Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của vấn đề dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về vấn đề dân tộc. Nghị quyết Đại hội XI đã chỉ ra là: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điều 5, Hiến pháp (2013) quy định: "Nước CHXHCN Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc...”. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” đồng thời “chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”
Quảng Trị là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, là địa phương có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong đó đông nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Kô. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên 313.675 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới Việt - Lào. Toàn vùng có 44 xã, thị trấn thuộc địa bàn 02 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và các huyện có xã miền núi Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ. Trong đó, có 38 xã có đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô sinh sống tập trung theo cộng đồng thôn bản. Dân số đồng bào dân tộc thiểu số hiện có 20.476 hộ, 87.218 khẩu (chiếm tỷ lệ 14% dân số toàn tỉnh), trong đó nữ dân tộc thiểu số có khoảng trên 43.000 người.
Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về dân tộc và chính sách dân tộc, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chương trình, dự án như Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững; Dự án giảm nghèo bền vững cho huyện nghèo Đakrông theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM)… Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, thực hiện và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đó là kết quả tích cực trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, đảm bảo an sinh xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo lợi thế của từng tiểu vùng. Số hộ nghèo giảm hằng năm theo mục tiêu đề ra. Bộ mặt nông thôn miền núi thay đổi rõ rệt, bản sắc văn hóa các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn, an ninh chính trị luôn đảm bảo ổn định. Cộng đồng các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô cùng với người Kinh trên địa bàn đoàn kết, bình đẳng, giúp nhau cùng phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đã xuất hiện nhiều điển hình người dân tộc thiểu số phát triển các mô hình kinh tế thu nhập hằng năm đạt hàng trăm triệu đồng; hình thành câu lạc bộ thu nhập 100 triệu đồng là những hộ trồng sắn có thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Nhiều tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số hiến đất xây dựng trường học, làm đường, nuôi dạy trẻ mồ côi, chăm lo cuộc sống của cộng đồng… có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách dân tộc vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cụ thể là: Tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn ở mức cao, cuối năm 2020 là 28,32%, thu nhập bình quân đầu người 20,5 triệu đồng/năm, chưa bằng một nửa thu nhập bình quân chung cả tỉnh. Thị trường tiêu thụ, giá bán nông sản không ổn định làm cho người dân không yên tâm đầu tư sản xuất và tạo nguồn sinh kế bền vững. Nhu cầu giải quyết việc làm cho lao động cao nhưng thiếu việc làm ổn định theo ngành nghề được đào tạo tại địa phương. Nhiều công trình hạ tầng được xây dựng từ các chương trình, dự án nhưng do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu làm giảm chất lượng và công năng phục vụ, như các công trình nước tự chảy, công trình thủy lợi không còn nguồn nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Số vụ việc vi phạm pháp luật từ buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng tăng, tập trung chủ yếu ở khu vực biên giới, các giá trị văn hóa còn chưa được chú trọng bảo tồn một cách toàn diện và thấu đáo, chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực thấp, chưa đồng đều, hệ thống chính trị cơ sở nhiều nơi chưa đủ mạnh, cán bộ người dân tộc ở một số địa phương chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, còn để xảy ra khiếu kiện, tranh chấp đất đai…
Từ thực tiễn đó, trong thời gian tới để để hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân tộc, góp phần tạo sự bình đẳng, nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm thực hiện được mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2025 từ 1% - 1,5% và nâng thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 tăng gấp 2 lần so với năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75% - 80%... đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về thực hiện chính sách dân tộc cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về các Nghị quyết của Đảng về vấn đề dân tộc.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn các dân tộc. Huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng vùng, từng địa phương đảm bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số khai thác được thế mạnh của địa phương nhằm làm giàu cho gia đình và xã hội. Xây dựng kết cấu hạ tầng mà trước hết là giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, điện thắp sáng và các công trình phúc lợi công cộng khác. Phát triển nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hóa hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Khai thác tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, khoáng sản, danh lam thắng cảnh, các thế mạnh của từng địa phương trong phát triển kinh tế xã hội.
Thứ ba, thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc nói chung và từng dân tộc nói riêng. Đẩy mạnh xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa; xây dựng và đầu tư các trang thiết bị cho các trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Tổ chức nhiều hoạt động lễ hội văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, đẩy mạnh việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.
Thứ tư, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ đối với con em là người dân tộc thiểu số địa phương, đồng thời phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào để cùng tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tham gia công tác xóa đói giảm nghèo và theo dõi, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc.
Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tin tưởng rằng với trách nhiệm và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc của tỉnh cùng sự phối hợp của các sở, ban, ngành và các địa phương, thời gian tới tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh sẽ có những bước chuyển biến mới, phát triển ổn định và bền vững. Hải Đăng