MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM THỰC HIỆN TỐT HƠN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH  

Chính sách đối với người có công (NCC) cách mạng là một trong những chính sách xã hội cơ bản và đặc biệt quan trọng ở Việt Nam, góp phần to lớn vào việc ổn định và phát triển xã hội. Thực hiện chính sách đối với NCC chính là thực hiện đạo lý, truyền thống cao quý của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”,“đền ơn đáp nghĩa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Thương binh, liệt sỹ là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào...Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”1.

Quảng Trị là một trong những địa phương luôn gương mẫu, đi đầu trong  công  tác chăm sóc NCC với cách mạng. Trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc, cùng với cả nước cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã đóng góp công lao to lớn cho đất nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 147.128 lượt đối tượng, trong đó có hơn 18.905 liệt sỹ, 11.805 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 2.786 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2.242 bệnh binh, 1.886 người bị địch bắt tù đày, 4.135 người tham gia hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học, trên 59.600 người hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp một lần; 14.361 người có công giúp đỡ cách mạng và hàng ngàn đối tượng người có công với cách mạng khác, hiện đang chi trả cho 20.757 người đang hưởng trợ cấp hằng tháng, với số tiền kinh phí trợ cấp trên 31tỷ đồng/1 tháng. Quảng Trị còn thay mặt cả nước chăm sóc gần 55.000 mộ liệt sĩ ở trong 72 nghĩa trang liệt sĩ. Trong đó, có 02 nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia. (02 NTLS tỉnh quản lý, 7 NTLS do cấp huyện quản lý, 60 NTLS do cấp xã quản lý, 03 NTLS do cấp thôn quản lý). Hiện đang quản lý khoảng 55.000 phần mộ liệt sỹ, trong đó khoảng 34.000 phần mộ có thông tin (khoảng gần 8000 liệt sỹ quê Quảng Trị) gần 20.000 phần mộ liệt sỹ chưa biết thông tin2.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về giải quyết chế độ đối với người có công cách mạng. Theo đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo ngành chuyên môn triển khai đồng bộ giải pháp thực hiện tốt các chính sách, trong đó có Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ VNAH; Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 9/4/2013, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành môt số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng...Thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh xác nhận 280 hồ sơ Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945. Nâng tổng số đối tượng xác nhận của toàn tỉnh lên 563 người, hiện 18 đối tượng còn sống. Xác nhận 140 hồ sơ Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nâng tổng số đối tượng xác nhận của toàn tỉnh lên 276 người, trong đó có 29 trường hợp còn sống. Riêng năm 2020 đã giải quyết  344 hồ sơ thờ cúng liệt sỹ, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ LĐ-TB và XH trình Thủ tướng cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 21 trường hợp liệt sỹ; trình Cục Người có công, Bộ LĐ - TB và XH cấp lại 88 Bằng Tổ quốc ghi công.  Đã trình Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 67 mẹ và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 1.728 mẹ, nâng tổng số “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” trong toàn tỉnh lên thành 2.786 mẹ3.

Nhìn chung, cuộc sống của người có công đã từng bước được cải thiện. Mức trợ cấp ưu đãi cho từng nhóm đối tượng chính sách được nâng lên theo lộ trình cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội; trợ cấp ưu đãi người có công nhằm từng bước bảo đảm cuộc sống của các gia đình chính sách bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Thực hiện phong trào xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trong những năm qua chính quyền các cấp đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Có thể nói, Chương trình huy động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và “xây dựng nhà tình nghĩa” là 2 chương trình được phát triển mạnh mẽ nhất của tỉnh ta. Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" đã được thành lập từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn bằng sự đóng góp trên tinh thần trách nhiệm, tình cảm của cán bộ và nhân dân trong toàn tỉnh và sự hỗ trợ của các đơn vị doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong cả nước ủng hộ.

Về hỗ trợ nhà ở đối với hộ người có công với cách mạng đang ở nhà tạm hoặc nhà hư hỏng nặng. Thực hiện các văn bản của nhà nước Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành đề án 2840/ĐA-UBND năm 2013, toàn tỉnh có 1.230 người có công cần hỗ trợ xây dựng nhà mới với số tiền là 49,2 tỷ, 3.245 người có công cần hỗ trợ sửa chữa với số tiền là 64,9 tỷ. Hỗ trợ từ trung ương là 114,1 tỷ, tỉnh vận động từ nguồn xã hội hóa là 10 tỷ để hỗ trợ thêm các các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 124,1 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2020, tổng số người hưởng trợ cấp là 147.128 đối tượng chiếm tỷ lệ 23% dân số (trong đó trợ cấp thường xuyên hàng tháng là 20.757 với số tiền khoảng 31 tỷ đồng, trợ cấp một lần là 63.111, còn lại là những đối tượng được hưởng trợ cấp khác) đây là số lượng khá cao (tỷ lệ này trên cả nước là 2,12%)4. Thực hiện các chế độ chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công được quan tâm chỉ đạo thực hiện đúng đối tượng, đúng chế độ, đảm bảo kịp thời, tận tay người hưởng, Ngoài việc chi trả đúng, đủ, kịp thời các chế độ trợ cấp ưu đãi theo quy định chung của Nhà nước, tỉnh Quảng Trị còn triển khai tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa.

Để có những kết quả như trên, đó là sự cố gắng nỗ lực của các cấp, chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện chính sách đối với người có công ở tỉnh Quảng Trị vẫn còn có những hạn chế như sau: Người có công còn gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất. Việc trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng người có công có xu hướng giảm dần do đa số người có công tuổi già, sức yếu từ trần hàng năm, chính phủ có điều chỉnh mức tăng cho các đối tượng chính sách nhưng không đáng kể so với tình hình lạm phát, giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao nên đời sống người có công gặp nhiều khó khăn. Công tác xác nhận đối tượng người có công còn gặp khó khăn, vẫn còn một số trường hợp đối tượng chính sách người có công chưa được giải quyết, gây thắc mắc trong đối tượng. Hồ sơ tồn đọng vẫn còn nhiều ở các cấp, đặc biệt là hồ sơ chất độc hóa học, thờ cúng Liệt sĩ, hồ sơ đề nghị phong/truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Việc cấp ngân sách Trung ương hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đối tượng chính sách chưa đủ nên việc xây nhà ở cho đối tượng chính sách chưa hoàn thành kế hoạch. Chính sách người có công nhiều, tuy nhiên lực lượng cán bộ làm công tác chính sách người có công ở các cấp vẫn còn thiếu, trình độ chuyên môn và nghiệp cụ chưa cao, một số cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều công việc dẫn đến một số nhiệm vụ công tác thực hiện còn chậm, thặm chí có nơi còn bỏ sót. Đặc biệt là cấp xã chỉ có một người làm công tác LĐ-TB&XH. Vì vậy, việc giải quyết các nhiệm vụ về lao động, thương binh và xã hội nói chung và chính sách với người có công nói riêng trở nên quá tải, dẫn đến có sự chậm trễ trong lĩnh vực quản lý.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập và thực hiện tốt hơn nữa chính sách NCC với cách mạng trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các văn bản của cấp trên đối với người có công, truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc và địa phương. Cấp uỷ, chính quyền địa phương cần tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi tầng lớp trong xã hội nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, giá trị to lớn, ý nghĩa nhân văn của việc thực hiện công tác chính sách nói chung, chính sách đối với NCC nói riêng. Đồng thời, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, nắm vững nội dung, yêu cầu các chỉ thị, hướng dẫn về các chính sách đối với NCC, nhất là Chỉ thị 02/CT-TTg, ngày 25-01-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Chỉ thị 21/CT-TTg, ngày 22/5/2017 về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng; Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư, về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng...

Thứ hai, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự đóng góp hỗ trợ của cộng đồng xã hội để thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Các ngành, các cấp, mặt trận và các hội đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh cần có nhiều chương trình hoạt động tình nghĩa, thiết thực, tăng cường sự quan tâm giúp đỡ về vật chất, động viên về tinh thần, giúp đỡ các gia đình chính sách gặp hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh, nhằm phát huy sự nổ lực vươn lên của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công trong giai đoạn hiện nay. Đẩy mạnh  hơn nữa công tác vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn tỉnh để tu bổ, xây dựng các công trình đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ cải thiện nhà ở, hỗ trợ người có công, hoặc thân nhân của họ khi khó khăn, ốm đau, hoạn nạn.

Thứ ba, thực hiện tốt hơn chính sách, chế độ ưu đãi người có công, gia đình có công. Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện công nhận NCC và thân nhân của họ; làm tốt hơn nữa việc chăm sóc sức khỏe đối với người có công ; huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với NCC. Phát triển sâu rộng các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn tỉnh, phấn đấu vận động thu vượt chỉ tiêu Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho gia đình NCC đang ở nhà tạm hoặc bị hư hỏng nặng. Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 24-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 15/5/2013 về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, xây dựng, tu sửa, nâng cấp nghĩa trang, nhà bia, đài tưởng niệm ghi tên liệt sỹ ở các xã, phường, thị trấn. Đối với hồ sơ còn tồn đọng, Phòng LĐ- TB&XH các huyện thường xuyên rà soát, đối chiếu quy định để xem xét giải quyết những trường hợp đủ điều kiện sớm được hưởng chế độ theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Thứ tư, tạo lập môi trường, giới thiệu, giải quyết việc làm để cho người có công và con em gia đình chính sách vươn lên nâng cao thu nhập và đời sống. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 28/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng. Cần xây dựng kế hoạch hàng năm, tích cực liên hệ với các đơn vị sản xuất kinh doanh, thương mại - dịch vụ, du lịch, nhất là các khu công nghiệp, làng nghề để giới thiệu việc làm cho con em các đối tượng chính sách. Cần xây dựng chương trình đào tạo nghề đối với con thương binh, con liệt sỹ và con đối tượng chính sách tạo điều kiện để những đối tượng này có cơ hội làm việc  trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế xã hội, ổn định cuộc sống. Chăm lo giáo dục, đào tạo cho con em thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công để tiếp nối truyền thống cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ năm, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách. Hằng năm cần tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán chính sách ở huyện, xã, thị trấn và khu dân cư. Cử nhiều hơn nữa cán bộ chính sách tỉnh, huyện tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về thực hiện chính sách do Trung ương tổ chức. Tuyển chọn mới những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có lòng nhiệt huyết, có độ tuổi phù hợp, năng động, sáng tạo… nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt vừa có tâm vừa có tầm để thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh.

Việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC. Có thể nói, những kết quả trên là tiền đề giúp tỉnh vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Hy vọng trong thời gian tới các cấp chính quyền, mặt trận tổ quốc, các ban ngành đoàn thể, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các tập thể, cá nhân trong toàn tỉnh với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” bằng tình cảm sâu sắc và việc làm thiết thực tích cực tham gia và thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với NCC.

Lê Thị Thanh Nhạn

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, t. 5, tr. 175

[2,4] Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (2020), Báo cáo Tổng kết 5 năm (2016-2020) thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng của tỉnh Quảng Trị.

[3] Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (2020), Báo cáo Công tác thực hiện chính sách đối với người có công năm 2020 của tỉnh Quảng Trị.

 

 

 

7786 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 854
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 855
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76819467