MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐÀO TẠO Ở VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ HIỆN NAY 

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Trị bao gồm hai huyện Hướng Hóa, Đakrông và một số xã ở Gio Linh, Vĩnh Linh với diện tích 313.675 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên. Sau khi sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã, có 44 xã, thị trấn, trong đó có 38 xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Dân số miền núi là 43.667 hộ với 182.124 khẩu, trong đó số hộ đồng bào dân tộc thiểu số 19.263 hộ, 87.218 khẩu. Trong những năm qua, Quảng Trị đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng này và thực hiện tốt chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách giữa khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với đồng bằng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội.

 

Xuất phát từ tầm quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách như: Chính sách về phát triển hệ thống mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục; chính sách đối với trẻ em, học sinh; chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo đặc biệt là tại các vùng dân tộc thiểu số. Xuất phát từ tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo, Nhà nước ta đã ban hành các chính sách cụ thể như: Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới”; Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/6/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và miễn giảm học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, cùng nhiều chính sách khác được triển khai và thực hiện đúng, đầy đủ.

Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Trị đã kịp thời ban hành các nghị quyết như: Nghị quyết số 34/2017/NQ- HĐND ngày 14/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị về việc sửa đổi bổ sung một số điều Nghị quyết số 12/2008/NQ-HĐND ngày 24/4/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh về luân chuyển và chính sách khuyến khích đối với giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn; Nghị quyết số 24/2018/NQ - HĐND ngày 08/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị về việc thông qua Đề án xoá phòng học tạm, phòng mượn giai đoạn 2019 - 2021; Nghị quyết số 19/NQ - HĐND ngày 20/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị về phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, hướng đến năm 2030. Với việc ban hành các chính sách đúng đắn, kịp thời nên thời gian qua, chất lượng giáo dục đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền nứi tỉnh Quảng Trị đã đạt được một số kết quả nhất định:

Chất lượng giáo dục, đào tạo đã có những thay đổi rõ nét, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú được thành lập, củng cố và ngày càng phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu học tập của học sinh miền núi. Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 05 trường phổ thông dân tộc nội trú với 3.545 học sinh, có 247 giáo viên trong đó 52 giáo viên là người dân tộc thiểu số; có 09 trường phổ thông dân tộc bán trú với 3.368 học sinh, có 245 giáo viên trong đó có 56 giáo viên là người dân tộc thiểu số, đây là kết quả nỗ lực trong thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú Quảng Trị đến năm 2025 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tào tạo ở vùng dân tộc thiểu số miền núi. Ngành giáo dục Quảng Trị luôn thường xuyên quan tâm tới công tác phổ cập giáo dục đưa trẻ em dân tộc thiểu số tới trường và duy trì số lượng học sinh trong độ tuổi đi học, đặc biệt là việc phối hợp với các lực lượng xã hội huy động tối đa trẻ em, học sinh người dân tộc thiểu số, bảo đảm sĩ số học sinh đi học chuyên cần, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học sau dịp lễ tết, mùa vụ. Trong năm học 2017 - 2018 tỷ lệ trẻ vào lớp 1 đạt 99,8%, năm học 2019 - 2020 là 100% xã và thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, tỷ lệ các cháu mầm non dân tộc thiểu số từ 3-6 tuổi đến lớp trường đạt 93,7%. Tỷ lệ trẻ em nhập học đúng độ tuổi cấp tiểu học của từng dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô trên 98,7%; tỷ lệ trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học của dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô đạt 99,9%; tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết chữ 54,5%.

Về  cơ sở vật chất trang thiết bị trường lớp ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được đầu tư đồng  bộ, 100% số xã có trường tiểu học, 75% số xã có trường trung học cơ sở; có 20 trường đạt chuẩn quốc gia. Phong trào xây dựng thư viện và phòng học bộ môn đạt chuẩn có chuyển biến tích cực, đã công nhận 02 thư viện xuất sắc, 06 thư viện tiên tiến, 05 thư viện đạt tiêu chuẩn và 22 phòng học bộ môn đạt tiêu chuẩn. Huy động nhiều sự hỗ trợ từ các nguồn khác nhau để trang bị các phương tiện học tập hiện đại, nhằm phục vụ cho nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh. Chính sách học bổng cho học sinh dân tộc chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc, bình quân mỗi năm đã hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng cho gần 1.200 học sinh dân tộc; thực hiện quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.Thực hiện miễn thu học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện đúng, đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ quản lý giáo dục và đội ngũ nhà giáo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi điều đó đã góp phần giảm bớt khó khăn về vật chất, cải thiện đời sống phần nào để yên tâm công tác và gắn bó với công việc.

Cùng với đó là tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, giáo viên qua thực hiện Đề án số 2746/ĐA-UBND ngày 29/6/2018 của UBND tỉnh ban hành về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số từ năm 2018-2025, chiến lược đến 2030, tập trung nhiệm vụ trọng tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chăm sóc, giáo dục học sinh cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Đã đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, giúp đỡ về chuyên môn cho giáo viên ở trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; ứng dựng công nghệ thông tin vào quản lý dạy học, soạn giảng, dạy học trực tuyến.

Tuy nhiên hiện nay, công tác giáo dục đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định như: Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học được đầu tư hằng năm, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng đủ nhu cầu và chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, do dịch bệnh kéo dài và tình hình mưa bão, lũ lụt đã tác động lớn đến các việc thực hiện một số chương trình, chính sách không thể hoàn thành theo kế hoạch đề ra; hệ thống cơ sở hạ tầng giáo dục vùng núi bị thiệt hại nặng trong mưa bão, lũ lụt. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế và thực hiện tốt hơn nữa công tác giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi Quảng Trị, thời gian tới tỉnh cần tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của nhân dân, vận động và duy trì sĩ số học sinh trong độ tuổi đi học, tổ chức nhiều hoạt động giáo dục đa dạng thu hút học sinh đến trường. Đưa các chỉ tiêu duy trì phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường tổ chức và quản lý hoạt động kỹ năng sống, giáo dục đặc thù, giáo dục ngoài giờ chính khóa, công tác học sinh nội trú, bán trú, đặc điểm tâm lý học sinh dân tộc thiểu số, văn hóa dân tộc cho cán bộ quản lý, giáo viên. Tăng cường hoạt động giao lưu, giúp đỡ về chuyên môn ở trường vùng sâu, vùng xa và khó khăn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dạy học, soạn giảng, dạy học trực tuyến. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó phải tập trung thực hiện các chương trình, đề án xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, giải quyết cơ bản vấn đề vốn, đất ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất cho đồng bào thiếu đất, nhà ở, nước sinh hoạt. Hỗ trợ phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức.

Thứ hai, chính quyền, các cấp uỷ đảng  cần tập trung huy động tối đa nguồn lực, nhất là thu hút các nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên tập trung đầu tư vốn triển khai Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, đồng thời cần xây dựng các chương trình,dự án giáo dục cho vùng khó khăn, dân tộc, miền núi nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại.

Thứ ba, đa dạng hóa, phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên đào tạo vừa học vừa làm; đưa chương trình dạy nghề vào các trường dân tộc nội trú; phát triển các loại mô hình trường dạy nghề gắn với các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó ưu tiên đào tạo con em đồng bào vùng DTTS và miền núi. Tiếp tục thực hiện chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu thực tiễn để họ yên tâm với nghề nghiệp, gắn bó với địa phương. Cần rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo, thực hiện kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp học ở tất cả các cấp học, đặc biệt ưu tiên đầu tư xây dựng trường học mới cho các xã còn nhiều khó khăn; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất các điểm trường lẻ; ưu tiên phân bổ tài chính, kinh phí đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ cho các xã thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Hải Nam

5591 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 900
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 900
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77394613