MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ Ở TỈNH QUẢNG TRỊ HIỆN NAY 

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn coi xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng và tầm ảnh hưởng sâu rộng đến sự tồn tại và vai trò lãnh đạo của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã khẳng định: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII xác định “Xây dựng Đảng về đạo đức” làm một trong bốn nội dung về xây dựng Đảng hiện nay; Luật Cán bộ, công chức nêu: “Cán bộ, công chức phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ”. Thực tiễn trong những năm qua đã cho thấy, việc đẩy mạnh nền kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã dẫn đến một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ, công chức cấp xã nói riêng có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải xây dựng và nâng cao đạo đức công vụ, cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là nhiệm vụ quan trọng hiện nay.

Bởi vì, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là những người trực tiếp truyền đạt và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước với người dân, những người trưởng thành từ phong trào địa phương cho nên mỗi hành động, lời nói, thái độ, cử chỉ đều cần phản ánh cụ thể những chuẩn mực đạo đức cán bộ, công chức cấp xã nói riêng và đạo đức cách mạng nói chung.

Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Quảng Trị đã thực hiện lời dạy của Bác: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, đã được nâng cao về trình độ mọi mặt, thực hiện tốt các quy chế của Đảng về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tuân thủ nghiêm túc quy chế văn hóa công sở văn minh, không ngại hy sinh thời gian, công sức để tích cực vận động nhân dân: “Xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”; sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố, sáp nhập xã, thị trấn; tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, thôn… góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh. Bản lĩnh chính trị, tác phong làm việc, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được cải thiện, trình độ chính trị, quản lý nhà nước, tin học, quốc phòng, an ninh… của phần lớn cán bộ xã được chuẩn hóa.

Tuy nhiên bên cạnh những thành công, trưởng thành về nhiều mặt về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vẫn còn những cán bộ, công chức không vượt qua được sự cám dỗ của sự thoái hóa, «tự diễn biến», «tự chuyển hóa”, rơi vào chủ nghĩa cá nhân. Một bộ phận cán bộ, công chức cấp có biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, thiếu sâu sát những vấn đề mới phát sinh ở cơ sở… Chưa gắn xây dựng Đảng về đạo đức với xây dựng đạo đức công vụ, thiếu những quy định, quy chế, chế tài cần thiết, đủ mạnh để ngăn chặn những hiện tượng suy thoái về đạo đức, góp phần hình thành chuẩn mực đạo đức tiến bộ, cách mạng cho đội ngũ cán bộ, chức cấp xã. Trên cơ sở những kết quả đạt được và những khó khăn hạn chế nêu trên, để phát huy vai trò của đạo đức trong đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, góp phần xây dựng đạo đức công vụ, các cấp, các ngành cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị cấp xã trong đó tập trung xây dựng quy chế cụ thể xây dựng Đảng về đạo đức và Đề án Văn hóa công vụ. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc xây dựng mới các chính sách, văn bản pháp luật, quy chế nội bộ về văn hóa công vụ, đạo đức cán bộ, công chức cấp xã bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Trung ương và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa của địa phương. Hoàn chỉnh các nội dung về vị trí việc làm gắn với cụ thể hóa hệ thống chuẩn mực đạo đức công vụ cho hệ thống chính trị cơ sở, cho từng chức danh, vị trí việc làm trong khi thực thi hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành và vận động quần chúng, nhân dân ở địa phương cơ sở. Các cấp, ngành, địa phương ban hành Quy định tiêu chí nội bộ trong đánh giá, chấm điểm, phân loại phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong thực thi công vụ.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đạo tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cán bộ, công chức, đảng viên ở cấp xã về mọi mặt trong đó tập trung các nội dung như giáo dục đạo đức cán bộ, công chức phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cương xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chăn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Nêu cao tinh thần tu dưỡng, tự soi, tự sửa, tự trau dồi đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể ở cấp xã.

Thứ ba, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện có hiệu quả việc đánh giá cán bộ, công chức cấp xã trong thực hiện kết quả công việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, nêu cao sự tự giác, nêu gương, tiên phong thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ nhất là đối với cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cấp xã, tạo ra sự lan tỏa, thúc đẩy phong trào cách mạng ở từng địa phương cơ sở. Đảm bảo thực hiện nghiêm văn bản của Đảng, pháp luật về cán bộ, công chức như: Quy định 102/QĐ-TW, ngày 15/11/2020 của Ban chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên, Luật Cán bộ, công chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quyết định 1847/ QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ… hướng tới xây dựng đạo đức cán bộ công chức không chỉ dừng lại ở hiểu biết, nhận thức mà phải trở thành ý thức, hành động trên cơ sở những quy định, quy chế và tạo ra tình cảm sâu sắc trong hoạt động chuyên môn, với sự tận tụy phục vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Thứ tư, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trong đó tập trung vào các chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Cải thiện môi trường làm việc, văn hóa hành chính, cơ sở vật chất, lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ… cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đảm bảo tiêu chuẩn cơ bản về môi trường làm việc trong điều kiện hiện nay. Làm tốt công tác bố trí cán bộ, công chức cấp xã tham gia chỉ đạo thôn, tổ dân phố thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xử lý điểm nóng xã hội...

Thứ năm, đổi mới nội dung và phương pháp kiểm tra, thanh tra giám sát, kỷ luật của Đảng, chính quyền đối với hệ thống chính trị cấp xã để nâng cao đạo đức cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ. Tuân thủ nghiêm túc quy chế sinh hoạt chi bộ, văn hóa công sở nhất là thực hiện nội dung tự phê bình, phê bình trong đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, phát huy vai trò phản biện xã hội của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng đạo đức công vụ và thông qua hòm thư góp ý, phản ánh qua các kênh thông tin trên các trang thông tin cấp xã, cấp huyện… đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ. Tăng cường công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về xây dựng đạo đức công vụ và mối quan hệ với xây dựng Đảng về đạo đức, thực hiện hiệu quả các nội dung về cải cách hành chính ở cấp xã.

Cùng với quá trình đổi mới đất nước công tác xây dựng đạo đức công vụ là đòi hỏi tất yếu, khách quan trong công tác cán bộ, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị, là công việc thường xuyên, lâu dài và sự tham gia của toàn thể nhân dân nhằm ngăn ngừa sự xuống cấp, suy thoái về đạo đức đồng thời hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức cách mạng để đáp ứng tốt hơn những yêu cầu, nhiệm vụ của hệ thống chính trị cơ sở hiện nay. Tân Linh

 

2895 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1142
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1142
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76412752