Một số kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên cả nước 

Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công trực tuyến được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở. 63/63 địa phương đã ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Nhận thức và hành động về nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến có nhiều chuyển biến tích cực. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính tăng từ 90% năm 2022 lên 93% đến tháng 8/2024. Theo đánh giá của Liên hợp quốc năm 2022, dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam xếp hạng 76/193, tăng 5 bậc so với năm 2020; dữ liệu mở xếp hạng 87/193, tăng 10 bậc so với năm 2020.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa được triển khai tích cực. Thủ tục hành chính, quy định kinh doanh tiếp tục được cắt giảm, đơn giản hóa; số lượng và chất lượng dịch vụ công trực tuyến được nâng lên. Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3.000 quy định kinh doanh; phân cấp cho địa phương gần 700 thủ tục hành chính. Từ năm 2021 đến nay, đã cung cấp thêm gần 1.800 dịch vụ công trực tuyến, đạt 4.400 dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 70% tổng số thủ tục hành chính.

Hạ tầng số, nền tảng số, thiết bị, công nghệ chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp được quan tâm đầu tư. 100% cơ quan nhà nước đã được triển khai mạng Truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã để trao đổi, chia sẻ dữ liệu. 100% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

Tích cực triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia, tạo thuận lợi thương mại sẵn sàng thực hiện hải quan số. Việt Nam đang triển khai kết nối và trao đổi tờ khai hải quan ASEAN với 8 nước thành viên ASEAN; tạo tiền đề để tiếp tục kết nối với Hàn Quốc, Liên bang Nga, New Zealand. Cơ chế một cửa quốc gia đã cung cấp 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với sự tham gia của trên 70.000 doanh nghiệp; hàng triệu bộ hồ sơ hành chính được xử lý trên môi trường điện tử, rút ngắn thời gian và giảm chi phí thông quan.

Bên cạnh đó, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn một số tồn tại, hạn chế: Cải cách thủ tục hành chính vẫn còn chậm, thủ tục còn rườm rà. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa chuyển biến rõ nét; kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến không đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị. Nhiều dịch vụ công trực tuyến chưa được người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều hoặc chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp toàn trình. Triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia còn nhiều bất cập. Nhân lực số, hạ tầng số chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có đột phá. Tình hình hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền tăng mạnh. Công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội nhằm thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến nhiều lúc, nhiều nơi chưa được coi trọng…

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến ngày 31/8/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương  triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó rà soát, phát hiện, kịp thời sửa đổi, bổ sung những bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống các quy định và văn bản quy phạm pháp luật và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để tạo hành lang pháp lý trong triển khai, thực hiện nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy, khơi thông mọi nguồn lực, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các quy định kinh doanh, thủ tục hành chính; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ (cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% thủ tục hành chính và cắt giảm ít nhất 50% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính nội bộ) và chuyển đổi mạnh mẽ sang xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử.

Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến; rà soát, đánh giá lại, đổi mới cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về mức độ, thuận lợi, đơn giản, thân thiện với người dùng. Thực hiện thành công các nhiệm vụ đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Hoàn thành cung cấp toàn bộ 53/53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.

Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng, hoàn thành, đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo hướng người dân chỉ cung cấp thông tin một lần cho các cơ quan nhà nước.

Tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số với phát triển đất nước nhanh, toàn diện, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo đảm hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân./. Thu Thủy (tổng hợp)

70 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 695
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 695
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 85295930