Một số giải pháp nhằm giáo dục ý thức tự tôn dân tộc cho thanh niên hiện nay 

Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, là người chủ tương lai vận mệnh của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng đinh: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà…”. Vì vậy, Người luôn luôn quan tâm, giáo dục các thế hệ thanh niên, Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho đoàn viên, thanh niên "Muôn vàn tình thương yêu", Người đánh giá: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ" và căn dặn "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng CNXH vừa “hồng”vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.

Hiện nay, đất nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã tạo cơ hội cho đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên phát triển về mọi mặt, đã tạo ra những cơ hội để cho mọi công dân có thể mở rộng giao lưu và tìm kiếm cơ hội phát triển, tạo cho thanh niên các cơ hội để giao lưu, học tập. Song hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng tác động tiêu cực đến thanh niên. Do tác động của cơ chế trường, đã làm cho đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên lệch lạc, thanh niên không có chí hướng rõ ràng, giảm sút niềm tin vào Đảng vào Nhà nước, bản lĩnh non kém, dễ bị lôi kéo, kích động, chưa hiểu biết đầy đủ truyền thống cách mạng của Đảng và dân tộc, ít quan tâm đến tình hình đất nước. Vì vậy, để khơi dậy, phát huy và bồi dưỡng ý thức tự tôn dân tộc cho các thế hệ, đặc biệt là thanh niên - những người chủ tương lai của đất nước là một việc làm cấp bách, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc nhất là, trong gia đoạn hiện nay.

Giáo dục ý thức tinh thần tự tôn dân tộc cho thanh niên trước hết là giáo dục về ý thức bảo vệ, đề cao lịch sử, lãnh thổ, tiếng nói, đặc điểm kinh tế và bản sắc văn hóa của chính dân tộc. Ý thức tự tôn dân tộc là ý thức về sự tồn tại vững bền, sức sống mãnh liệt của dân tộc, bảo vệ cội nguồn, đề cao những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trước hết là những giá trị về lòng yêu nước, cần cù, sáng tạo, về lòng nhân ái, khoan dung, hiếu học; tự hào về truyền thống lịch sử, đấu tranh dựng nước, giữ nước và đấu tranh cách mạng của dân tộc; tinh thần sẵn sàng bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tinh thần tự giác trong đề phòng, ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại hoàn toàn mọi âm mưu, hành động xâm phạm tới lợi ích của quốc gia dân tộc.... Ý thức tự tôn dân tộc còn thể hiện ở sự tự giác sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, theo các chuẩn mực đạo đức, phong tục, tập quán của cộng đồng dân tộc, biết tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới có chọn lọc, giữ gìn và quảng bá hình ảnh và nét đẹp của dân tộc, tạo hình ảnh đẹp và tin cậy với bạn bè quốc tế trong giao lưu, hội nhập.

Trong điều kiện hiện nay, giáo dục ý thức tự tôn dân tộc cho thanh niên còn  giúp cho thanh niên có tinh thần dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong học tập, lao động, đời sống; tinh thần vươn lên, lập thân, lập nghiệp, tạo công ăn việc làm, làm giàu chính đáng cho mình và cho xã hội; tinh thần đấu tranh với quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cái sai, cái xấu... để làm lành mạnh hóa xã hội tạo địa bàn cho sự phát triển của xã hội, dân tộc.

Để bồi dưỡng ý thức tự tôn dân tộc cho thanh niên tác giả xin đưa ra một số giải pháp sau:

Một là, đề cao vị trí vai trò mỗi cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, các trường học các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương trong giáo dục ý thức tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ. Trong các hoạt động và kế hoạch của mình các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần đề ra chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch hành động cụ thể trong từng thời kỳ, từng giai đoạn và phù hợp với từng đối tượng thanh niên nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức tự tôn dân tộc cho thanh niên.

Hai là, tổ chức các phong trào tôn vinh, phát huy và nhân rộng các giá trị văn hóa truyền thống, lối sống đẹp, phát hiện những nhân tố mới, điển hình trong các thế hệ thanh niên để tuyên truyền, giáo dục kịp thời cho mọi đối tượng thanh niên; đồng thời đấu tranh phê phán các hoạt động phi văn hóa, lối sống thực dụng, hưởng lạc, nhân cách thấp hèn, đạo đức thoái hóa …

Ba là, coi trọng công tác giáo dục trong gia đình cho thế hệ trẻ. Cần xây dựng các gia đình thực sự trở thành gia đình văn hóa mới, có cuộc sống ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp, những truyền thống văn hóa thẩm mỹ của các gia đình Việt Nam, nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ là cơ sở vững chắc cho việc hình thành lối sống văn hóa của mỗi người. Trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay, cần đặc biệt quan tâm nhiều hơn đến việc củng cố và xây dựng gia đình nhằm cùng với nhà trường và toàn xã hội góp phần giáo dục, bồi dưỡng và hình thành một thế hệ thanh niên mới đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bốn là, nâng cao vị trí vai trò của các tổ chức đoàn, tổ chức hội đi đôi với việc tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh trong giáo dục lòng tự tôn dân tộc, góp phần hình thành lối sống văn hóa cho thanh niên. Giáo dục lòng tự tôn dân tộc cho thanh niên là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội do Đảng lãnh đạo. Bởi vậy, việc thực hiện công tác này luôn đòi hỏi các giải pháp đồng bộ, phối hợp được mọi nguồn lực, mọi tiềm năng của xã hội tạo thành một cơ chế chung, thống nhất. Cơ chế phối hợp hoạt động và chỉ đạo chung về công tác thanh niên cần được xây dựng trên những cơ sở pháp lý, có sự phân công chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng, gia đình. Trong đó, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính có vai trò nòng cốt, trực tiếp triển khai thực hiện.

Năm là, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên. Cùng với việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên, cần phải đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh đi trước, truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng của Đảng cho thanh niên. Trong quá trình thực hiện công tác giáo dục, phải khơi gợi trong thanh niên lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng của dân tộc, biết nâng niu, trân trọng và giữ gìn những di sản văn hóa của dân tộc, biết làm giàu tri thức của bản thân bằng trí tuệ, tinh hoa nhân loại nhưng không bao giờ được lãng quên cội nguồn, thờ ơ với truyền thống của quê hương, dân tộc.

Bồi dưỡng, giáo dục ý thức tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ nói chung, thanh niên nói riêng đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một nhiệm vụ vừa có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách. Trong đó giáo dục, bồi dưỡng ý thức tự tôn dân tộc đóng vai trò đặc biệt quan trọng góp phần hình thành lối sống văn hóa cho thanh niên, để từ đó xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam vừa có đức vừa có tài, thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Tân Linh

1249 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 672
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 672
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77149109