Thực hiện các chủ trưởng, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian qua, Tỉnh Quảng Trị đã tổ chức tuyển sinh và dạy nghề cho 57.482 lao động nông thôn, trong đó, dạy nghề nông nghiệp 33.424 người; dạy nghề phi nông nghiệp 24.058 người; trên 80% lao động sau đào tạo được giải quyết việc làm và cho thu nhập ổn định. Công tác đào tạo nghề đa dạng về hình thức và loại hình đào tạo, số lượng các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn cũng tăng lên, đến nay đã có 22 cơ sở, bao gồm: 4 trường trung cấp, 2 trường cao đẳng, 9 trung tâm dạy nghề và 8 cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó, cơ sở đào tạo nghề công lập chiếm 75%
Quy mô cơ cấu nghề đào tạo được mở dần theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, yêu cầu sản xuất kinh doanh và đòi hỏi của thị trường với danh mục gồm 104 ngành, nghề đào tạo ở các cấp trình độ; cùng với việc đào tạo các nghề phục vụ cho các khu kinh tế, các cơ sở đã đào tạo các nghề phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 04/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.
Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện; đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng với nhu cầu của người học; chương trình đào tạo và các ngành nghề được mở rộng phù hợp theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề được triển khai đồng bộ, đúng đối tượng và đảm bảo hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn đến nay chiếm tỷ lệ 65,88%, đạt kế hoạch đã đề ra.
Tuy nhiên, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức,hiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc xác định nghề đào tạo cho lao động nông thôn, bài toán làm thế nào để đào tạo nghề cho phù hợp với chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển ngành nghề của địa phương vẫn chưa tìm được lời giải. Đội ngũ giáo viên dạy nghề ở cấp huyện còn thiếu, ít kinh nghiệm thực tiễn nên rất khó khăn trong truyền đạt các kiến thức về nghề. Ở một số địa phương, nhận thức của người dân về học nghề chưa cao nên tham gia còn mang tính phong trào, chưa đầu tư thời gian học tập. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa có biện pháp chỉ đạo tích cực trong việc khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cũng như công tác tổ chức thực hiện…
Vì vậy, để giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn trong năm 2021 và những năm tiếp theo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đã đề ra, theo chúng tôi, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đẩy nhanh phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn để có điều kiện ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cho những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, lúa cao sản để trở thành sản phẩm hàng hoá. Từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá chăn nuôi, gắn chăn nuôi với chế biến. Trên cơ sở tập quán chăn nuôi, hình thành mạng lưới nhân giống, cải tạo dần cơ cấu giống, nâng cao chất lượng, sản lượng thịt phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Thứ hai, khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống đi đôi với xây dựng làng nghề mới. Trên thực tế, các làng nghề truyền thống thu hút một số lượng lớn lao động nông thôn. Vì vậy, cần phải khôi phục, lựa chọn phát triển mạnh các ngành nghề truyền thống đã có và đang được phát huy có hiệu quả, như: mây tre đan, mộc mỹ nghệ cao cấp, chế tác đá, dệt, may, chế biến nông, thuỷ sản... Thông qua công tác phát triển, mở rộng các làng nghề truyền thống thành xã nghề, xây dựng làng nghề mới và phát triển tiểu - thủ công nghiệp, chế biến nông, lâm, thủy sản với quy mô vừa và nhỏ. Cần có kế hoạch xây dựng, mở rộng phát triển những ngành nghề truyền thống mang hiệu quả kinh tế thiết thực, nhằm khai thác một cách đầy đủ nhất các lợi thế về lao động, nguyên liệu và về tay nghề... của các địa phương của tỉnh.
Thứ ba, phát triển kinh tế tư nhân và loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo ra nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững. Đồng thời, cần củng cố, đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ hợp tác, hợp tác xã làm dịch vụ sản xuất cho kinh tế hộ, như: Dịch vụ kỹ thuật, bảo vệ thực vật, nhân giống và cung cấp giống; dịch vụ điện nước, tài chính, thương mại, tiêu thụ sản phẩm... Thực hiện tốt vai trò liên kết, cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng thể hiện qua việc thu mua nông sản, đảm bảo quyền lợi cho xã viên và người lao động trong hợp tác xã. Đây mạnh phát triển kinh tế hộ ở nông thôn trong tất cả các lĩnh vực, ngành hoạt động mà kinh tế hộ có thể tham gia.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống, phát huy các mô hình phát triển dịch vụ hiện có, nhanh chóng đưa dịch vụ trở thành mũi nhọn. Củng cố và phát triển mạng lưới thương nghiệp nông thôn với sự tham gia của các thành phần kinh tế, đảm bảo cung ứng kịp thời các công cụ, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và các nhu yếu phẩm cần thiết cho nông dân. Đẩy mạnh phát triển du lịch, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch, các hình thức huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế để có vốn phát triển ngành du lịch ở các vùng, địa phương có lợi thế về phát triển ngành này.
Thứ năm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, chú trọng phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ để tạo cơ cấu vững chắc cho việc làm ở nông thôn. Trước hết, phải hết sức coi trọng khai thác thị trường trong tỉnh, trong nước, khu vực đi đôi với việc khai thác mở rộng thị trường ở nước ngoài. Thực hiện cơ chế thông thoáng trong lưu thông hàng hoá, nâng cao chất lượng hàng hoá, phát triển sản xuất các loại sản phẩm hàng hoá, như: Lúa hàng hoá, sản phẩm chế biến, thủy sản, chăn nuôi ... Thực hiện tốt việc gắn kết giữa các đơn vị, cơ sở chế biến nông sản, tiêu thụ sản phẩm với người sản xuất để thúc đẩy sản xuất phát triển.
Thứ sáu, đổi mới phương pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phương hướng chung là không đào tạo tràn lan, mà phải phù hợp với nhu cầu của từng địa phương (huyện, xã). Trong đó, cần xây dựng và triển khai dự án (hay chương trình) về đào tạo nghề cho những người thuộc diện thu hồi đất để phát triển công nghiệp và đô thị. Mấu chốt là từ khâu quy hoạch, cấp phép đầu tư cho đến xây dựng kết cấu hạ tầng trong và ngoài "hàng rào" các khu công nghiệp, khu đô thị mới... phải có kinh phí cho việc đào tạo nghề đối với người dân bị thu hồi đất. Tiếp tục đào tạo nghề theo các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Hỗ trợ đào tạo nghề theo chiến lược xuất khẩu, kể cả hỗ trợ đào tạo nghề để tham gia xuất khẩu lao động. Đồng thời đẩy mạnh liên kết nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà trường để đào tạo nghề. Đây là giải pháp có tính xã hội hóa, nhằm hướng vào những lao động và doanh nghiệp ở nông thôn có nhu cầu đào tạo nghề cho mình và cho những người khác. Sự liên kết giữa họ với các trường dạy nghề sẽ thúc đẩy hình thành mạng lưới các điểm đào tạo nghề theo hướng chính quy và bảo đảm "đầu ra" của công tác đào tạo./. Tân Linh