Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng hiện nay 

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật theo phương châm “công minh, chính xác, kịp thời”. Đây là nhân tố bảo đảm cho sự thống nhất của Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tạo điều kiện để biến sức mạnh chính trị, tư tưởng và tổ chức thành sức mạnh vật chất của Đảng.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng kiểm tra là đòi hỏi tất yếu trong hoạt động lãnh đạo, là một mặt công tác rất quan trọng của Đảng mà nếu kiểm tra không tốt, thì chính sách có nguy cơ bị vô hiệu hóa trong thực tiễn. Người đã căn dặn: “Công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân…” Kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xây dựng tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Kiểm tra, giám sát còn là cơ sở để thực hiện các nội dung khác của công tác xây dựng Đảng. Hồ Chí Minh đánh giá rất cao ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát. Người đã thường xuyên nhắc nhở: Đảng phải luôn luôn xem lại những nghị quyết và chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không như vậy, thì những nghị quyết và chỉ thị đó không chỉ là lời nói suông mà còn hại đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Người cho rằng, qua kiểm tra, giám sát sẽ phát hiện và ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đó cũng là cách để góp phần làm tốt công tác tư tưởng nhất là cũng cố lòng tin của dân đối với Đảng. Người khẳng định: “chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra, giám sát. Nếu tổ chức kiểm tra, giám sát chu đáo thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm”. Đồng thời, cũng theo Người, công tác kiểm tra, giám sát sẽ góp phần thực hiện thực hiện tốt công tác tổ chức, cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy cho phù hợp, lựa chọn những cán bộ tốt, sắp xếp tổ chức bộ máy cho phù hợp. Trong tác phẩm Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hiện ngay, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ít”. Yếu tố quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát là góp phần ngăn ngừa sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, góp phần bảo vệ cán bộ đảng viên của Đảng.

Thực tiễn qua hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta đã khẳng định vai trò to lớn của công tác kiểm tra, giám sát theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đánh giá khách quan và toàn diện những thành tựu cũng như những yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, trong đó có công tác kiểm tra, giám sát. Đảng ta khẳng định: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được tăng cường, có hiệu lực, hiệu quả hơn, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng”. Bên cạnh đó, Đảng ta cũng chỉ rõ: “Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chưa cao, chưa đủ sức góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ Đảng. Nhiều khuyết điểm, sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên chậm được phát hiện, kiểm tra, xử lý, hoặc xử lý kéo dài, nên kỷ cương, kỷ luật ở một số nơi chưa nghiêm; chua phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát”. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình sẽ góp phần thiết thực cho cương lĩnh chính trị, đường lối, chiến lược, các nghị quyết được tổ chức thực hiện tốt, qua đó khắc phục được tình trạng mất đoàn kết, tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều tổ chức đảng, góp phần giáo dục, bảo vệ đội ngũ đảng viên, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Nhận thức tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, trong những năm qua, các cấp ủy đảng từ Trung ương đến tận cơ sở đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, các quy chế, quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát. Đã tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong các đảng bộ đạt kết quả tích cực, qua đó nắm vững tình hình đội ngũ cán bộ, đảng viên, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn công tác kiểm tra của các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp có chuyển biến mới, chủ động, kịp thời, bám sát thực tiễn và công tác xây dựng Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp được tiến hành chủ động, đồng bộ, toàn diện, đúng Điều lệ và các quy định của Đảng, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Cơ quan kiểm tra của Đảng đã phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng của Nhà nước để kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời những tổ chức, cán bộ, đảng viên vi phạm.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng hiện vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế: không ít địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt nên hiệu quả chưa cao, chưa đủ sức răn đe; đấu tranh với vi phạm vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, không nghiêm túc. Một số tổ chức đảng còn tỏ ra bị động trong phát hiện tiêu cực. Công tác kiểm tra, giám sát chỉ được phát hiện khi có đơn tố cáo, đã làm cho vai trò, uy tín của cấp ủy với tổ chức chính quyền bị giảm sút. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát; chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo; việc xác định nội dung kiểm tra, giám sát còn dàn trải, chưa đi vào những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực. Chính vì những hạn chế đó, nên tình hình vi phạm của các tổ chức đảng, của cán bộ đảng viên còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, suy thoái về đạo đức, lối sống.

Từ thực trạng đó, để công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, cần thực hiện tốt những giải pháp sau:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, cán bộ đảng viên về vai trò, vị trí của công tác kiểm tra, giám sát; các chi bộ tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm. Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, gắn kiểm tra giám sát với vai trò của nhân dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Sửa đổi, bổ sung mới các quy định pháp luật về chế độ, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế. Ban hành mới các quy định, quy chế về công tác xây dựng Đảng; quy chế phối hợp giữa tổ chức đảng với tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác kiểm tra, giám sát.

Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy phòng ngừa, xây là chính. Đồng thời, kiên quyết xử lý tổ chức đảng, các đảng viên cố tình vi phạm.

Thứ tư, kiện toàn tổ chức bộ máy ủy ban kiểm tra đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, kiện toàn cơ quan ủy ban kiểm tra theo mô hình thống nhất từ Trung ương đến quận, huyện; tăng cường cán bộ kiểm tra chuyên trách cho ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở.  Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh, tính chiến đấu cao, có kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học, công tâm, khách quan, sâu sát.

Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Chú trọng nghiên cứu các chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Định kỳ, ủy ban kiểm tra các cấp tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm tra, giám sát theo khu vực, lĩnh vực. Xuân Ngọc

34451 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 743
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 743
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77578546