Nắm bắt xu hướng đó cùng với thực hiện mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội với tư cách là xã hội vì con người, hướng tới xã hội mà trong đó, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”1 Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm nhận thức về yêu cầu phát triển bền vững, đưa thành chủ trương lớn và nỗ lực lãnh đạo tổ chức thực hiện, đặc biệt trong quá trình đổi mới.
Để đẩy nhanh phát triển kinh tế, ngay từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, số 07-NQ/HNTW, ngày 30/7/1994, phát triển công nghiệp, công nghệ đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn mới, Đảng ta đã chủ trương thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tư cách là “ quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao”2, đồng thời nhấn mạnh quan điểm “Tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hoá, giáo dục, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”3.
Quan điểm phát triển nhanh và bền vững nói chung và phát triển kinh tế nhanh và bền vững nói riêng không ngừng được bổ sung, phát triển, cụ thể hóa qua các kỳ Đại hội Đảng, thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật và triển khai thực hiện rộng rãi. Ngay từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg về việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam)4, trong đó, xác định phát triển bền vững là con đường tất yếu của Việt Nam, đề ra mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc chính, các hoạt động ưu tiên, trong đó có lĩnh vực kinh tế với các nhiệm vụ duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; Thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường; Thực hiện quá trình "công nghiệp hóa sạch"; Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; Phát triển bền vững các vùng và địa phương.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh chủ trương phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 20205; Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 20156; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững7; Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 20308,…
Triển khai thực hiện quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong thực tiễn đã mang lại nhiều kết quả tích cực: tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong nhiều năm, bình quân hàng năm giai đoạn 1991 - 2000 đạt 7,56%, giai đoạn 2001 - 2010 đạt 7,26% và giai đoạn 2011 - 2020 đạt 5,9%. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, Việt Nam đã bước vào nhóm các nước có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thế giới. GDP bình quân đầu người đã tăng từ hơn 790 USD (năm 2006) lên 1.684 USD (năm 2010), 3.586 (năm 2020) và 4.163 USD (năm 2021), năm 2023 là 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Không chỉ số lượng, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Công tác xóa đói giảm nghèo, dân số, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân, giáo dục - đào tạo và tạo việc làm cho người lao động đều đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Nhiều nội dung về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và bảo tồn đa dạng sinh học đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc lồng ghép các vấn đề về môi trường từ giai đoạn lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và giai đoạn chuẩn bị đầu tư các dự án đã góp phần hạn chế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - 2030 đánh giá đến năm 2021 nhưng thành tựu phát triển kinh tế nói chung và theo hướng nhanh, bền vững nói riêng: “Thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện; tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn. Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Chính trị, xã hội ổn định, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được quan tâm và có sự chuyển biến tích cực; tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh; tiếp tục tận dụng cơ hội cơ cấu dân số vàng; thành quả xây dựng nông thôn mới được củng cố, đời sống mọi mặt của người dân không ngừng được cải thiện. Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường là sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới”9.
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nửa nhiệm kỳ đầu, Đảng ta khẳng định: “Chúng ta đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Trong bối cảnh tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, có nhiều rủi ro, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng khá. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định: Việt Nam là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu”10.
Tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên các lĩnh vực. FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng 8 bậc, xếp thứ 107/193. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, toàn diện, là điểm sáng ấn tượng.
Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới. Anh Đào (nguồn Ban Tuyên giáo Trung ương)
-----------------
1. C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb CTQGST, H., 1995, t.4, tr.628.
2. ĐCSVN: Văn kiện Đảng TT, Nxb CTQGST, H., 2007, t.53, tr.554.
3. ĐCSVN: Văn kiện Đảng TT, Nxb CTQGST, H., 2007, t.53, tr.559.
4. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quyet-dinh-153-2004-QD-TTg-Dinh-huong-chien-luoc-phat-trien-ben-vung-Viet-Nam-Chuong-trinh-nghi-su-21-Viet-Nam-52318.aspx
5.https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Quyet-dinh-432-QD-TTg-phe-duyet-Chien-luoc-Phat-trien-ben-vung-Viet-Nam-138132.aspx.
6. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Quyet-dinh-160-QD-TTg-nam-2013-phe-duyet-Ke-hoach-hanh-dong-quoc-gia-164739.aspx.
7.https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Quyet-dinh-622-QD-TTg-2017-Ke-hoach-hanh-dong-quoc-gia-thuc-hien-Chuong-trinh-nghi-su-2030-348831.aspx.
8.https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Quyet-dinh-681-QD-TTg-2019-Lo-trinh-thuc-hien-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-Viet-Nam-den-nam-2030-415793.aspx; https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quyet-dinh-841-QD-TTg-2023-Lo-trinh-thuc-hien-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-Viet-Nam-den-2030-572610.aspx
9. ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H., 2021, tập 1, tr.209 - 210.
10. Nguyễn Phú Trọng, Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nxb CTQGST, H., 2023, tr.125.