MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM TIẾP TỤC NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC DÂN VẬN Ở VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TỈNH QUẢNG TRỊ HIỆN NAY 

Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng.

Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh :“Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Vì vậy, thực hiện tốt công tác dân vận nói chung và công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất quan trọng nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Xác định tầm quan trọng đó, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về "Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số", Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”. Các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã quán triệt và ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở; quan tâm đến lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS; phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để thu hút đông đảo đồng bào DTTS tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Thông qua các chương trình dự án, hỗ trợ đầu tư về phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa, giáo dục đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực; thương mại - dịch vụ phát triển khá; kinh tế nông nghiệp cơ cấu đa dạng, đời sống vật chất, tinh thần đồng bào được nâng lên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định.

Bên cạnh đó, công tác tập hợp, vận động đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, lồng ghép với các phong trào của các đoàn thể, kết hợp giữa vận động tập trung với vận động cá biệt, đặc thù. Trong thời gian qua, phải kể đến các phong trào như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phong trào xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thực hiện an sinh xã hội, đặc biệt phối hợp với đồn biên phòng thực hiện phong trào kết nghĩa Bản - Bản giữa 2 bên biên giới và duy trì tốt giao ban định kỳ, trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết các vụ việc xảy ra góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền, đoàn thể, Nhân dân 2 bên biên giới. Đồng thời, vận động đồng bào xóa bỏ các tập tục, hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình góp phần cùng địa phương thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, đảm bảo tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền địa phương mở rộng quan hệ với chính quyền địa phương các huyện tiếp giáp, giải quyết tốt các vụ việc xảy ra trên biên giới theo đúng hiệp định, quy chế, quy tắc về vấn đề biên giới; phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, buôn lậu, vượt biên trái phép giáp biên giới; chống âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân của các thế lực thù địch, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới. Kết hợp tổ chức gặp mặt già làng, trưởng bản, người có uy tín; BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các địa phương biểu dương, tặng nhiều giấy khen động viên, ghi nhận những tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Cùng với việc tăng cường công tác dân vận, chính quyền các cấp đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Trung ương thành các chương trình, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, nguyện vọng của đồng bào DTTS trong tỉnh; triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi; nhất là trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện các giải pháp xóa đói, giảm nghèo, giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sạch, vệ sinh môi trường, đáp ứng cho người dân vùng đồng bào DTTS sinh hoạt và sản xuất. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao; diện mạo các huyện miền núi của tỉnh đổi thay tích cực trên nhiều lĩnh vực; 100% số thôn, làng thuộc các xã vùng DTTS được tiếp cận điện, trong đó 97,1% thôn, làng được sử dụng điện lưới quốc gia; 90% tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, 86% xã có công trình thủy lợi nhỏ; 100% các xã, thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% số xã vùng DTTS và miền núi đạt phổ cập giáo dục THCS, 100% xã có trường tiểu học; 100% số xã vùng DTTS có trạm y tế, trong đó có 96,2% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 100% thôn, làng có nhân viên y tế hoạt động.

Công tác cải cách hành chính và thực hiện QCDC ở cơ sở được đẩy mạnh; công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được quan tâm; các vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, luân chuyển cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người đồng bào DTTS. Quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban dân vận cấp ủy; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, sát với đối tượng, vùng miền; nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số về công tác dân vận, đặc biệt là nhận thức về mô hình “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền”, nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong quan hệ giữa các cấp uỷ Đảng, chính quyền với nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể cần nâng cao hiệu quả công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình nhân dân, chủ động ứng phó, hóa giải kịp thời với những vấn đề phức tạp nảy sinh, giữ vững ổn định xã hội.

Hai là, chú trọng nhân rộng, phát triển các mô hình, điển hình “Dân vận khéo ở vùng sâu vùng xa, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có tôn giáo. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cần chú trọng định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các mô hình, điển hình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời và có giải pháp để nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền” có hiệu quả.

Ba là, các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức tốt công tác tiếp dân; phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp trong việc đối thoại với Nhân dân, luôn  lắng nghe và kịp thời giải quyết những kiến nghị, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Các địa phương, cơ quan chức năng tập trung giải quyết hiệu quả, dứt điểm đơn thư, khiếu nại tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài, không để phát sinh “điểm nóng”. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Bốn là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là công tác nắm tình hình nhân dân ở những địa bàn dễ nảy sinh phức tạp. Xuân Ngọc

2784 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2037
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 2037
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76254622