Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục gia đình trong giai đoạn hiện nay 

Gia đình là tế bào, hạt nhân của xã hội. Đồng thời, gia đình còn là một hình thức tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa – xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục … giữa các thành viên.

Gia đình có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội, là nhân tố tồn tại và phát triển của xã hội, gia đình như một tế bào tự nhiên, là đơn vị nhỏ nhất để tạo nên xã hội. Không có gia đình để tái tạo ra con người thì xã hội không tồn tại và phát triển được. Chính vì vậy, muốn xã hội tốt thì phải xây dựng gia đình tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Yếu tố gia đình chịu trách nhiệm ban đầu đối với quá trình xã hội hóa của cá nhân, hình thành phẩm chất, nhân cách của con người. Việc giáo dục con trẻ đạo đức và văn hóa gia đình, giáo dục lao động, giáo dục phát triển trí tuệ, giáo dục thể lực toàn diện, giáo dục thẩm mỹ; khơi dậy cho con trẻ những ý tưởng sáng tạo, hình thành lối sống lành mạnh, góp phần vào quá trình giáo dục, hình thành và phát triển nhân cách con người.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh nền kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, gia đình Việt Nam đang có những biến đổi mạnh mẽ trong cấu trúc, hình thái, quy mô và mối quan hệ giữa các thành viên, thế hệ. Đặc biệt, chịu tác động từ xu thế toàn cầu hóa, những giá trị, chuẩn mực truyền thống cũng đã và đang thay đổi; trong đó, ở không ít gia đình, mối quan tâm, chăm sóc của một bộ phận cha mẹ dành cho con trẻ suy giảm, thiếu kỹ năng và phương pháp giáo dục khoa học hoặc “khoán trắng” cho xã hội và nhà trường, thậm chí nhiều trẻ nhỏ chịu tác động xấu bởi tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, lối sống thực dụng, trọng tiền tài, vật chất. Đây chính là nguyên nhân quan trọng khiến cho gia đình chưa phát huy được vai trò của nó với tư cách là môi trường góp phần nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực có chất lượng tốt phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhận thức sâu sắc thực trạng này, Văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng, nhất là những nhiệm kỳ gần đây đã nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống, sự gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm đáng lo ngại, nhất là trong lớp trẻ”. Đây không chỉ là một trong những thách thức lớn đối với sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức, lối sống, nuôi dưỡng sự hình thành và phát triển nhân cách con trẻ trong gia đình nói riêng, mà còn ảnh hưởng đến việc tạo dựng, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự hình thành và phát triển nhân cách con người là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn xã hội, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, gia đình và mỗi cá nhân; trong đó, gia đình có vai trò hết sức quan trọng.

Vì vậy, giải quyết tốt các vấn đề của gia đình cũng đồng thời là giải quyết tốt các vấnđề xã hội, cho nên chú trọng xây dựng gia đình hạnh phúc, phát huy vai trò giáo dục của gia đình cũng chính là để xóa bỏ những khó khăn, thách thức đang làm suy yếu gia đình, suy yếu động lực của sự phát triển. Coi xây dựng gia đình là cơ sở, điều kiện để mỗi gia đình trở thành một tế bào, hạt nhân trong xã hội bền vững, là môi trường trong sạch, chắc chắn để hình thành và phát triển nhân cách con người. Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đã nhấn mạnh việc phải “tăng cường công tác giáo dục đời sống gia đình. Cung cấp tới từng gia đình các kiến thức, kỹ năng sống, như: kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng. Giáo dục và vận động mọi gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh... ”. Văn kiện Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; thực hiện tốt bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền trẻ em”, “Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ.

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, nhằm xây dựng gia đình trở thành hạt nhân của xã hôi, hướng tới xây dựng một xã hội mới, nền văn hóa mới, các cấp, các ngành, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể về vấn đề xây dựng gia đình nói chung, giáo dục trong mỗi gia đình nói riêng để giáo dục đạo đức, lối sống, nâng cao thể chất, trí lực, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển nhân cách của con người. Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội; trong đó, phát huy những ưu điểm của từng môi trường giáo dục để không chỉ đi đến sự thống nhất trong giáo dục mà còn hỗ trợ và đồng hành cùng mục tiêu chung là tạo dựng nguồn lực con người Việt Nam chuẩn mực về đạo đức, hoàn thiện về tri thức, kỹ năng. Phát huy vai trò của các trung tâm bảo trợ, nuôi dạy trẻ mồ côi, các làng trẻ, trại trẻ mồ côi v.v.. để những con trẻ bị thiệt thòi có một mái ấm gia đình được chăm sóc, yêu thương, học tập và vui chơi.

Hai là, chú trọng tạo dựng môi trường gia đình yêu thương, bình đẳng và trách nhiệm, tổ chức lối sống gia đình lành mạnh, các thành viên trong gia đình yêu thương, sẻ chia, gắn kết; cha mẹ, ông bà nêu gương cho con trẻ học theo, làm theo những điều tốt đẹp, có giá trị nhân văn lớn lao. Trong giáo dục, cần tạo điều kiện để con trẻ được nêu chính kiến, quan điểm, thậm chí phản biện lại một vấn đề nào đó là vô cùng cần thiết, bởi đây là năng lực, bản lĩnh cần thiết của mỗi con người được giáo dục hiện đại khuyến khích, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển nhân cách của con người từ khi còn nhỏ.

Ba là, lấy con trẻ làm trọng tâm trong quá trình dạy dỗ, giáo dục và nghiêm túc trong việc dạy bảo con trẻ, giáo dục, rèn luyện con trẻ học hỏi tính kỷ luật, sự tôn trọng các thành viên, nhất là cha mẹ, ông bà để con trẻ có thời gian luyện tập nhân cách của mình. Tạo được sự gần gũi, thân mật, tin tưởng ở con trẻ, để con trẻ coi mình là những người bạn lớn mà chia sẻ tâm tư, tình cảm, diễn biến tâm lý bên trong, từ đó cha mẹ, ông bà có thể hiểu được các mối quan hệ, khát vọng, cảm xúc, suy nghĩ, nguyện vọng, mong muốn, sở thích, niềm vui, nỗi buồn của con trẻ.

Bốn là, các bậc cha mẹ không ngừng học hỏi, tìm hiểu những tri thức khoa học xã hội, trang bị và nâng cao kiến thức, khả năng chăm sóc, dạy dỗ và giáo dục con cái, để phát huy vai trò giáo dục gia đình, khắc phục phương pháp giáo dục chỉ dựa trên kinh nghiệm và cảm tính. Thực tế cho thấy, cha mẹ có quyền và thường tác động đến sự phát triển và định hướng tương lai của con trẻ, song nếu giáo dục không đúng và định hướng “không chuẩn”, không sát điều kiện thực tế của chính bản thân con trẻ và gia đình thì con trẻ không những không phát huy được khả năng của mình mà còn luôn cảm thấy căng thẳng, dễ dẫn đến suy sụp tinh thần và thể chất.

Năm là, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông gắn với tăng cường tuyên truyền chiến lược xây dựng gia đình và văn hóa gia đình để nâng cao nhận thức và hành động, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình. Qua đó, giúp cho các gia đình có kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trong gia đình, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và gia đình ngày càng phát triển bền vững theo tinh thần Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá” và “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.

Hải Đăng

9315 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1498
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1498
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88995030