MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG ĐIỆN TÁI TẠO Ở TỈNH QUẢNG TRỊ 

Ngày nay, cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhu cầu về điện ngày càng tăng ở các quốc gia trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Điều này buộc Chính phủ các nước ngoài nguồn nhiệt điện đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (như điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện hạt nhân, địa nhiệt v.v) để tạo ra điện sạch. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; căn cứ vào lợi thế về điều kiện tự nhiên, Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị khẳng định: “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, phấn đấu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030”. Tỉnh Quảng Trị đã xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển năng lượng điện tái tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

1. Tiềm năng và thực trạng phát triển năng lượng điện tái tạo ở tỉnh Quảng Trị

Quảng Trị nằm chính giữa khúc ruột miền Trung đất nước; hướng chủ yếu của địa hình là Tây Bắc – Đông Nam; độ cao trung bình giảm từ Tây sang Đông; có diện tích là 4745,7 7km² và có lợi thế tự nhiên về nguồn năng lượng điện tái tạo: Điện gió, điện mặt trời, thủy điện.

Năm 2015, Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu thực hiện đầu tư dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 với số vốn trên 1.500 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 20 tỷ đồng/năm. Đến nay, đã có 72 dự án điện gió được đề xuất với tổng quy mô công suất 3.684MW; trong đó có 17 dự án được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 608MW, có dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động tổng công suất 60MW (mỗi dự án 30MW). Các dự án được quy hoạch đang triển khai đầu tư, gồm 15 dự án với tổng công suất 548MW; 49 dự án đã trình Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch, tổng công suất 2.676MW. Các dự án đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương, nhà đầu tư đang nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, gồm 06 án, dự kiến tổng công suất khoảng 500MW. Hiệu quả đưa lại cho ngân sách nhà nước rất cao, cứ 1MW đem lại gần 900 triệu đồng cho ngân sách.

Toàn tỉnh hiện có 03 dự án điện mặt trời được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất 149,5MWp, có 14 dự án điện mặt trời đã trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.293,02MWp, 05 dự án đang triển khai khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với quy mô công suất khoảng 310,10MWp. Như vậy, khả năng phát triển điện mặt trời đến thời điểm hiện tại là 22 dự án với tổng công suất khoảng 1.750MWp.

Từ tiềm năng, lợi thế và kết quả bước đầu cho thấy, phát triển năng lượng tái tạo góp phần quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tạo nguồn thu ngân sách cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, nhiều công trình đem lại hiệu quả kinh tế “kép” như Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị, lượng nước đã được tích lại và điều tiết hợp lý, hoàn toàn chảy qua tổ máy để phát điện; nguồn nước thứ cấp 400 triệu m3 sau khi chảy qua tổ máy phát điện có gần 200 triệu m3/năm là nước hữu ích cho nông nghiệp, tích vào hồ thủy lợi Nam Thạch Hãn và được cấp liên tục cho nông nghiệp vào các vụ đông xuân và hè thu. Gắn với phát triển năng lượng là công tác bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch và các nguồn năng lượng khác. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường. Khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, thúc đẩy năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo ở Quảng Trị  còn nhiều vấn đề đặt ra như: Tiến độ bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài; một số dự án trọng điểm về năng lượng của tỉnh triển khai chậm; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ. Hệ thống truyền tải điện hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu giải toả công suất cho các dự án năng lượng, việc đấu nối các dự án năng lượng vào lưới điện quốc gia; trên cơ sở quy mô công suất nêu trên 3.969,17MW  (gồm điện gió và thủy điện), cần có quy hoạch đấu nối tổng thể lên hệ thống điện quốc gia nhằm giải tỏa công suất tất cả các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh (hiện chỉ mới giải tỏa được khoảng 1.200MW).

Nguyên nhân của những hạn chế là do thiếu quy hoạch phát triển tổng thể; quy hoạch đất phát triển năng lượng phụ thuộc vào việc điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khác cũng như việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Nhà nước chưa có quy định cụ thể để khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư hệ thống truyền tải, hầu hết các dự án truyền tải đang do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Mặt khác, các dự án truyền tải cũng gặp khó khăn trong triển khai, do các thủ tục liên quan quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng... nên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công và hoàn thành dự án. Do chính sách chung quốc gia về đầu tư phát triển, quản lý tài nguyên năng lượng còn thiếu, chưa đồng bộ; mặt khác, tỉnh chưa lựa chọn được nhiều nhà đầu tư đủ năng lực tài chính, quyết tâm triển khai dự án; một số thủ tục chưa đảm bảo quy định... nên đã ảnh hưởng việc triển khai thực hiện một số dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.

2. Một số giải pháp phát triển điện tái tạo ở tỉnh Quảng Trị góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Với kết quả đạt được, nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trên địa bàn tỉnh và tham gia cung ứng cho nhu cầu năng lượng quốc gia và xuất khẩu, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII (Nhiệm kỳ 2020 – 2025) khẳng định; “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030”, vì vậy tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Thứ nhất, tập trung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phát triển năng lượng; phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh. Kịp thời rà soát, đánh giá tổng thể tiềm năng phát triển năng lượng của tỉnh, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo để đề xuất đưa vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gắn với quy hoạch hệ thống truyền tải, quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi đất rừng sang mục đích phát triển năng lượng và hạ tầng ngành điện. Chủ động phối hợp với bộ, ngành Trung ương xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam cho giai đoạn mới. Phát triển nhanh và bền vững các nguồn phát điện đi đôi với giải tỏa nguồn công suất điện; rà soát các dự án phát điện, chủ động nâng cao công suất khả dụng và có dự phòng công suất phù hợp bảo đảm an toàn, tin cậy, ổn định; đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái.

Thứ hai, tham gia với các bộ, ngành Trung ương xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo. Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đưa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia các dự án điện gió, điện mặt trời...Cụ thể: Đối với thủy điện, huy động tối đa các nguồn thuỷ điện hiện có. Hoàn thành các dự án thủy điện đang triển khai theo tiến độ; phát triển có chọn lọc thủy điện nhỏ trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng tác động đến môi trường. Đối với điện gió, rà soát lại quy hoạch để có kế hoạch phát triển các dự án điện gió phù hợp; không phát triển điện gió trên đất có rừng tự nhiên, rừng đặc dụng; hạn chế tối đa thu hồi đất rừng phòng hộ đầu nguồn; tiến hành đánh giá tổng quan vấn đề tác động môi trường của các dự án điện gió ở phía Tây của tỉnh để đảm bảo các mục tiêu vừa phát triển “cánh đồng điện gió”, vừa đảm bảo môi trường sinh thái, ổn định đời sống người dân vùng dự án và phục vụ phát triển du lịch. Đối với điện mặt trời, khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước; ưu tiên dành lại quỹ đất cho phát triển đô thị, thương mại, du lịch, dịch vụ và phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch; không phát triển điện mặt trời trong các khu, cụm công nghiệp.

Thứ ba, rà soát các lĩnh vực sản xuất tiêu thụ năng lượng để giảm thiểu cường độ tiêu thụ năng lượng. Tăng cường việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng hiệu quả năng lượng đối với những lĩnh vực, ngành và sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng cao. Có chính sách khuyến khích tiêu thụ sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, nhất là trong công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp và giao thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh.

Thứ tư, tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư, xóa bỏ mọi rào cản để thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đang đầu tư năng lượng tái tạo cùng chung tay xây dựng hạ tầng lưới điện để đáp ứng việc giải tỏa năng lượng điện trên địa bàn, tránh tình trạng quá tải. Có chính sách phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ đối với các địa phương có dự án phát triển điện năng, nhất là tái định cư, giải quyết việc làm, sinh kế cho người dân có đất bị thu hồi. Xây dựng cơ chế và khung pháp lý bảo đảm cho việc tuân thủ quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia. Xử lý nghiêm đối với các dự án đầu tư chậm triển khai, làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia./. Quốc Thanh

2496 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 442
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 442
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77536523