả cao.
Kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX tiếp tục được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động. Đến nay, toàn huyện có 34 HTX nông nghiệp. Trong đó, một số HTX liên kết tốt với doanh nghiệp để thực hiện dịch vụ từ đầu vào sản xuất đến đầu ra tiêu thụ sản phẩm, điển hình như HTX Phước Thị (Gio Mỹ). Loại hình tổ hợp tác hoạt động khá hiệu quả, toàn huyện có 196 Tổ hợp tác với 7.167 tổ viên, trong đó có 71 THT đã được chứng thực.
Dịch vụ chế biến nông, lâm, thủy sản phân bố rộng khắp, đáp ứng cơ bản nhu cầu của nông dân. Trên địa bàn huyện hiện có 01 nhà máy chế biến mủ cao su thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị, là nơi tiêu thụ mủ tươi cho người trồng cao su tiểu điền vùng Tây của huyện. Ngoài ra, còn có 195 cơ sở chế biến nông sản như lúa gạo, tinh bột nghệ, tinh bột sắn, 37 điểm giết mổ gia súc, gia cầm với quy mô hộ gia đình; 128 cơ sở hấp sấy cá; 10 cơ sở chế biến nước mắm với quy mô lớn; 177 cơ sở chế biến gỗ từ rừng trồng; 16 làng có nghề truyền thống, tạo việc làm ổn định thường xuyên cho hơn 1.930 lao động.
Các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, dịch vụ cung ứng vật tư giống cây trồng, phân bón, khuyến nông- khuyến lâm, thú y, bảo vệ thực vật... khá phát triển với 27 cơ sở kinh doanh, dịch vụ đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Công tác phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm. Giai đoạn 2017-2018, tổ chức được 29 lớp học nghề với 1.347 học viên. Các nghề được đào tạo chủ yếu là nuôi gà, vịt, cá nước ngọt, kỹ thuật trồng nấm, nuôi ong lấy mật, trồng ném, cây dược liệu, trồng và chăm sóc cây cao su.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng nhìn chung quy mô sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Gio Linh chủ yếu là nhỏ. Năng suất, chất lượng nông sản còn thấp. Chưa có nhiều nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Kinh tế hợp tác, trang trại phát triển chậm. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ít. Công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong tổ chức, chỉ đạo phát triển nông nghiệp chưa đồng bộ và thiếu sự kết nối...
Để ngành nông nghiệp Gio Linh tiếp tục phát triển, trong thời gian tới các ngành, các cấp trên địa bàn huyện cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh và huyện liên quan tái cơ cấu nông nghiệp đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành nông nghiệp; quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất đảm bảo phát triển bền vững. Tiếp tục thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn. Thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất để thực hiện các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; chế biến nông sản, thủy sản đảm bảo an toàn. Tiếp tục ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ mới. Đồng thời, nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản.
Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản. Tiếp tục duy trì và phát triển các cây, con chủ lực theo hướng xây liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Xây dựng trang thông tin điện tử về sản phẩm nông nghiệp của huyện. Tổ chức hội chợ, bình chọn sản phẩm tiêu biểu. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước. Kêu gọi và đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và bao tiêu nông sản.
Nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ đầu vào, chế biến nông sản và tiếp cận thị trường. Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã kiểu mới. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc sản xuất, tiêu thụ nông sản. Hồng Bốn