Kế hoạch 105-KH/TU của Tỉnh ủy cũng đã xác định rõ 15 nhiệm vụ thường xuyên mà các cấp ủy, tổ chức đảng phải thực hiện; đồng thời phân công cụ thể nhiệm vụ đối với từng tập thể, cá nhân liên quan, được chia làm 13 nhóm nhiệm vụ; mỗi nhóm nhiệm vụ đều giao cho một cơ quan chủ trì với các đầu việc cụ thể. Như Ban Tổ chức Tỉnh ủy được giao chủ trì 10 đầu việc, BCS Đảng UBND tỉnh được phân công 4 đầu việc...
Để thực hiện tốt công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo hoàn thành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2015-2020; hoàn thành xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện, sở, ngành nhiệm kỳ 2020 - 2025; chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị thường xuyên điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Công tác bổ nhiệm, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện đúng quy trình. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các cấp uỷ đảng tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương bố trí các chức danh chủ chốt cấp huyện không là người địa phương (4/10 địa phương).
Về thực hiện đổi mới đánh giá cán bộ, Tỉnh ủy Quảng Trị đã bổ sung, hoàn thiện và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy chế đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị; ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá cán bộ. Nếu như các năm trước đây tất cả cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì đến nay, khi thực hiện Quy chế, số hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảm; năm 2018 tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy là 02/13 đồng chí, tỷ lệ 15,3%; cấp huyện cũng tương tự như cấp tỉnh.
Chỉ đạo xây dựng nội dung, chương trình, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng để bổ sung, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; Đề án đào tạo cán bộ dự nguồn lãnh đạo tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo; Đề án đào tạo cán bộ cấp phòng có quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành để tạo nhân tố mới, nhân tố trẻ, nổi trội đảm bảo các chức danh dự nguồn.
Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra về công tác cán bộ và quản lý cán bộ; giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập; việc tham nhũng trong công tác cán bộ. Đẩy mạnh việc đấu tranh, ngăn chặn, phản bác, xử lý nghiêm, kịp thời, hiệu quả những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, những thông tin bịa đặt của các thế lực thù địch,… để phá hoại, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, bôi xấu hình ảnh, hạ thấp uy tín lãnh đạo, cản trở việc thực hiện Nghị quyết. Xây dựng quy định về phân công cán bộ, đảng viên phụ trách hộ gia đình nơi cư trú để gắn bó mật thiết với nhân dân; nhân dân thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là giám sát về đạo đức, lối sống.
Làm tốt các giải pháp về đánh giá cán bộ, đào tạo cán bộ sẽ là tiền đề quan trọng để Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp khác của Nghị quyết 26 như kiểm soát quyền lực, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền... Với những giải pháp toàn diện, vừa bảo đảm tính lý luận, vừa gắn với thực tiễn, có tiếp thu, kế thừa những giải pháp cũ, có những giải pháp mới mang tính đột phá, chắc chắn sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong toàn bộ hệ thống chính trị về xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời gian tới. Hải Yến