Với mục đích trợ giúp kịp thời, trực tiếp cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, huyện Đakrông đã tích cực triển khai thực hiện cuộc vận động “mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và đạt được những kết quả thiết thực. Sau 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do TW Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam phát động, cuộc vận động ngày được lan tỏa trong đời sống xã hội, không chỉ là cầu nối giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống mà còn góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phát huy tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng.
Xác định rõ tầm quan trọng của cuộc vận động “mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, hàng năm, huyện Đakrông ban hành chương trình, kế hoạch để chỉ đạo triển khai thực hiện; tổ chức quán triệt việc đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp vào chương trình hoạt động của các cấp, các ngành trong huyện để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Kết quả sau 10 năm thực hiện cuộc vận động “mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, huyện Đakrông đã vận động được 177 lượt tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp đỡ cho 445 địa chỉ nhân đạo, với tổng trị giá 2.893.100.000 đồng.Trong đó, trợ giúp bằng hình thức hỗ trợ tiền mặt hàng tháng, quý, năm là 283 địa chỉ, với tổng số tiền 1.175.100.000 đồng, bình quân khoảng 180.000 đồng/1tháng/ 1 địa chỉ; trợ giúp bằng hình thức tặng sổ tiết kiệm: 01 địa chỉ, với số tiền 3000.000 đồng; trợ giúp bằng hình thức hỗ trợ xây mới nhà ở là 18 địa chỉ, với số tiền 900.000.000 đồng; trợ giúp bằng hình thức hỗ trợ vốn sinh kế (bò, dê) là 143 địa chỉ, với tổng trị giá 815.000.000 đồng.
Từ tình hình thực tế triển khai cuộc vận động, từ nhu cầu cuộc sống của những người có hoàn cảnh khó khăn, cuộc vận động đã phát huy tối đa mọi nguồn lực, nhân lực trong và ngoài huyện bằng những việc làm, hình thức cụ thể, thông qua các mô hình “Ngân hàng bò- chung sức cùng huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới”, mô hình “hỗ trợ vốn sinh kế” cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người nghèo; mô hình “vì bạn xứng đáng”, “học bổng thắp sáng ước mơ” tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên nghèo vững bước đến trường; mô hình “Nồi cháo tình thương” hỗ trợ cho người nghèo đang nằm điều trị tại bệnh viện; mô hình “khám bệnh và cấp thuốc miễn phí” chăm sóc, bảo vệ cho người nghèo; mô hình hỗ trợ “Nhà ở cho người nghèo” và nhiều mô hình trong các chương trình kết nối các mạnh thường quân để trợ giúp thiết thực và có hiệu quả.
Với những kết quả đạt được trên đã chứng tỏ cuộc vận động có sức lan toả trong cộng đồng, đi vào chiều sâu, thu hút sự tham gia của nhiều nhà hảo tâm và Nhân dân. Những “tấm lòng vàng” đó đã trợ giúp kịp thời, chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần tích cực vào đảm bảo chính sách an sinh xã hội, xoá nghèo bền vững của huyện. Thủy Phương