Trong giai đoạn 2009 - 2018, tỉnh Quảng Trị đã triển khai lồng ghép và phát huy có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Từ nguồn vốn dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại huyện nghèo Đakrông (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ) với tổng kinh phí 368.574 triệu đồng đã triển khai đầu tư xây dựng 65 công trình trên địa bàn huyện Đakrông[1]. Từ nguồn vốn dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển với tổng kinh phí 144.236 triệu đồng đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 116 công trình hạ tầng thiết yếu tại các xã đặc biệt khó khăn ven biển bãi ngang và huyện Đảo Cồn Cỏ[2]. Từ nguồn vốn dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135) với tổng kinh phí 220.453 triệu đồng đã thực hiện hỗ trợ đầu tư 174 công trình cơ sở hạ tầng tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi[3]. Tính đến nay, có 100% số xã vùng dân tộc miền núi đã có đường giao thông về đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế; phần lớn các thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% các xã đều có công trình thuỷ lợi nhỏ, 100% xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, các trường học đều được xây dựng kiên cố và 100% xã có trường tiểu học.
Nhìn chung, các công trình được đầu tư xây dựng đã cơ bản đáp ứng những nhu cầu thiết yếu trong sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng nông thôn. Bộ mặt vùng nông thôn thay đổi đáng kể.
Qua triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch 5 năm gắn với công tác xoá đói giảm nghèo thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh nói chung và vùng nông thôn nói riêng giảm dần qua từng năm (tính theo chuẩn nghèo của từng giai đoạn). Trong 10 năm qua (2008 - 2017), tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã giảm bình quân 3,02%/năm (đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là giảm trên 3%/năm). Cụ thể:
Theo chuẩn nghèo của giai đoạn 2008 - 2010[4]: tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn giảm từ 18,68% (22.498 hộ nghèo) cuối năm 2008 xuống còn 12,42% (15.423 hộ nghèo) cuối năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh qua 02 năm (2008 - 2010) bình quân giảm là 3,13%/năm.
Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015[5]: tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn giảm từ 24,90% (27.594 hộ nghèo) đầu năm 2011 xuống còn 8,52% (12.741 hộ nghèo) cuối năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 bình quân giảm là 3,27%/năm.
Giai đoạn 2016-2020, hộ nghèo, cận nghèo thực hiện theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều quy định tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020[6].
Theo số liệu điều tra, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đầu năm 2016 chiếm 15,43% với 24.579 hộ; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn là 18,90% với 21.498 hộ. Cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 11,52% với 19.541 hộ nghèo; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn giảm 4,65% (bình quân giảm là 2,32%/năm) với 4.269 hộ. Hiện nay khu vực nông thôn còn 17.229 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,25%.
Đó là những con số thể hiện kết quả quan trọng của công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh ta. Tuy nhiên, hiện nay, hiện tượng tái nghèo có chiều hướng gia tăng; nhận thức của người dân, thậm chí của một số cán bộ vùng khó khăn vẫn chưa thay đổi, còn ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo. Hơn nữa, trong công tác đầu tư, vẫn tập trung đầu tư cho hạ tầng, chưa tập trung nhiều cho đầu tư phát triển sản xuất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm nghèo không bền vững.
Chính vì vậy, bên cạnh việc tập trung triển khai đồng bộ, lồng ghép các chương trình, đề án và các chính sách của Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động thoát nghèo, vươn lên làm giàu, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tiếp tục huy động các nguồn lực về vốn, lao động, tập trung đầu tư phát triển sản xuất, nhằm phát huy các lợi thế của từng địa phương, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân, phấn đấu đạt mức giảm tỷ lệ hộ nghèo cho giai đoạn 2016 – 2020 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.[7] TL
[1] 04 công trình cấp huyện và 61 công trình cấp xã
[2] 72 công trình đường ra bến cá, đường giao thông nông thôn; 07 công trình chợ cá; 05 công trình kè chắn chống xói lỡ, kênh tiêu nước; 01 công trình khu neo đậu thuyền cá; 12 công trình trường học; 04 công trình trạm y tế; 03 công trình điện sinh hoạt; 12 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng
[3] 121 công trình giao thông nông thôn; 04 công trình thủy lợi; 15 công trình trường học; 05 công trình điện sinh hoạt; 08 công trình nước sinh hoạt; 15 công trình trung tâm học tập cộng đồng; 06 công trình trạm y tế
[4] Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 8/7/2005: Hộ nghèo khu vực nông thôn: là những hộ có mức thu nhập bình quân từ 200.000 đồng/người/tháng trở xuống; Hộ nghèo khu vực thành thị: là những hộ có mức thu nhập bình quân từ 260.000 đồng/người/tháng trở xuống.
[5] Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011:
- Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống; Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống;
- Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng.; Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.
[6] Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015
1. Hộ nghèo
a) Khu vực nông thôn: là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:
- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống;
- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
b) Khu vực thành thị: là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:
- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống;
- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
2. Hộ cận nghèo
a) Khu vực nông thôn: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
b) Khu vực thành thị: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
[7] Mức giảm tỷ lệ hồ nghèo bình quân hàng năm giai đoạn 2016 – 2020 đạt 1,5 – 2%.