Một số kết quả sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” 

Tỉnh Quảng Trị thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 4.746,4 km², dân số 633.440 người (tính đến ngày 30/12/2019), trong đó khoảng 13,8% dân số là người dân tộc thiểu số; 17,2% dân số là tín đồ các tôn giáo (Phật giáo, Công giáo và Tin lành). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là một địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước, là nơi trực tiếp gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, trong đó có chất độc hóa học do Mỹ sử dụng ở Việt Nam với quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Chiến tranh đã đi qua hơn 45 năm nhưng hậu quả của chất độc da cam vẫn tiếp tục ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái, hủy hoại sức khỏe hàng chục nghìn người trên địa bàn tỉnh. Các nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam đang từng ngày, từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, đang chết dần, chết mòn bởi những căn bệnh quái ác, nhiều phụ nữ không còn cơ hội làm vợ, làm mẹ, trẻ em sinh ra không đủ hình hài, không được quyền sống, quyền làm người. Nhìn chung, phần lớn hộ gia đình có nạn nhân chất độc da cam có mức sống trung bình hoặc nghèo, đặc biệt là nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số thì càng khó khăn hơn, một bộ phận thường có mặc cảm với xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái thường là người chịu thiệt thòi nhất.

Theo điều tra, khảo sát của Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có trên 7.000 hộ có nạn nhân chất độc da cam với 9.016 người bị nhiễm chất độc da cam (trong đó người có công bị nhiễm là 5.178 người, dân thường bị nhiễm là 3.838 người).

Do vậy, việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học và chăm sóc giúp đỡ nạn nhân CĐDC/Dioxin là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đặc biệt từ sau khi có Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong tỉnh đã chăm lo tốt hơn đối với nạn nhân CĐDC/Dioxin, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

Để tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 43-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 680-CV/TU, ngày 13/8/2015 “Về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI”, trong đó yêu cầu các Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, các huyện, thị, thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh (nay đã hợp nhất với Hội Người khuyết tật tỉnh, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh theo Quyết định số 2074/QĐ-UBND ngày 01/8/2017 của UBND tỉnh thành Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh) tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 43-CT/TW. Cấp ủy đảng các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đưa công tác này vào chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị; chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc khắc phục hậu quả thảm họa da cam; quan tâm giải quyết chính sách, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Các cấp chính quyền đã cụ thể hóa thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1794/QĐ-UBND, ngày 01/8/2016 phê duyệt kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020, với tổng số kinh phí thực hiện là 57 tỷ đồng, trong đó giao 14 cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện, định kỳ ngày 25/11 hàng năm báo cáo về UBND tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Chuyển Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh sang trực thuộc Tỉnh Hội tại Quyết định số 1499/QĐ-UBND, ngày 01/7/2016. Phối hợp với Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) triển khai dự án “Hỗ trợ, nâng cao chất lượng sống người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” trên địa bàn tỉnh. Chính quyền các cấp luôn quan tâm chăm lo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, tạo điều kiện cho nạn nhân chất độc da cam giám định y khoa để hưởng chế độ, chính sách (nếu đủ điều kiện); giải quyết kịp thời đơn thư kiến nghị của công dân có liên quan đến thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam; tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng. Đồng thời, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ủng hộ, giúp đỡ, động viên và có chính sách hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nạn nhân chất độc da cam; quan tâm xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn sản xuất, thăm và tặng quà nhân ngày lễ, tết, tạo điều kiện cho nạn nhân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững, qua đó góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, giúp đỡ nạn nhân và gia đình vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Tính đến nay, Quảng Trị đã giải quyết chế độ cho hơn 4.500 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Đối với người dân và các đối tượng khác bị nhiễm chất độc hóa học cũng được Nhà nước có chính sách theo nhóm xã hội về bảo trợ xã hội như người khuyết tật, người nghèo, trợ cấp xã hội hàng tháng, trợ cấp đột xuất, hỗ trợ nhà ở, các phương tiện đi lại, hỗ trợ học văn hóa, học nghề và tìm kiếm việc làm. Quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí, hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện để các cấp hội hoạt động có hiệu quả, đồng thời chỉ đạo sắp xếp, kiện toàn, củng cố tổ chức, cán bộ hội; cân nhắc chọn lựa, bố trí cán bộ nghỉ hưu có uy tín, kinh nghiệm, hiểu biết về lĩnh vực xã hội, nhân đạo, từ thiện làm công tác hội. UBND tỉnh phân công Sở Nội vụ là cơ quan tham mưu trực tiếp giúp UBND tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về hội; kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức quốc tế hiểu rõ thảm họa chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc khắc phục hậu quả thản họa da cam, tham gia chăm sóc và giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; các phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Đền ơn đáp nghĩa”, chương trình “Nối vòng tay nhân ái”,…Các hoạt động nhân đạo, từ thiện như: tổ chức tặng quà; khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà tình nghĩa, nhà tình thương; hỗ trợ vốn sản xuất; đào tạo nghề, giải quyết việc làm... cho nạn nhân chất độc da cam, đã thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia. Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ, các phong trào, các cuộc vận động giữa Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể với các cấp Hội trong tỉnh đạt được những kết quả tích cực; triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học một cách kịp thời, hiệu quả theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, ngày 09/4/2013 của Chính phủ “Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng” và Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTB&XH, ngày 30/6/2016 của liên Bộ Y tế - Lao động, Thương binh và Xã hội “Hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ”. Thông qua công tác phối hợp đã tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động từ thiện, nhân đạo, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, kế hoạch chỉ đạo công tác tổ chức của hội và việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học. Các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hình thức vận động nguồn lực như tổ chức sự kiện để vận động tài trợ; gửi thư ngõ, lời kêu gọi trên các phương tiện thông tin đại chúng; lập dự án tìm nhà tài trợ... Đặc biệt, hàng năm, nhất là năm chẵn kỷ niệm ngày thảm họa da cam, Hội tham mưu UBND tỉnh ban hành Thư ngõ để kêu gọi, huy động nguồn lực (nhân dịp kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam trên địa bàn tỉnh (1961 - 2016) đã vận động được 2.614.487.000 đồng). Trong 05 năm qua (2015 - 2020), đã vận động được 21 tỷ 820 triệu đồng (cả tiền và hiện vật) và xây dựng 01 Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân da cam/dioxin tỉnh gần 11 tỷ đồng do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam hỗ trợ 01 tỷ đồng. Số tiền và hiện vật vận động được chủ yếu chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nạn nhân da cam. Ngoài ra, một phần hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp với khả năng và điều kiện sức khỏe của nạn nhân da cam. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây nhà và sửa chữa nhà cho hộ nạn nhân da cam không có nhà ở hoặc nhà ở dột nát, hư hỏng nặng.

Có thể khẳng định rằng, qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụngtrong chiến tranh ở Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nạn nhân chất độc da cam, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Thủy Phương

846 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 947
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 947
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87015364