MỘT SỐ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU TRONG VIỆC SẮP XẾP CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ Ở TỈNH TA 

Ngày 24/12/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 12/4/2018 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đây là chủ trương lớn, quan trọng, nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, đảm bảo hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, nâng cao đời sống nhân dân.

Ngay sau khi có Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tỉnh đã xây dựng các đề án, kế hoạch và hệ thống các giải pháp chỉ đạo triển khai cụ thể, với quan điểm xuyên suốt trong quá trình triển khai là bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của các cấp ủy đảng, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; thận trọng, hiệu quả, chắc chắn, nơi nào có điều kiện thuận lợi, tạo được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân thì tiến hành trước, do vậy cách thức, quy trình thực hiện đảm bảo bài bản, đúng quy định, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, không gây ra những xáo trộn lớn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 147-CTHĐ/TU, ngày 09/5/2019 để chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện; trong đó, xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình thực hiện, đặt trong Kế hoạch tổng thể về thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCH TW Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Song song với việc triển khai các văn bản thực hiện Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát hiện trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số và các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, vị trí địa lý, cộng đồng dân cư... của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để ban hành Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2021 báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, trình Tỉnh ủy thông qua; chỉ đạo UBND tỉnh hoàn chỉnh phương án trình Bộ Nội vụ xem xét, cho ý kiến. Trên cơ sở Phương án tổng thể được Bộ Nội vụ cho ý kiến, Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với UBND các huyện tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh; tổ chức lấy ý kiến cử tri ở các ĐVHC cấp xã liên quan đến phương án sắp xếp, thông qua HĐND cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh trước khi trình Bộ Nội vụ, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Việc lấy ý kiến cử tri về phương án, đề án sắp xếp thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương, có được sự thống nhất, ủng hộ cao (cơ bản đạt trên 90%) và tại các kỳ họp của HĐND các cấp, 100% đại biểu HĐND tán thành đề án, kế hoạch sắp xếp. Với sự chỉ đạo quyết liệt và quy trình triển khai thực hiện đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 832/NQ-UBTVQH14 “về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Trị”.

Sau hơn hai năm thực hiện, về đơn vị hành chính cấp huyện, tỉnh vẫn giữ nguyên 10 đơn vị, gồm 8 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố. Đối với đơn vị cấp xã, số lượng đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp 33/141 đơn vị, sau sắp xếp giảm 16 xã, còn lại 125 xã. Cùng với việc sắp xếp về tổ chức bộ máy, tỉnh đã chú trọng việc sắp xếp cán bộ, công chức; theo đó, bố trí, sắp xếp 90 cán bộ, công chức/17 xã, thị trấn mới thành lập. Đã thực hiện sắp xếp được điều động cán bộ, công chức đến các xã, thị trấn khác hoặc chuyển thành công chức cấp huyện 32 người; số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư được giải quyết chính sách tinh giản biên chế là 58 người. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, các huyện đang tiếp tục thực hiện sắp xếp theo lộ trình, theo đó dự kiến chi hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách dôi dư là 7,6 tỷ đồng. Các xã mới thành lập đã tiến hành công bố quyết định thành lập đảng bộ, chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên, chỉ định BCH, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra đảng ủy theo đúng quy định của Điều lệ Đảng; công bố quyết định thành lập và tổ chức bộ máy của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội; tến hành bố trí các chức danh chủ chốt của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, sắp xếp vị trí việc làm của cán bộ, công chức, gắn với công tác tổ chức đại hội đảng bộ.

Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh là công việc hệ trọng, liên quan đến tất cả các mặt của đời sống xã hội ở địa phương, liên quan đến quá trình lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán... ảnh hưởng đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ và nhân dân nên quá trình thực hiện gặp không ít trở ngại. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân ở đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp chưa nhận thức sâu sắc về việc sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, do vậy công tác tuyên truyền, vận động để tạo ra sự đồng tình ủng hộ gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách sau sắp xếp dôi dư tương đối nhiều (cán bộ, công chức cấp xã dôi dư 320 người (trung bình 20 người/xã) và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư 272 người (trung bình 16 người/xã), dẫn đến việc xem xét sắp xếp, bố trí lại hoặc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư rất lớn, đây là vấn đề phức tạp, khó khăn của tỉnh trong điều kiện ngân sách địa phương còn mức độ. Số lượng công chức sau khi sáp nhập ngoài việc tăng cơ học còn tăng thêm số cán bộ chuyển sang công chức, số này cần có lộ trình và thời gian để tinh gọn theo quy định. Còn những khó khăn về cơ chế, chính sách để khuyến khích các trường hợp chưa đủ điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi hoặc có nhu cầu thôi việc ngay để chờ đủ tuổi nghỉ hưu. Còn những băn khoăn, trăn trở để tìm phương án hợp lý, hiệu quả cho việc sử dụng công sở: lấy trụ sở của xã nào làm trung tâm hành chính của xã mới, nhất là khi một hoặc cả hai xã vừa xây dựng trụ sở xong; vấn đề bố trí trường học, trạm xá sau khi sáp nhập như thế nào cho các cháu thuận lợi đi học và nhân dân đi lại khám bệnh, không lãng phí cơ sở vật chất..., là những vấn đề mà nhân dân quan tâm.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớn nhân dân hưởng ứng, góp phần hoàn thành sớm tiến độ sáp nhập. Để chủ trương, nghị quyết của Đảng tiếp tục đi vào cuộc sống, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nhất là những nơi khó khăn, dân trí thấp. Tiếp tục bám sát địa phương và cơ sở để giải quyết kịp thời những phát sinh trong sắp xếp cán bộ, công chức, chế độ, chính sách, thủ tục hành chính và công việc cho người dân, doanh nghiệp trong sinh hoạt và giao dịch ở đơn vị hành chính mới. Đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, tạo sự đồng thuận, phấn khởi, khí thế trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để xây dựng đơn vị hành chính mới phát triển. Hải Yến

721 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1259
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1259
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87114887