Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và bền vững, thực hiện theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thời gian qua, tỉnh đã chủ động kết nối với các công ty, doanh nghiệp, HTX, THT triển khai các mô hình liên kết, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo quy mô lớn, theo chuối giá trị, đặc biệt có sự phối hợp liên kết 4 nhà trong hỗ trợ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân. Một số mô hình đã và đang triển khai có hiệu quả như: mô hình trồng dứa; lúa canh tác hữu cơ; mô hình trồng chanh leo; mô hình trồng hoa trong nhà lưới, nhà màng; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng; mô hình nuôi lợn theo hướng VietGap... Đầu tư, hỗ trợ xây dựng các mô hình này không chỉ đem lại lợi nhuận cho người sản xuất mà hơn nữa người tiêu dùng cũng được hưởng lợi vì được tiếp cận với những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý... Và hướng tới mục tiêu chung là phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tích cực thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn nông thôn, hỗ trợ thành lập HTX kiểu mới nhằm liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Hiện nay có 60/275 HTX đủ diều kiện để xây dựng HTX kiểu mới. 50 trang trại đạt chuẩn, trong đó có 32 trang trại được cấp giấy chứng nhận, có 2.688 THT hoạt động có hiệu quả, 53 làng có nghề với 66 nghề, tập trung vào các nhóm chế biến nông lâm thủy sản đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và tiêu thụ nông sản cho người dân nông thôn.
Ngoài ra, địa phương luôn chú trọng công tác nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Công tác xóa đói giảm nghèo được thực hiện gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Địa phương vẫn luôn tích cực thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, cùng với đó, người dân cũng biết cách chủ động hơn trong việc tiếp nhận các chính sách nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại vào chính sách. Đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, ý thức của người nghèo được nâng cao rõ rệt. Cụ thể như ở huyện Đakrông, năm 2017, nhờ được tiếp cận các chính sách cùng với mong muốn nhanh chóng cải thiện kinh tế gia đình, 374 hộ đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện. Đó là con số thể hiện sự nỗ lực trong công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân của chính quyền địa phương và chính bản thân những người nghèo.
Tỉnh Quảng Trị tiếp tục quan tâm đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho người lao động nông thôn, bám sát với thực tế, nhu cầu và nguyện vọng của người lao động để người lao động sớm có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Tính đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở khu vực nông thôn đạt gần 50%. Với số lao động đã có kỹ thuật này hoàn toàn có thể chủ động tìm kiếm việc làm, thông tin thị trường lao động qua các kênh, sàn giao dịch việc làm. Hơn nữa, để làm tăng nhu cầu tuyển dụng lao động, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, tỉnh cũng tạo điều kiện, hỗ trợ sản xuất cho các doanh nghiệp, liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo và nhận người lao động sau đào tạo.
Một trong những chương trình có hiệu quả nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm nâng cao thu nhập cho người dân là chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Thực hiện chương trình này, nhiều xã đã tìm thấy sản phẩm chủ lực của mình, phát huy thế mạnh và xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm như tiêu Cùa, nước mắm Huỳnh Kế, gạo sạch Triệu Phong, tinh dầu Huyền Thoại... các sản phẩm này được giới thiệu và tham gia nhiều Hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.
Sau nhiều nỗ lực, hiện nay số xã đạt chuẩn về tiêu chí thu nhập là 83/117 xã; 66/117 xã đạt chuẩn tiêu chí hộ nghèo, 110/117 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm thường xuyên và 72/110 xã đạt chuẩn về tiêu chí tổ chức sản xuất.
Mặc dù đã đạt được những thành quả nhất định sau nhiều năm nỗ lực phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân theo Chương trình MTQG xây dựng NTM nhưng những kết quả này vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng và yêu cầu của toàn thể chính quyền địa phương và nhân dân trong tỉnh. Chính vì thế, Quảng Trị vẫn tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp thiết thực để phát triển sản xuất, đem lại cho người nghèo nói riêng và toàn thể người dân nói chung cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn. Thảo Nhi