Sau 5 năm (2016 - 2020) thực hiện mục tiêu giảm nghèo, công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố Đồng Hà đã đạt được một số kết quả đáng kể.
Người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ BHYT kịp thời, đảm bảo quyền lợi trong quá trình tham gia khám, chữa bệnh. Đã có 13.060 lượt người nghèo và 34.029 lượt người cận nghèo được cấp thẻ BHYT với số tiền 28.959 triệu đồng. Các chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập cho con hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả. Tổng số học sinh được miễn, giảm học phí học tập là 5.494 lượt học sinh, với số tiền 10.053 triệu đồng; 3.199 lượt học sinh con hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học tập với số tiền 2.064 triệu đồng.
Việc thực hiện chính sách cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được quan tâm. Trong 5 năm, 5.566 lượt khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng khác được vay vốn với số tiền 240.704 triệu đồng. Công tác đào tạo nghề cho lao động gắn với giảm nghèo được chú trọng. Đã tổ chức 66 lớp dạy nghề cho 1.295 lao động, trong đó, có 96 lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Công tác tuyên truyền, vận động gây quỹ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được các ngành, các cấp trên địa bàn Thành phố thực hiện tốt. Từ quỹ “Ngày vì người nghèo” của Thành phố, đã thực hiện hỗ trợ xây dựng 93 nhà Đại đoàn kết, với số tiền 3.500 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa 43 nhà, với số tiền 4.005 triệu đồng. Các Hội, đoàn thể đã hỗ trợ xây dựng 19 mái ấm tình thương, với số tiền 731,5 triệu đồng (Hội LHPN 17 nhà, Hội Cựu Chiến binh 01 nhà, đoàn thanh niên 01 nhà); hỗ trợ sửa chữa 03 nhà, với số tiền 55 triệu đồng...
Tuy vậy, chất lượng giảm nghèo trên địa bàn thành phố Đông Hà chưa thật sự bền vững. Mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo vẫn còn thấp. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nói trên là do nguồn lực huy động trong xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu giảm nghèo của địa phương. Công tác chỉ đạo và phối hợp của một số cấp ủy Đảng, chính quyền ở cơ sở trong công tác giảm nghèo còn thiếu quyết liệt, chặt chẽ. Số hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo cao, tập trung vào những hộ già yếu không có khả năng lao động, hộ có người ốm đau dài ngày, hộ có người bị bệnh hiểm nghèo, hộ có người mắc tệ nạn xã hội, hộ bảo trợ xã hội. Một bộ phận hộ nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo.
Để thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương phát triển, trong thời gian tới, trước hết, Đông Hà cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác giảm nghèo bền vững; sự phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo.
Thứ hai, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, của Đảng và chính sách của Nhà nước liên quan đến giảm nghèo cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức. Trong đó, cần quan tâm tuyên truyền, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo học tập và làm theo. Biểu dương, khen thưởng đối với những hộ nghèo điển hình trong phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo.
Thứ ba, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo có đủ năng lực, trình độ và tâm huyết để thực hiện tốt nhiệm vụ. Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp. Hàng năm, làm tốt công tác điều tra, rà soát, nhận dạng và phân loại chính xác đối tượng nghèo để theo dõi, quản lý và thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp.
Thứ tư, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội như: dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, tiền điện và các dịch vụ xã hội cơ bản đối với người nghèo. Hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng cách tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo. Tăng cường huy động các nguồn lực thông qua việc gắn mỗi tổ chức, mỗi cá nhân với một địa chỉ nhân đạo... Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn giảm nghèo. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các Đề án của thành phố với công tác giảm nghèo để tăng hiệu quả đầu tư. Hồng Bốn