1. Những thuận lợi và khó khăn trong việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- Thuận lợi:
Công tác học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến tỉnh, huyện, tổ chức cơ sở đảng và chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở. Ngay sau khi các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng được ban hành, căn cứ Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết trên toàn tỉnh, trên cơ sở đó các cấp, các ngành và địa phương căn cứ vào Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt của địa phương, đơn vị mình.
Cấp uỷ Đảng các cấp đã chủ động, tích cực trong việc xây dựng kế hoạch, phân công báo cáo viên và tổ chức triển khai học tập Nghị quyết, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đưa nghị quyết đi vào cuộc sống; Báo cáo viên tại hội nghị các cấp được lựa chọn chủ yếu là đồng chí Bí thư và các đồng chí trong Ban Thường vụ cấp ủy có trình độ lý luận chính trị, nhiều kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, các đồng chí đã chuẩn bị kỹ đề cương, có phương pháp truyền đạt rõ ràng, kết hợp với nắm bắt kịp thời những thông tin mới, trong quá trình giới thiệu những nội dung cơ bản của nghị quyết, nhiều vấn đề có tính lý luận và thực tiễn được các báo cáo viên tập trung luận giải, phân tích làm rõ, giúp cho người học có thêm những thông tin thuận lợi cho việc triển khai thực hiện ở cơ sở.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở của tỉnh ta có trình độ văn hóa, trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn cao; có nhiều đảng viên là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Đối với nhiều cán bộ, đảng viên, việc học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết không chỉ là nhiệm vụ mà còn là nhu cầu tự thân của mỗi người. Chính vì vậy, đội ngũ này đã chủ động nắm bắt, tiếp nhận thông tin và nghiêm túc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu nghiên cứu...được thực hiện đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, quán triệt Nghị quyết.
Việc tổ chức triển khai và xây dựng chương trình hành động thực hiện chỉ thị, nghị quyết sát với tình hình địa phương, đơn vị.
- Khó khăn:
Bên cạnh những thuận lợi, việc tổ chức học tập, quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng gặp không ít khó khăn:
Hiện nay cơ sở vật chất để tổ chức hội nghị trực tuyến ở tỉnh ta chưa thực sự bảo đảm, chủ yếu mới trực tuyến đến cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở chưa thực hiện được; một số đơn vị có hội trường nhỏ, nên số lượng địa biểu được triệu tập bị hạn chế. Một số ít bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa thấy rõ trách nhiệm của mình nên việc tham gia học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng chưa đầy đủ hoặc tham gia với tư thế bị động, chưa tích cực, nên ảnh hưởng đến chất lượng chung. Trong việc viết bài thu hoạch học tập, quán triệt Nghị quyết một bộ phận cán bộ, đảng viên còn có tư tưởng đối phó, sao chép và không có những liên hệ thực tiễn địa phương, đơn vị.
Một số Nghị quyết của Trung ương có nội dung dài mà thời gian nghiên cứu, học tập ngắn nên Báo cáo viên khó phân tích, luận giải sâu sắc hơn cho người học; Một số đồng chí báo cáo viên khi truyền đạt nội dung ít liên hệ thực tiễn nên chưa tạo được sức lôi cuốn, thu hút đối với người nghe. Một số Đảng bộ cơ sở, năng lực trình bày của báo cáo viên còn hạn chế nên chỉ mới trình bày nội dung nghị quyết theo đề cương của Trung ương hoặc của tỉnh, của đảng bộ ngành mà ít có liên hệ thực tiễn địa phương, ngành, đơn vị, nhất là những ưu điểm, khuyết điểm về các mặt hoạt động của cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc lãnh đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết đã ít nhièu ảnh hưởng đến hiệu quả học tập nghị quyết của Đảng.
Một số cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của việc triển khai, quán triệt nghị quyết của Đảng; coi nhẹ việc quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên tham gia học tập. Việc đổi mới học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng sao cho có hiệu quả được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng, nhưng đến nay vẫn còn khó khăn, lúng túng, nhất là ở cơ sở.
2. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập, quán triệt các Nghị quyết của Đảng
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các cấp uỷ đảng trong tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đối tượng, đối tượng khác nhau cần có nội dung, phương pháp truyền đạt khác nhau. Về nội dung, đối với cán bộ chủ chốt cần đi sâu phân tích những nội dung, những điểm mới của nghị quyết gắn với liên hệ thực tiễn của địa phương, đơn vị, đối với các đối tượng khác, tập trung vào những vấn đề hết sức cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, chú trọng việc liên hệ nhiệm vụ của đối tượng nhằm tạo sự thông suốt về nhận thức, tư tưởng...Về hình thức, đối với cán bộ chủ chốt cần đề cao phương pháp tự nghiên cứu, tăng cường trao đổi, thảo luận và quán triệt những vấn đề có liên quan đến quan điểm, lý luận gắn với thực tiễn mà nghị quyết đặt ra, đối với đảng viên ở cơ sở, tùy đặc điểm tình hình cụ thể của đối tượng và địa bàn để chọn hình thức, phương pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đảng viên, công chức, viên chức tham gia được nhiều nhất.
Thứ hai, Sau mỗi đợt tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết các cấp ủy Đảng cần chỉ đạo theo dõi việc viết bài thu hoạch cá nhân nhằm tránh việc sao chép hình thức hoặc đối phó, có thể tổ chức các cuộc thi tìm hiểu nội dung nghị quyết. Đây là cách làm sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng học tập các Nghị quyết của Đảng. Riêng đối với các đối tượng là cán bộ hưu trí, các đảng viên cao tuổi chỉ nên khuyến khích không nên bắt buộc phải viết bài thu hoạch.
Thứ ba, Việc nghị quyết của Đảng có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất lớn ở khâu xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hành động. Đây là một trong những yếu tố có tính quyết định, do đó không được xem nhẹ. Thực tế trong thời gian qua, chúng ta rất chú trọng vấn đề này nên đã tạo được những chuyển biến tích cực, tuy nhiên so với yêu cầu vẫn còn nhiều lúng túng, bất cập. Vì vậy, trong thời gian tới, cần phải đầu tư công sức, trí tuệ, huy động các nguồn lực để khắc phục hiệu quả tình trạng trên. Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực, đồng thời có sự phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thể, tránh chung chung; thường xuyên đôn đốc, giám sát, kiểm tra kết quả thực hiện, kịp thời uốn nắn những sai trái, lệch lạc, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ tư, Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, lựa chọn xây dựng đội ngũ báo cáo viên bảo đảm cả về số lượng và chất lượng; có phẩm chất, năng lực, uy tín cao và có phương pháp truyền đạt hấp dẫn, dễ hiểu,... Báo cáo viên các cấp là người nghe, thu nạp thông tin, để rồi tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, vì vậy việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, phương pháp; kịp thời cung cấp tài liệu cho báo cáo viên, nhất là những thông tin liên quan đến nghị quyết đang triển khai thực hiện là một vấn đề rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả tuyên truyền miệng của đội ngủ báo cáo viên các cấp.
Thứ năm, Tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết bằng hình thức trực tuyến nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng thông tin, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới, khắc phục được tình trạng ở trên làm kỹ - ở dưới làm lướt, đồng thời tiết kiệm thời gian, kinh phí và mở rộng đối tượng tham gia.
Thứ sáu, Đối với cơ quan báo chí, truyền hình cần có các chuyên trang, chuyên mục có nội dung về học tập, triển khai nghị quyết của Đảng, các chuyên mục này cần liên tục được đổi mới cả về nội dung và hình thức...
Thứ bày, Các cấp ủy Đảng cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình hành động, đưa hoạt động này vào nền nếp. Lấy việc thực hiện kiểm tra chương trình hành động và thể chế hóa nghị quyết làm trọng tâm, từng bước thay thế dần việc tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết một cách đại trà, theo phong trào một cách hình thức./. Châu Minh