Một số kết quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở nước ta thời gian qua 

Năm 2024, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quán triệt, yêu cầu các đơn vị, lực lượng thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chỉ đạo các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình địa bàn, đơn vị, địa phương mình để triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Các lực lượng chức năng tích cực, chủ động tiến hành biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đúng theo thẩm quyền, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng, bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Công tác trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp tổ chức đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đạt hiệu quả cao. Nhiều vụ việc vi phạm lớn đã được phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật; không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Công tác thông tin, tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các phương tiện thông tin được lan tỏa rộng rãi đến nhiều lĩnh vực, địa bàn, đối tượng.

Tuy nhiên, tình trạng thẩm lậu các mặt hàng, như: pháo nổ, thuốc lá điếu, đường cát, hàng dân dụng, điện tử, điện lạnh, thuốc tân dược, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng… còn xuất hiện trên tuyến biên giới tiếp giáp với Campuchia thuộc địa phận các tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Ngoài ra, tại các cảng biển lớn, hàng hóa vi phạm với số lượng lớn đa dạng về chủng loại mặt hàng, cũng như loại hình vi phạm (quá cảnh, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, nhập kinh doanh…). Trên tuyến cảng hàng không tập trung vào các sân bay quốc tế, như: Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) mặt hàng vi phạm gọn nhẹ dễ vận chuyển, có giá trị cao, như: thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, điện tử, điện lạnh và hàng tiêu dùng khác...

Đối với hàng hóa xuất khẩu, các phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, chỉ dẫn địa lý như: doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI) nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu nhưng không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng khai xuất xứ Việt Nam (ghi xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa) hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam (C/O) để xuất khẩu.

Hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước ngoài, khi đưa về nhà kho, xưởng sản xuất hoặc trong quá trình sang mạn, thay đổi phương tiện vận tải đã được thay đổi nhãn thành hàng hóa có xuất xứ Việt Nam hoặc hợp thức hóa hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu.

Không chỉ phức tạp trên các tuyến biên giới, ở trong thị trường nội địa nổi lên tình trạng lợi dụng hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Sendo...), các mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo, Youtube...) và lợi dụng hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các lực lượng thành viên, bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch và văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia của tỉnh ủy, thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thứ hai, thực hiện cơ chế phối hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiệu quả và thực chất; tăng cường trao đổi thông tin về tình hình, kết quả, phương thức, thủ đoạn; chủ động phối hợp các lực lượng, địa phương có giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thứ ba, tiếp nhận và xử lý hiệu quả tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường dây nóng; chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xác minh, xử lý bảo đảm bí mật, kịp thời, hiệu quả các thông tin đường dây nóng.

Thứ tư, tiếp tục rà soát xử lý khó khăn vướng mắc về thể chế văn bản quy phạm pháp luật, quan hệ phối hợp và khó khăn vướng mắc khác, tham mưu trình cấp, cơ quan thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Thứ năm, chấp hành nghiêm chế độ báo cáo; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; tham mưu phát động phong trào quần chúng nhân dân, phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thứ sáu, tham mưu làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng; khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có biểu hiện bao che, tiếp tay, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả./.    Lê Liên (TH, nguồn Ban TGTW)

27 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 373
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 373
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88668047