Một số kết quả quan trọng sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 trên toàn quốc 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện kể cả ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới và hải đảo; môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp hơn; giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy, an ninh chính trị được giữ vững; nhiều vùng nông thôn trở thành nơi đáng sống. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Tính chung trong 10 năm (2011- 2020), cả nước đã huy động được khoảng 2.967.057 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình là 402.854 tỷ đồng (bình quân khoảng 45,25 tỷ đồng/xã), chiếm 13,6%. Các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch và bố trí vốn để thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội và Chính phủ.

 Đến hết quý I/2020, cả nước đã có 5.064 xã (chiếm 57%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 39% so với cuối năm 2015 và vượt 7% so với mục tiêu 10 năm (2010 - 2020). Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng đạt 90.7%, miền núi phía Bắc đạt 32%, đồng bằng sông Cửu Long đạt 51,6%; có 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành sớm và vượt mục tiêu 05 năm được Thủ tướng Chính phủ giao, có 109/125 xã đặc biệt khó khăn hoàn thành Chương trình 135 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 09 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ. Bình quân cả nước đạt 15,7 tiêu chí/xã, tăng 2,7 tiêu chí so với cuối năm 2015. Cả nước đã có 124 đơn vị cấp huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 04 huyện (Hải Hậu của tỉnh Nam Định; Nam Đàn của tỉnh Nghệ An; Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng và Xuân Lộc của tỉnh Đồng Nai) được Ban chỉ đạo Trung ương chọn thí điểm để tổng kết, đánh giá phục vụ và xây dựng tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn sau năm 2020.

Tuy đạt được những kết quả quan trọng nhưng nhìn chung, kết quả xây dựng nông thôn mới của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, vẫn còn khoảng cách chênh lệch về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền. Một số vùng tỷ lệ xã đạt nông thôn mới cao, như vùng đồng bằng Sông Hồng (90,7%), Đông Nam Bộ (79,2%), trong khi đó một số vùng tỷ lệ xã đạt nông thôn mới còn thấp như miền núi phía Bắc (31,9%), Tây Nguyên (43,5%). Một số địa phương có tỷ lệ xã đạt chuẩn rất thấp dưới 25% như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum…

Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế. Chất lượng công trình hạ tầng cơ sở sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Môi trường nông thôn chưa thực sự chuyển biến rõ nét, vẫn là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương, nhất là trong việc xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, chất thải của các khu công nghiệp, làng nghề. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống ở một số địa phương đang dần bị mai một, các tệ nạn xã như ma túy, cờ bạc, trộm cắp… ở nông thôn vẫn diễn biến phức tạp. Vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư nông thôn chưa thực sự được phát huy; chưa khơi dậy được tinh thần tự nguyện và nguồn lực của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. TL-VPTU

890 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 501
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 501
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88309644