Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020, lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 6,41%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 14.360 tỷ đồng; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,68%/năm. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 đạt 56,4%...
Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp có bước chuyển biến tích cực. Giá trị toàn ngành tăng bình quân 3,82%/năm. Sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt 27,5 vạn tấn/năm. Đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung, các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Chăn nuôi chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại, thâm canh bán công nghiệp gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC phát triển mạnh, thuộc nhóm đầu cả nước. Tỷ lệ độ che phủ rừng năm 2020 đạt 50,1%. Tổng sản lượng thủy hải sản tăng bình quân hàng năm đạt 1,1%. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả đáng kể. Đến cuối năm 2020, có 57/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 01 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Sản xuất công nghiệp phát triển khá. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng bình quân 11,42%/năm. Một số ngành công nghiệp có thế mạnh được chú trọng phát triển như: dệt may, chế biến gỗ, năng lượng...Kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng. Trong 5 năm, 2016-2020 toàn tỉnh đã thu hút được 70 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký đầu tư 88.983 tỷ đồng. Lĩnh vực xây dựng thực hiện cơ bản tốt các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Đã phủ kín quy hoạch chung xây dựng 100%; quy hoạch phân khu 90%; quy hoạch chi tiết 37%.
Hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra khá sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ bình quân hàng năm tăng 10,07%/năm. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt (<4%/năm). Doanh thu vận tải bình quân hàng năm tăng 9,97%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 đạt 14.360 tỷ đồng; thu nội địa bình quân hàng năm tăng 9,41%/năm. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội từng bước phát triển. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 71.184 tỷ đồng.
Hệ thống mạng lưới y tế được cũng cố và phát triển. Đội ngũ cán bộ y tế từng bước được nâng cao về số lượng và chất lượng. 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện. Mạng lưới trường, lớp học được sắp xếp, tổ chức lại một cách hợp lý. Chất lượng và hiệu quả giáo dục được nâng lên. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tăng cường về số lượng và chuẩn hóa về trình độ. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được chú trọng. Giai đoạn 2016-2020, đã đào tạo nghề cho 60.947 người; giải quyết việc làm cho 58.615 lao động. Việc chăm lo và thực hiện chế độ chính sách đối với thương, bệnh binh, người có công, gia đình liệt sĩ được thực hiện chu đáo. 97% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc, bảo vệ. Tổ chức thành công các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn, lễ hội riêng có của tỉnh Quảng Trị. Hoạt động thể dục, thể thao quần chúng phát triển rộng khắp.
Tuy vậy, trong thời gian qua, kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Trị vẫn còn một số hạn chế nhất định. Mặc dù, kinh tế đạt được mức tăng trưởng khá nhưng chất lượng tăng trưởng chưa thực sự bền vững. Một số chỉ tiêu kinh tế, xã hội quan trọng không đạt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI đặt ra như: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm, thu nhập bình quân đầu người, tổng thu ngân sách trên địa bàn, tổng vốn đầu tư toàn xã hội...Hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục thể thao còn thiếu. Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc. Chất lượng các dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân...
Để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, tỉnh Quảng Trị xác định trong thời gian tới sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như:
Xây dựng và sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo đột phá về năng suất và chất lượng sản phẩm. Phát triển công nghiệp trên cơ sở khai thác, phát huy các ngành có lợi thế như: năng lượng, dệt may,... Tập trung thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Nâng cao chất lượng và hiệu quả các loại hình dịch vụ, phát triển mạnh dịch vụ du lịch.
Quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển mạng lưới y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, nâng cao chất lượng dân số của tỉnh. Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và bảo đảm an sinh, xã hội. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ.
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ công chức gắn với sắp xếp và tinh gọn bộ máy. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Xây dựng và ban hành cơ chế thu hút, chọn lựa nhà đầu tư chiến lược, có năng lực thực hiện các dự án đầu tư. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường...Hồng Bốn (tổng hợp)