Năm 2017, trồng rừng tập trung đạt 227.245 ha, vượt kế hoạch đề ra, trong đó trồng rừng sản xuất là 204.619 ha, rừng phòng hộ, đặc dụng là 15.135 ha, đạt 100,9% kế hoạch năm. Năm 2018, trồng rừng tập trung đạt 231.523 ha, đạt 118,7% kế hoạch; 10 tháng đầu năm 2019, trồng được 158.179 ha, bằng 74,5% kế hoạch năm.
Công tác quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và giao rừng, cho thuê rừng được tăng cường. Hiện nay, toàn ngành Lâm nghiệp có 36 vườn quốc gia và 131 khu bảo tồn thiên nhiên, quản lý tổng diện tích là 2,4 triệu ha rừng chủ yếu là rừng tự nhiên, trong đó có 06 vườn quốc gia thuộc Trung ương quản lý với tổng diện tích rừng là 300 nghìn ha, 30 vườn quốc gia thuộc địa phương quản lý với diện tích rừng khoảng 800 nghìn ha.
Về giao rừng, cho thuê rừng, đến nay cả nước có 11.396.402 ha rừng được giao cho các chủ rừng để quản lý, bảo vệ, trong đó: Ban quản lý rừng đặc dụng là 2.056.504 ha; ban quản lý rừng phòng hộ 2.984.158 ha; tổ chức kinh tế 1.711.594 ha; tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, dạy nghề về lâm nghiệp 118.521 ha; doanh nghiệp có vốn đầu tư nươc ngoài 66.159 ha; hộ gia đình, cá nhân 2.955.134 ha; cộng đồng dân cư 1.156.714 ha; đơn vị vũ trang 198.825 ha; các tổ chức khác 148.793 ha. UBND cấp xã tạm quản lý 3.094.893 ha. Việc giao đất, giao rừng đã tạo tâm lý ổn định cho người nhận, tạo động lực cho cộng đồng và hộ gia đình huy động nguồn lực tham gia vào công tác bảo vệ, phát triển rừng, hầu hết diện tích rừng trồng mới, rừng tự nhiên tái sinh, tỷ lệ độ che phủ rừng đều tăng; hạn chế được tình trạng cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái phép, đồng thời bảo tồn, phát triển hệ sinh thái và hạn chế tranh chấp, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp. Công tác giao đất, giao rừng gắn với lợi ích thiết thực chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức của người dân đối với công tác quản lý bảo vệ rừng. TL-VPTU